8 dự án điện gió, điện mặt trời đã "chốt" giá điện tạm thời

20/05/2023 15:04

Kinhte&Xahoi Bộ Công Thương đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió và điện mặt trời đã được EVN và chủ đầu tư trực tiếp đàm phán.

Ngày 18/5 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Họp báo thường kỳ về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 4 và 4 tháng năm 2023.

Đáng chú ý, liên quan đến giải pháp có huy động các nhà máy năng lượng tái tạo hay không, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thông tin, đến nay, Bộ Công Thương đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió và điện mặt trời đã được EVN và chủ đầu tư trực tiếp đàm phán; các nhà máy trong danh sách nhà máy được chuyển tiếp đã có giá tạm thời, khi đáp ứng đầy đủ các quy định sẽ được huy động hòa lưới.

“Việc giá tạm thời cũng chỉ là 1 trong các điều kiện để các nhà máy được huy động hòa lưới điện”, ông Trần Việt Hòa lưu ý.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. (Nguồn: Tin nhanh Chứng khoán)

Còn liên quan đến việc cung ứng điện và giá điện, ông Trần Việt Hòa cho biết, hàng năm, vào thời kỳ nắng nóng và mùa khô, chúng ta đều phải đối mặt khó khăn trong cung ứng, đảm bảo điện cho kinh tế - xã hội. Trong khi đó, hệ thống còn nhiều nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo lại phụ thuộc vào thời tiết, gây khó khăn trong việc vận hành và cung ứng điện.

“Đứng trước tình trạng đó, Bộ Công Thương đã nhận định được tình hình khó khăn trong mùa khô năm nay. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trong vấn đề vận hành, cũng như cung ứng nhiên liệu về than, khí cho phát điện”, ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh.

Ông Trần Việt Hòa dẫn chứng cho biết, ngay trong tháng 5, Bộ Công Thương đã tổ chức họp với các tập đoàn năng lượng và có những chỉ đạo rất quyết liệt, với quan điểm là nỗ lực cung ứng điện đầy đủ cho việc phát triển kinh tế xã hội; thực hiện nghiêm các kế hoạch về cung cấp điện, cung cấp than cho phát điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Cùng với đó, các Tập đoàn TKV, EVN nỗ lực trong việc cung ứng đầy đủ nhiên liệu trong việc phát điện; khẩn trương đàm phán, huy động các nhà máy điện sẵn sàng về cơ sở pháp lý, trong đó bao gồm cả nhà máy điện năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời để bổ sung trong hệ thống. Các đơn vị cũng phải khẩn trương, tích cực khắc phục các sự cố của các tổ máy sẵn sàng huy động trở lại. Bên cạnh đó còn có giải pháp liên quan đến tiết kiệm điện.

Mức tăng giá điện 3% là mức thấp nhất trong quy định

Liên quan đến việc tăng giá bán lẻ điện bình quân 3%, ông Trần Việt Hòa cho biết, căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, mức tăng 3% là mức thấp nhất trong quy định của Quy định 24.

Hình ảnh có tính chất minh họa (Ảnh: Lê Hải)

Khi điều chỉnh giá bán lẻ điện, các đơn vị có liên quan đã tính toán nhiều yếu tố để không ảnh hưởng và hạn chế thấp nhất tác động đến kinh tế vĩ mô.

“Lộ trình tiếp theo như nào, Bộ Công Thương sẽ tuân thủ nghiêm túc Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu ra ở điều kiện nào để được xem xét điều chỉnh mức giá bán lẻ hiện tại”, ông Trần Việt Hòa thông tin.

Tính toán của EVN về tác động của việc điều chỉnh giá điện mới (Nguồn ảnh: evn.com.vn)

Lê Hải - Ngọc Huy - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/8-du-an-dien-gio-dien-mat-troi-da-chot-gia-dien-tam-thoi-d193872.html