Bài 1: Dược sĩ tại một số nhà thuốc đang thay thế chức năng của bác sĩ?

04/07/2023 13:56

Kinhte&Xahoi Một số nhà thuốc bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc. Dường như dược sĩ tại đây đang dần thay thế nhiệm vụ, chức năng của bác sĩ?

Thuốc Nam, thuốc Đông y hay đặc biệt là thuốc tây có vai quan trọng việc điều trị bệnh. Tuy nhiên, thuốc cũng là “con dao hai lưỡi” có những tác dụng phụ, nếu không sử dụng đúng cách hoặc tự ý dùng sẽ gây ra những hậu quả nặng nề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, thậm chí tử vong, làm tăng chi phí điều trị. 

Mặc dù ngành y tế đã có nhiều văn bản quy định về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, trong đó hành vi bán thuốc mà không có đơn thuốc là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, do chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe, bên cạnh đó công tác quản lý, thanh kiểm tra còn nhiều hạn chế vì số lượng cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc quá lớn nên việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc chưa nghiêm.


Video: Dược sĩ tại một số nhà thuốc đang thay thế chức năng của bác sĩ?

Mới đây, trong danh sách xử phạt vi phạm hành chính của Sở Y tế Hà Nội có nhiều nhà thuốc trên địa bàn thành phố bị phạt, trong đó có hành vi bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc là lỗi thường gặp tại các nhà thuốc hiện nay.

Cụ thể, gần đây nhất ngày 22/6/2023 Nhà thuốc Việt Bảo (Số 30 Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị sở Y tế Hà Nội phạt 28,5 triệu đồng do để thực phẩm chức năng lẫn thuốc; không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định; bán thuốc kê đơn không có đơn; không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ viêc duy trì đáp ứng thực hành tốt bán lẻ thuốc theo quy định.

Hay nhà thuốc Pharmacity số 566 trực thuộc chi nhánh Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity tại Hà Nội (72-74 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị phạt 30 triệu đồng.

Nhân viên Nhà thuốc Pharmacity tại 72-74 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đang lấy thuốc cắt liều khi không có đơn cho PV. Ảnh Xuân Thành

Cùng lỗi vi phạm nêu trên, vào tháng 5/2022, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần dược phẩm Pharmacity (số 248A đường Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Thế nhưng, từ kết quả kiểm tra, xử phạt của ngành Y tế cùng phản ánh của một số người dân khi đến mua thuốc, phóng viên (PV) đã “mục sở thị” tại một số Nhà thuốc ngẫu nhiên trên địa bàn Hà Nội để trả lời cho câu hỏi tình trạng bán thuốc không cần đơn có còn tồn tại. 

Tại nhà thuốc tư nhân An Huy số 8 do Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Lan phụ trách (địa chỉ: N04-B1 đường Thành Thái, quận Cầu Giấy, Hà Nội một nhân viên bán thuốc không đeo bảng tên nhanh chóng bán cho PV vỉ Amlodipin 5mg mà không hỏi đơn thuốc.

Nhân viên nhà thuốc tư nhân An Huy số 8 bán Amlodipin 5mg mà không hỏi đơn thuốc. Ảnh Xuân Thành

Trở lại địa chỉ Nhà thuốc từng bị Sở Y tế Hà Nội phạt vì vi phạm hành vi bán thuốc khi không có đơn thuốc vào ngày 02/06/2023, trong vai người có nhu cầu mua thuốc với triệu chứng ho, sốt, đờm rát họng, PV được nhân viên tại quầy thuộc Nhà thuốc Pharmacity có địa chỉ 72-74 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhanh chóng lấy 05 loại thuốc cắt liều, kèm kháng sinh cho vào các túi khác nhau mà không hề hỏi khách hàng (PV) đã đi khám bác sĩ và có đơn thuốc hay chưa.

Nhân viên nhà thuốc tư nhân An Huy số 8 bán Amlodipin 5mg mà không hỏi đơn thuốc. Ảnh Xuân Thành

Tiếp đó vào ngày 03/06/2023, PV hỏi mua thuốc Amlodipin 5mg của nội, nhân viên tại quầy thuộc Nhà thuốc Pharmacity có địa chỉ 28 phố Trần Quốc Vượng, tổ 19, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy nhân viên tại đây vẫn không hỏi đơn thuốc và dùng để làm gì đã bán ngay 01 vỉ thuốc Amlodipin loại 5mg cho khách (PV). Được biết, Amlodipin 5mg là thuốc kê đơn của bác sĩ được sử dụng trong điều trị bệnh cao huyết áp. Theo trang thông tin của Hội Nội khoa Việt Nam (https://thaythuocvietnam.vn/) Amlodipin có một số tác dụng phụ như: Sưng phù chân; đau đầu; chóng mặt; bốc hỏa; đau ngực liên tục; đau bụng buồn nôn; ngoài ra khi người bệnh uống quá liều thường nhịp tim nhanh; loạn nhịp tim và ngất,… 

Các loại thuốc khi mua cần phải có đơn của bác sĩ, được PV mua rất dễ dàng tại nhiều nhà thuốc thuộc hệ thống Công ty cổ phần dược phẩm Pharmacity. Ảnh Xuân Thành

Chia sẻ với Pháp luật Plus, Bác sĩ Trịnh Văn Đoan - Chuyên khoa I, Khoa thận tiết niệu - Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Tại phòng khám ngoại trú, bác sĩ liên tục gặp tình trạng bệnh nhân đến khám với các triệu chứng: Chân tay tự nhiên bầm tím, da mỏng mặt nặng, tròn, đỏ, béo vùng bụng, tay chân teo dần, tăng cân bất thường, phù toàn thân, phụ nữ tự nhiên mọc ria mép lông vùng mặt và bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên vì nghi ngờ suy thượng thận,…

Theo chuẩn đoán bác sĩ, nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp trên là do bệnh nhân tự ý mua thuốc tại các nhà thuốc khi gặp các triệu chứng và bệnh đau xương khớp, đau vì bệnh gút, ho đau họng,… đã tự dùng thuốc chống viêm, giảm đau mà không theo chỉ định, không có sự theo dõi của bác sĩ.

Bs Đoan cho biết, nguyên nhân khi người bệnh tự dùng thuốc thuyên giảm nhanh do trong thuốc bệnh nhân tự ý dùng có chứa Corticold có tác dụng làm giảm viêm, ức chế hệ thống miễn dịch, chống dị ứng và được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh có liên quan đến viêm, dị ứng và miễn dịch như bệnh lý cơ xương khớp, da liễu, tai mũi họng và dị ứng - miễn dịch. 

Quay lại thực tế của nhà thuốc Pharmacity, hệ thống nhà thuốc Pharmacity là một thương hiệu có tiếng trong lĩnh vực bản lẻ thuốc tại thị trường Việt Nam. Theo lời giới thiệu của Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity, đơn vị thành lập vào năm 2012. “Đến nay, sở hữu mạng lưới hơn 1000 nhà thuốc đạt chuẩn GPP trên toàn quốc cùng đội ngũ hơn 3.500 dược sĩ, cung cấp các sản phẩm thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe hàng đầu với giá thành cạnh tranh nhất. Với mục tiêu của Pharmacity nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho từng khách hàng”. Thế nhưng, hành động của các dược sĩ thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity thuốc phải kê đơn… nhưng ai có tiền là bán? Phải chăng chỉ vì lợi nhuận và cạnh tranh thị trường mà coi thường pháp luật, vội vàng quên những lần xử phạt của ngành Y tế hay mức phạt đó chưa đủ sức răn đe đối với các nhà thuốc?

Để thượng tôn pháp luật, đề nghị cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm tra và siết chặt việc các nhà thuốc tự ý bán thuốc kê đơn cho khách hàng tránh nhiều hệ lụy đáng tiếc xảy ra cho người bệnh.

Từ ngày 15/11/2020, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực, thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế. Với mức phạt tiền tăng 25 lần và áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung đối với các cơ sở bán lẻ thuốc như sau:

Theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 59, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực Y tế: Xử phạt hành chính từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với hành vi "Bán vaccine hoặc bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc", Điểm đ khoản 8 Điều 59 cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung với hành vi trên là: "Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm đ, i khoản 3 và điểm c khoản 5 Điều này".

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin!

 Xuân Thành - Pháp luật PLus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/bai-1-duoc-si-tai-mot-so-nha-thuoc-dang-thay-the-chuc-nang-cua-bac-si-d195538.html