Bắc Ninh kiểm tra toàn diện Dự án cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành chậm tiến độ

12/08/2021 10:30

Kinhte&Xahoi UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu xác định nguyên nhân chậm tiến độ, thiệt hại (nếu có), gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Tiến độ thi công chưa đáp ứng kỳ vọng

Dự án đầu tư xây dựng cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành được triển khai thực hiện từ tháng 1/2018, tổng vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng.

Được biết, Ban Quản lý dự án Xây dựng giao thông Bắc Ninh là Chủ đầu tư Dự án. Công ty Cổ phần xây dựng cầu 75, Công ty CP cầu 14, Công ty TNHH Nhạc Sơn, Tổng Công ty XDCT Giao thông 1, Tổng Công ty Thăng Long- CTCP, Công ty CP Tổng Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long… là các nhà thầu thực hiện Dự án.

Công trường thi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành - thời điểm tháng 5/2021. Ảnh: Vietnammoi.vn

Vào ngày 28/6, bà Nguyễn Hương Giang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh từng đi kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành.

Trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công, bà Nguyễn Hương Giang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh từng nhấn mạnh: “Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành được xác định là công trình trọng điểm của tỉnh, tuy nhiên tiến độ thi công chưa đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh.”

Tính đến thời điểm tháng 6/2021 – tức là sau 42 tháng triển khai, đến nay giá trị khối lượng thực hiện đạt khoảng 946 tỷ đồng, trong đó khối lượng thi công xây dựng khoảng 911 tỷ đồng, đạt 67,6%.

Đối với phần cầu chính, toàn bộ 04 trụ cầu trên sông đã hoàn thành công tác đổ bê tông, công tác gia công vòm thép đang triển khai trong xưởng của các đơn vị.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các phương tiện chở vật liệu thi công không thể vào công trường. Các đơn vị thi công không huy động được nhân sự để triển khai 03 ca. Bên cạnh đó, năng lực tài chính của một số nhà thầu còn hạn chế… dẫn đến các hạng mục bị chậm từ 1,5 - 2 tháng.

Xác định nguyên nhân chậm tiến độ, gắn trách nhiệm

Đến đầu tháng 8/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án xây dựng giao thông Rà soát tổng thể trình tự, thủ tục thực hiện Dự án (Chuẩn bị đầu tư, duyệt chủ trương đầu tư, duyệt dự án, phân chia gói thầu, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, TKKT, BVTC, lựa chọn nhà thầu, tạm ứng, thanh toán, gia hạn thực hiện Dự án… và các nội dung có liên quan)

Đồng thời xác định nguyên nhân chậm tiến độ, thiệt hại (nếu có), gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, có biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh các nội dung trên trong ngày 10/8/2021.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh chủ trì thành lập tổ công tác liên ngành bao gồm lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Trong đó, Chánh Thanh tra tỉnh làm Tổ trưởng.

Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ rà soát tổng thể dự án đến thời điểm hiện tại, xác định nguyên nhân chậm tiến độ, thiệt hại (nếu có).

Đồng thời, gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, đề xuất biện pháp giải quyết, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/9/2021.

Dự án cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành được nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Bắc Ninh lần thứ 19 xác định là một trong các công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020. Công trình nằm trong quy hoạch tổng thể đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Dự án sẽ góp phần hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh kết nối các huyện phía Bắc và phía Nam sông Đuống, kết nối QL18 – Tỉnh lộ 287 – QL38 – QL1A – QL17 phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. 

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Lê Hải - Nhã Vân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội kích hoạt hàng loạt điểm bán hàng lưu động

Trong bối cảnh đã xuất hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng thời gian qua khiến cho nhiều chợ truyền thống, siêu thị, nhất là một số chợ đầu mối bị phong tỏa tạm thời hoặc dừng hoạt động, nhiều quận, huyện cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai các điểm bán hàng lưu động để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu của người dân Thủ đô.

Triển khai 2.500 điểm bán hàng lưu động nếu nhiều chợ, siêu thị ngừng kinh doanh

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 181/KH-UBND về bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/bac-ninh-kiem-tra-toan-dien-du-an-cau-phat-tich-dai-dong-thanh-cham-tien-do-d163168.html