Vụ mất 400 tỷ ở Oceanbank Hải Phòng: Khách hàng tiếp tục kiến nghị

21/09/2018 16:22

Kinhte&Xahoi Ngày 6/9, nhóm khách hàng có 400 tỷ đồng tiền gửi bị mất tại Oceanbank chi nhánh Hải Phòng đã có đơn kiến nghị yêu cầu được giải quyết quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Theo đó, cuối tháng 8/2017, nhóm khách hàng mang sổ tiết kiệm đến chi nhánh Oceanbank Hải Phòng để rút tiền thì được ngân hàng thông báo: tiền không có trên hệ thống và từ chối trả tiền cho khách hàng. Trên thực tế, toàn bộ giao dịch của khách hàng đều diễn ra ở duy nhất một địa điểm là ngân hàng Oceanbank chi nhánh Hải Phòng.

Mỗi khi đến ngân hàng làm thủ tục mở sổ, tất toán, mở sổ mới, lĩnh lãi, 20 khách hàng đều được nhân viên ngân hàng hướng dẫn làm thủ tục theo đúng quy định. Toàn bộ các sổ, thẻ tiết kiệm các khách hàng được nhận đều có chữ ký và con dấu của ngân hàng. Theo sổ phụ tài khoản gửi tiết kiệm và sao kê tiết kiệm đều thể hiện rõ dòng tiền giao dịch thực tế của các khách hàng.

Một lý do Oceanbank chi nhánh Hải Phòng đưa ra trong suốt hơn 1 năm qua để chưa trả tiền cho khách hàng chính là: “Số các sổ tiết kiệm có tồn tại trên hệ thống, nhưng các thông tin khác về tên người gửi, số tiền gửi không khớp với thông tin trên hệ thống corebanking của ngân hàng”.

Buổi làm việc giữa Ban Kiểm soát đặc biết với hách hàng.

Trong quy định gửi tiền của NHNN, không có bất cứ yêu cầu nào nói đến việc khách hàng phải kiểm tra và theo dõi thông tin tiền gửi của chính mình trên hệ thống của ngân hàng, mà điều này thuộc về trách nhiệm và sự bảo mật thông tin nội bộ của ngân hàng. Các khách hàng khi gửi tiền vào NH, trách nhiệm của họ là quản lý sổ tiết kiệm do ngân hàng phát hành không bị rách nát, không bị tẩy xóa theo quy định, thì sẽ được rút tiền hoặc tất toán sổ tại tất cả các điểm giao dịch của NH Oceanbank trên toàn quốc.

Hiện nay, toàn bộ các sổ tiết kiệm của khách hành vẫn được bảo quản y nguyên hiện trạng như lúc được Oceanbank Hải Phòng cấp phát. Lý do Oceanbank đưa ra là “có sự sai lệch thông tin” để không trả tiền cho khách hàng, là không đúng với quy định của NHNN và pháp luật hiện hành.

Các cán bộ ngân hàng có sai phạm là Trần Thị Kim Chi, Lê Vương Hoàng và Nguyễn Thị Kim Huệ đã bị bắt và khởi tố ngay sau đó với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên đến nay đã hơn 1 năm trôi qua, các khách hàng vẫn đang phải mỏi mòn chờ đợi câu trả lời từ phía Oceanbank.

Theo luật sư Nguyễn Đức Thuộm - Công ty luật Bạch Đằng Giang, Đoàn Luật sự thành phố Hải Phòng: Trong sự vận hành của bất cứ một ngân hàng nào, phôi sổ/ thẻ tiết kiệm được ngân hàng in sẵn và quản lý chặt chẽ theo quy trình quản lý ấn chỉ quan trọng, giấy tờ có giá. Khi phát hành thẻ tài tiết kiệm thì mới xuất phôi để ký phát cho khách hàng. Nếu người dân không sai trong quá trình gửi tiền, tiền đã vào ngân hàng theo một cách hợp pháp, ngân hàng sẽ là bên phải chịu trách nhiệm trả tiền cho người gửi. Khi đó, ngân hàng sẽ đi đòi cán bộ, những người gây ra hậu quả chứ không phải khách hàng đi đòi.

Như vậy, có thể thấy rằng việc 400 tỷ đồng của khách hàng bị mất khi gửi vào Oceanbank, nếu ngân hàng đổ lỗi cho cá nhân cán bộ sai phạm và thờ ơ trước quyền lợi của người gửi tiền là những hành động có thể tạo nên nguy cơ rủi ro lớn trong hoạt động của cả hệ thống ngân hàng bởi khi cán bộ làm sai, ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của cán bộ đó chứ không thể đổ cho trách nhiệm của cá nhân cán bộ với khách hàng được. Điều đó là không đúng với nguyên lý của pháp luật, với đòi hỏi thực tế và không đúng với lòng tin mà khách hàng gửi gắm vào ngân hàng.

Trước đó, trong buổi làm việc kéo dài gần 4 giờ đồng hồ tại Oceanbank Hải Dương giữa nhóm khách hàng với bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Ban kiểm soát đặc biệt NHNN, các khách hàng lần lượt đưa ra những câu hỏi chất vấn liên quan đến số tiền họ gửi bị mất và yêu cầu bà Bình giải đáp.

Các câu hỏi của khách hàng Tô Thị Kiều, Lê Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Phương, Bùi Trung Tiệp, Nguyễn Thị Quỳnh Khôi, Trần Văn Phúc, Chu Đình Hà (đại diện bà Trần Thị Hạnh) đều tập trung vào việc: Khi họ đến ngân hàng gửi tiền, đều được các nhân viên ngân hàng hướng dẫn làm thủ tục theo đúng quy trình. Họ được nhận sổ, đối chiếu về số sổ, số seri, họ tên, địa chỉ… đều khớp với nhau.

Đến kỳ hạn, họ vẫn được ngân hàng trả lãi đều đặn, vẫn đáo hạn và tất toán, gửi mới bình thường. Vậy tại sao khi đến rút tiền lại nhận được thông báo “tiền không có trên hệ thống”? Khách hàng đi gửi tiền, họ chỉ đến trụ sở ngân hàng để giao dịch, không giao dịch với bất cứ cá nhân nào, tại bất cứ nơi đâu ngoài trụ sở Oceanbank, và họ cũng chỉ biết làm theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng.

Hệ thống corebanking của ngân hàng hoạt động thế nào, khách hàng không hề được biết. Vậy việc thông tin khách hàng không khớp với hệ thống, là lỗi của ngân hàng hay của khách hàng? Trên thực tế, sổ tiết kiệm khách hàng vẫn đang giữ nghĩa là giá trị pháp lý của nó vẫn rất rõ ràng Vậy những người đang đứng tên hơn 100 sổ trong hệ thống kia là những con người có thật hay không? Ngân hàng sẽ làm gì để xác minh thông tin trên hệ thống? Vai trò, trách nhiệm của Oceanbank và Ban kiểm soát đặc biệt ở đâu khi xảy ra sự việc trên? Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho tất cả những chuyện này?

Ông Trần Văn Phúc tiếp tục câu hỏi: Mối quan hệ duy nhất giữa khách hàng với ngân hàng tính đến thời điểm hiện nay trước sau vẫn chỉ có một và duy nhất là quan hệ dân sự, giao dịch giữa việc gửi tiền với nhận tiền gửi chỉ là giao dịch dân sự. Cho nên, khi cơ quan điều tra đưa ra thông tin vụ việc có yếu tố hình sự, hướng dư luận đi theo hướng đó, rồi yêu cầu ngân hàng không giải quyết quyền lợi chính đáng cho khách hàng là việc hoàn toàn không đúng bản chất.

Theo quy định, Ban KSĐB có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (ở đây là Oceanbank chi nhánh Hải Phòng) mời hoặc trực tiếp mời các khách nợ, chủ nợ đến đối chiếu công nợ với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để xác định khả năng thu nợ, trả nợ và giám sát thực hiện việc này; Yêu cầu các đơn vị, cá nhân của tổ chức tín dụng cung cấp và giải trình, báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin, tài liệu, hồ sơ có liên quan. Cho đến thời điểm này, Ban KSĐB đã làm việc đó chưa?

Bà Dương Phương Thảo bức xúc: Số tiền mà các khách hàng gửi vào Oceanbank Hải Phòng đều được huy động từ người thân, anh em bạn bè trong gia đình và các cổ đông trong công ty: khi sự việc xảy ra, Oceanbank ra thông cáo báo chí trên toàn quốc sổ tiết kiệm của khách hàng số seri có trên hệ thống nhưng thông tin không khớp. Thông tin đó là hết sức mập mờ, đã gây nên một sự bùng nổ về sự ngay tình của đồng tiền khách hàng gửi vào ngân hàng, đồng thời đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và sức khỏe của khách hàng. Oceanbank và Ban kiểm soát đặc biệt đã ở đâu khi xảy ra vụ việc?

Oceanbank và Ban Kiểm soát đặc biệt đã quản lý và kiểm soát thế nào mà lại để lọt một lỗ hổng lớn, tạo điều kiện cho cán bộ ngân hàng chiếm đoạt tài sản của khách hàng? Ban KSĐB sẽ làm gì tiếp theo để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho khách hàng?

Trả lời những câu hỏi của nhóm khách hàng, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Ban KSĐB trả lời: Trong một năm qua, Ban KSĐB đã có báo cáo đến NHNN, có văn bản gửi Oceanbank yêu cầu sắp xếp lại hệ thống để khắc phục những yếu kém cũng như lỗ hổng trong công tác quản lý.

Theo quy định của hệ thống ngân hàng, ở từng giao dịch, từng bộ phận đều có chốt kiểm soát, người phụ trách nhiệm vụ này chính là kiểm soát viên. Ban kiểm soát đặc biệt không thể đến từng ngân hàng, từng bộ phận để kiểm tra mọi hoạt động tại đây.

Về tên gọi của Ban KSĐB, theo bà Bình là do được thành lập trong hoàn cảnh đặc biệt nên mới có tên gọi đó. Và, Ban KSĐB cũng chỉ được phép hoạt động dưới sự chỉ đạo của NHNN với một số quyền hạn nhất định. Do đó, sẽ không thể giải quyết được yêu cầu của khách hàng về việc khi nào khách hàng mới nhận được tiền.

Đối với việc số liệu trên hệ thống ngân hàng không khớp với sổ tiết kiệm dẫn đến khách hàng bị mất 400 tỷ, Oceabank cũng là nạn nhân do có yếu tố lừa đảo có tổ chức của một số cán bộ ngân hàng.

Bà Bình khẳng định, Oceanbank không chối bỏ trách nhiệm của mình, quan hệ giữa ngân hàng với khách hàng tuy là quan hệ dân sự, nhưng do có yếu tố lừa đảo nên phải đưa ra cơ quan điều tra. Để xác định các thông tin trên hệ thống và trên sổ tiết kiệm là thật hay giả, cần phải có thời gian, có hồ sơ chứng từ kèm theo.

Do đó, việc CQĐT yêu cầu khách hàng giao nộp sổ, yêu cầu ngân hàng tạm dừng giao dịch với các khách hàng trong trường hợp này là phù hợp. Ngân hàng chỉ có chức năng phối hợp với CQĐT chứ không có quyền tác động đến quá trình điều tra. Do đó, bất cứ khi nào có kết luận của CQĐT, ngân hàng sẽ ngay lập tức giải quyết quyền lợi cho khách hàng.

Tại buổi làm việc, bà Bình cũng đã có ý kiến về việc sẽ gửi kiến nghị đến NHNN và Oceanbank, để khách hàng có thể trực tiếp gặp gỡ với bộ phận giao dịch của ngân hàng để biết rõ chủ sở hữu trên hệ thống là ai, ở đâu.

Theo bà, đây là việc làm cần thiết thúc đẩy tiến trình vụ việc. Đồng thời, bà Bình cũng hứa sẽ liên hệ với ông Đỗ Thanh Sơn - Chủ tịch HĐTV Oceanbank và thành lập tổ công tác trực tiếp giải quyết các vấn đề của khách hàng để từ đó có hướng giải quyết tốt hơn.

Chúng tôi tiếp tục thông tin!

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

U23 Việt Nam, trái ngọt từ phương pháp "Trồng người"

Kết thúc ASIAD 2018 đoàn thể thao Việt Nam trở về nước trong sự chờ đợi, chào đón cuồng nhiệt của người hâm mộ. Mọi sự tập trung đều hướng về đội tuyển Olympic bóng đá nam Việt Nam với thành tích lọt vào bán kết môn bóng đá nam, một cột mốc lịch sử mà chưa có thế hệ nào của bóng đá nam Việt Nam làm được.