Vụ 7 nạn nhân tử vong tại đêm nhạc: Tác hại của bóng cười như thế nào đối với cơ thể con người?

18/09/2018 09:22

Kinhte&Xahoi Bóng cười là chất gây nghiện thuộc nhóm gây ảo giác, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin.

Liên quan đến vụ 7 thanh niên tử vong tại lễ hội âm nhạc điện tử “Trip to the Moon” diễn ra tại công viên nước hồ Tây tối 16/9, cơ quan điều tra đã phát hiện tại hiện trường có bóng cười cùng nhiều tinh thể màu trắng, viên nén nghi ma túy.

Riêng bóng cười, đã xuất hiện từ lâu trên thế giới nhưng mới du nhập vào Việt Nam tử 2010 và trở thành trào lưu trong giới trẻ Việt vài năm trở lại đây.

Hiện bóng cười không nằm trong danh mục quản lý đặc biệt do không phải chất ma túy nên được mua bán và sử dụng công khai tại nhiều quán bar, quán cafe thậm chí tràn xuống cả vỉa hè.

Bóng cười được giới trẻ sử dụng tại nhiều quán bar, quán cafe.

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, bóng cười thực chất là những trái bóng bay được bơm khí N2O. Sau khi hít khí này, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng,.

N2O là nhóm chất gây nghiện thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin.

Khi vào cơ thể, N2O gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch, bệnh nhân có thể bị rối loạn nhịp tim, tử vong do biến chứng về tim mạch.

Ngoài ra loại khí này cũng gây liệt, rối loạn cảm giác, đồng thời có thể gây thiếu máu, ức chế tủy xương và một loạt tác động khác lên cơ thể, thậm chí khả năng sinh sản cũng bị giảm.

Đáng lưu ý, những trường hợp cười ngả nghiêng liên tục cũng có thể bị ngạt do thiếu oxy và nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp có thể suy hô hấp.

Tại BV Bạch Mai từng điều trị cho nam thanh niên 26 tuổi (Tây Hồ, Hà Nội) bị ngộ độc khí N2O do lạm dụng bóng cười trong suốt 1 năm. Những ngày cao điểm, nam thanh niên này hít đến 20 quả/lần và dùng thường xuyên.

Sau khi dùng quá liều, nam bệnh nhân được chuyển đến BV trong tình trạng đi lại không vững, tổn thương thần kinh. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có biểu hiện tổn thương tủy sống cổ khá nhiều, mất chất liệu tủy sống, tê bì bàn chân lan lên cổ chân và bàn tay 2 bên.

Do đó BS Nguyên khuyến cáo mọi lứa tuổi không nên sử dụng khí này. Lạm dụng khí cười sẽ gây nghiện và khi thiếu, dễ bị trầm cảm.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, khi hít bóng cười, cảm giác hưng phấn, sảng khoái chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, tuy nhiên cũng có một số trường hợp bị chóng mặt, giảm khả năng suy nghĩ.

Đáng lưu ý, sau khi ngưng sử dụng, người dùng sẽ cảm thấy rất mệt, trằn trọc, bồn chồn, bất an, chán chường, lơ đãng, ngủ li bì. Khi tăng cấp độ và sử dụng thường xuyên, bóng cười có thể gây loạn thần.

 

Theo Vietnamnet/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

U23 Việt Nam, trái ngọt từ phương pháp "Trồng người"

Kết thúc ASIAD 2018 đoàn thể thao Việt Nam trở về nước trong sự chờ đợi, chào đón cuồng nhiệt của người hâm mộ. Mọi sự tập trung đều hướng về đội tuyển Olympic bóng đá nam Việt Nam với thành tích lọt vào bán kết môn bóng đá nam, một cột mốc lịch sử mà chưa có thế hệ nào của bóng đá nam Việt Nam làm được.