Bài toán của Thủ đô không thuần túy là quản trị đô thị mà phải phát triển đa dạng, bền vững

28/02/2022 15:04

Kinhte&Xahoi Đó là một trong những ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội tại tọa đàm về một số cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phối hợp với UBND TP tổ chức sáng nay (28/2).

Quang cảnh buổi tọa đàm

 Theo báo cáo giải trình một số cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) của UBND TP Hà Nội, quan điểm xây dựng luật nhằm sửa đổi toàn diện trên cơ sở kế thừa Luật Thủ đô hiện hành; Đồng thời mở rộng, nâng cấp một số cơ chế chính sách đặc thù, đột phá để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Dự thảo sửa đổi Luật Thủ đô gồm 16 chính sách, tập trung vào 4 định hướng lớn: Tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp, giảm tầng nấc trung gian, năng động, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm mô hình chính quyền đô thị và nông thôn của Thủ đô; Tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thủ đô trên các lĩnh vực: Tổ chức bộ máy chính quyền, biên chế, tài chính - ngân sách, đầu tư, xây dựng, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, an sinh xã hội, nông nghiệp, giữ gìn an ninh trật tự... nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của thành phố.

Dự thảo cũng xây dựng những cơ chế chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế, phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt, tiềm năng, thế mạnh, phù hợp điều kiện thực tiễn và mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội; Thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực phát triển của vùng, của đất nước.

ĐBQH Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình, thống nhất với chủ trương và những cơ chế, chính sách nhằm sửa đổi Luật Thủ đô. Các ý kiến của đại biểu tập trung vào các cơ chế, chính sách trong phân cấp, trao quyền; Đồng thời bày tỏ quan điểm trong định hướng phát triển Thủ đô.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, cần nhìn nhận Thủ đô là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội hơn là trung tâm kinh tế để có định hướng phát triển phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách cần cân nhắc tính dài hạn; Bảo đảm quan hệ chặt chẽ với các chính sách của các địa phương khác...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Bài toán của Thủ đô không thuần túy là quản trị đô thị mà phải bảo đảm phát triển đa dạng, bền vững".

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính cho rằng, cần xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô khác với các địa phương khác bởi nếu chỉ dựa trên cơ chế chung thì không phải đặc thù; Đồng thời, phải mạnh dạn trao quyền cho người đứng đầu song song với xử lý nghiêm vi phạm trong phân cấp, phân quyền.

Đồng tình với cơ chế trao quyền cho người đứng đầu được thể hiện rất rõ tại dự thảo, tuy nhiên đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường băn khoăn việc này có chồng lấn với cơ chế với Luật Công chức, viên chức hay không. Về phân cấp, phân quyền, đại biểu cho rằng cần làm rõ cơ chế chính sách phân quyền cho HĐND cấp quận, huyện, thành phố trực thuộc Thủ đô.

Nhiều ý kiến đại biểu tập trung vào cơ chế, chính sách về văn hóa, y tế của thành phố. Trong đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng quá trình sửa đổi Luật cần tập trung vào 4 vấn đề, gồm: Xây dựng hệ thống y tế Thủ đô gần dân hơn, tập trung hơn, chuyên sâu hơn và phát triển mạnh mẽ khám, chữa bệnh từ xa.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi tọa đàm

Các đại biểu cũng đề xuất cần tháo gỡ bất cập về thủ tục để phát triển ngành công nghiệp văn hóa; Có cơ chế chính sách hỗ trợ tài năng văn hóa, nghệ thuật, thể thao của Thủ đô.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia cũng đề nghị thành phố rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách sửa đổi Luật Thủ đô với các quy định pháp luật có liên quan, quan tâm lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động bởi các chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi); Xây dựng báo cáo đánh giá tác động của các chính sách; Có cơ chế cho công tác giải phóng mặt bằng nhằm quỹ đất sạch cho quy hoạch...

Phát biểu tổng hợp một số nội dung sau tọa đàm, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh, các đại biểu đã thống nhất nguyên tắc áp dụng pháp luật, phát huy được quy định mới khi sửa đổi Luật Thủ đô với những tính năng vượt trội, vai trò dẫn dắt.

Để hoàn thiện dự án, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị cần làm rõ cơ sở chính trị, khoa học, thực tiễn, pháp lý mà cơ sở chính trị vô cùng quan trọng là báo cáo Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, phải đưa được những quan điểm, định hưởng lớn; Kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được thi thực thi luật hiện hành và điều chỉnh và bổ sung mới những cơ chế, chính sách... theo tinh thần nội dung mới phải ưu việt, vượt trội hơn chính sách cũ và bảo đảm tính khả thi.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ổn định chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm

Sau cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hiện nay, sức mua thịt gia súc, gia cầm tại thành phố Hồ Chí Minh đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, trước diễn biến còn phức tạp của dịch Covid-19, các cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm hoạt động ổn định, tránh đứt gãy nguồn cung loại thực phẩm được tiêu thụ nhiều này.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bai-toan-cua-thu-do-khong-thuan-tuy-la-quan-tri-do-thi-ma-phai-phat-trien-da-dang-ben-vung-190777.html