9 nghi phạm đánh bom khủng bố ở Sri Lanka đều là con nhà giàu

26/04/2019 10:20

Kinhte&Xahoi Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardene cho biết có tổng cộng 9 kẻ đánh bom tự sát, phần lớn "được giáo dục tốt" và xuất thân từ các gia đình giàu có.

Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardene cho biết có tổng cộng 9 kẻ đánh bom tự sát, phần lớn "được giáo dục tốt" và từ các gia đình giàu có.
Hình ảnh từ video do trang tin Amaq của IS công bố về những kẻ đánh bom ở Sri Lanka, người ở giữa được cho là Zahran Hashim, thủ lĩnh vụ tấn công
8 kẻ đánh bom đã được xác định, một trong đó là phụ nữ, dù chính quyền Sri Lanka từ chối công bố chính thức danh tính của họ.

Một kẻ tấn công là Abdul Lathief Jameel Mohamed, đã học ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Kingston ở London, Anh, từ năm 2006 đến 2007 rồi tiếp tục học sau đại học ở Australia, trước khi trở về Sri Lanka vào năm 2013.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã xác nhận sự hiện diện của Mohamed ở nước này và vấn đề "đang được điều tra". Ông nói: "Tôi có thể xác nhận kẻ đánh bom tự sát này từng ở Australia và đã đi vào đầu năm 2013. Cá nhân đó từng ở đây với visa sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng".

Có 2 kẻ đánh bom là anh em, con của một trong những thương gia kinh doanh gia vị giàu có nhất Sri Lanka. Một người là Inshaf Ibrahim, chủ một nhà máy đồng, là kẻ đánh bom trong bữa sáng tự chọn đông người tại khách sạn sang trọng Shangri-La.

Một hình ảnh của Inshaf Ibrahim, chủ một nhà máy đồng, là kẻ đánh bom tại khách sạn sang trọng Shangri-La

Inshaf ngần ngại một lúc trước chiếc bàn trống, đi đi lại lại, tỏ ra bồn chồn, trước khi ra quyết định kích nổ quả bom trên lưng lúc 9h12. Y đăng ký ở tại khách sạn đêm hôm trước, sử dụng tên giả và nói rằng mình đi công tác.

Inshaf là con trai của Yoonus Ibrahim, triệu phú buôn gia vị giàu có tại thủ đô Colombo. Iham, em trai y, được cho là cũng tham gia chuỗi đánh bom liên hoàn ở Sri Lanka hôm 21/4 khi cùng một đồng bọn kích nổ bom tự sát ở khách sạn Shangri-La.
Inshaf (ngoài cùng bên phải), trong một sự kiện trao giải doanh nhân. Ảnh: Metro.

Inshaf năm nay 38 tuổi, sống cùng vợ và 4 con trong biệt thự 6 phòng ngủ hơn 1,9 triệu USD tại một trong những khu phố đắt đỏ nhất Colombo. Ngôi nhà có phòng gym riêng và một dàn xe sang này thuộc sở hữu của Alawdeen, nhà buôn trang sức kiêm anh rể của Inshaf. Bản thân Inshaf cũng là một doanh nhân thành đạt, sở hữu một nhà máy sản xuất đồng, nơi được cho là địa điểm chế tạo bom tự sát.

Trong ấn tượng của họ hàng và nhân viên, Inshaf là người điềm tĩnh và sùng đạo. Y nói với vợ sẽ đi Zambia công tác hôm 19/4, dặn dò cô phải "mạnh mẽ", trước khi kích nổ bom giết chết mình và nhiều người khác.

Người anh em kia là Ilham Ibrahim, theo một số báo cáo là kẻ đánh bom tại nhà hàng khách sạn Cinnamon Grand.

Ilham, 36 tuổi và vợ Fatima và ba con sống cùng bố mẹ và họ hàng trong một khu dân cư cao cấp ở thủ đô. Hàng xóm cho hay ông bà Yoonus là những người rất được kính trọng trong cộng đồng.

Thủ lĩnh vụ tấn công được cho là Mohammed Zaharan, còn gọi là Zahran Hashim, nhà truyền giáo Hồi giáo người Sri Lanka đã bị trục xuất khỏi cộng đồng vì quan điểm cực đoan nhưng đã tiếp tục làm các video trên YouTube để truyền bá tư tưởng của mình và có một nhóm người theo dõi trung thành.

Zaharan là nhân vật duy nhất có thể nhận dạng trong video về những kẻ đánh bom ở Sri Lanka cam kết trung thành với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), do trang tin Amaq của IS công bố khi nhận trách nhiệm các vụ tấn công ở Sri Lanka.

8 vụ đánh bom đúng ngày lễ Phục sinh ở Sri Lanka khiến 359 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. Cảnh sát đã bắt 60 người liên quan, xác định có 9 kẻ đánh bom tự sát và nhận diện được 8 tên. IS nhận trách nhiệm vụ tấn công nhưng chính quyền vẫn đổ lỗi cho NJT, một tổ chức Hồi giáo cực đoan trong nước. Mỹ cảnh báo một âm mưu khủng bố khác sắp diễn ra tại Sri Lanka.

Theo GĐ&PL


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“Thủ phạm” trong mùa hè gây tăng hóa đơn tiền điện

Một gia đình sử dụng bình thường khoảng gần 600.000 đồng tiền điện, hóa đơn vào mùa nóng có thể tăng lên tới hơn 1,2 triệu đồng. Nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng cao dẫn đến sản lượng điện tăng đột biến vào mùa hè