5 nhóm giải pháp khắc phục hạn chế trong giáo dục nghề nghiệp

07/03/2022 07:00

Kinhte&Xahoi Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2021 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về nội dung “Tỷ lệ lao động qua đào tạo không đạt kế hoạch, kết quả tuyển sinh còn thấp so với kế hoạch”... Đây là nội dung nêu trong Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 4-3-2022 của UBND thành phố Hà Nội về khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2021.

Theo đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu năm 2022, cụ thể: Tuyển sinh và đào tạo khoảng 224.500 lượt người (trong đó: Cao đẳng 25.000, trung cấp 28.000, sơ cấp và dưới 3 tháng là 171.500); phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 72,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 51,2%. Đồng thời xác định 5 nhóm giải pháp gồm: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; chủ động, thích ứng linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bảo đảm hoạt động tuyển sinh, đào tạo không bị gián đoạn do dịch Covid-19; đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm.

Đáng chú ý, thành phố sẽ chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, của người sử dụng lao động; gắn chất lượng đào tạo nghề ứng dụng công nghệ, đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; đào tạo gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và từng địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm bền vững cho người lao động. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố…

 Hữu Hoài - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Người dân loay hoay trong “cơn bão” tăng giá xăng, gas

“Cơn bão” tăng giá của các mặt hàng xăng, dầu, gas... trong thời gian ngắn vừa qua khiến cho người dân không khỏi hoang mang, lo lắng, thậm chí làm đảo lộn cuộc sống của không ít người dân, nhất là những người lao động nghèo. Do đó, người dân đã thắt chặt chi tiêu, cắt giảm tối đa chi phí sinh hoạt để duy trì cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Giá rau xanh, hoa quả “nhảy múa” theo tình hình dịch bệnh

Mặc dù thời tiết tại miền Bắc những ngày gần đây đã nắng ấm trở lại song nguồn cung rau xanh vẫn còn khan hiếm, khiến cho giá rau xanh tăng cao. Bên cạnh đó, các loại hoa quả giàu vitamin C cũng luôn trong tình trạng “cháy hàng”, tăng giá do nhu cầu của người dân mua về sử dụng để phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 cũng tăng mạnh.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1026324/5-nhom-giai-phap-khac-phuc-han-che-trong-giao-duc-nghe-nghiep