Báo động hội nhóm ảo tiêu cực và những hệ lụy thật

11/12/2022 10:31

Kinhte&Xahoi Mạng xã hội đang phổ biến và phát triển, kéo theo đó là những biến tướng chiêu trò nhằm câu tương tác. Chưa dừng lại ở đó, không ít hội nhóm còn xúi giục những điều nhảm nhí và “làm liều”…

Cô đơn trong thế giới ảo và trầm cảm. (Ảnh minh họa)

Những hội nhóm rác… “không tưởng”

Nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” là một trong những nhóm rác đang nổi đình nổi đám thời gian gần đây với vụ việc một vài thành viên nhóm đã rủ nhau đi… cướp ngân hàng. Từ một nhóm tưởng chừng chỉ để giải trí, mua vui thì giờ đây, nhóm này đã thực sự trở thành một điểm tập kết online cho những người xấu muốn làm liều.

Nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” với hàng ngàn thành viên, chủ yếu là các thành phần ăn chơi lêu lổng, không có công việc cụ thể, nợ nần do cờ bạc, cá độ. Nhóm này thường xuyên đăng những bài viết với nội dung trốn nợ, tụ tập đánh nhau, hay rủ nhau đi trộm, cướp. Dưới mỗi nội dung về nợ nần, những thành viên trong nhóm thường hướng người đăng theo chiều hướng xấu như đánh bạc để gỡ gạc, hay thậm chí cực đoan đến mức là rủ nhau tự tử để trốn nợ.

Từ những lời khuyên, rủ rê nhau qua nhóm này, một số thành viên đã móc nối với nhau để thực hiện những hành vi phạm pháp ngoài đời thật. Điều này đặc biệt nguy hiểm với tình hình an ninh trật tự xã hội nếu tiếp tục để những nhóm như thế này tiếp tục tồn tại.

Gần đây, công an đã ghi nhận một số vụ việc các đối tượng quen nhau trên các hội nhóm “làm liều” rồi rủ nhau đi cướp giật. Trong các vụ cướp ngân hàng ở quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội và cướp điện thoại trong cửa hàng FPT ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, các đối tượng phạm tội đều quen nhau trên hội nhóm “làm liều”.

Nguy hiểm hơn, các ứng dụng này còn được quảng cáo tràn lan trên khắp các diễn đàn mạng xã hội như Facebook, Youtube… kèm theo vô vàn lời mời chào hấp dẫn: “Cái này dễ mà, anh em cứ đánh theo tôi là thắng, cái này nó có mẹo hết mà”.

Bên cạnh đó, với mật độ xuất hiện ngày càng nhiều, các tựa game hay các trang web mang tính cá cược có khả năng tiếp cận người chơi cao, đặc biệt là các thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 23 - độ tuổi sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Từ đây, bắt đầu tạo nên những bi kịch cho các “con bạc” vị thành niên.

Với tham vọng “đổi đời” ở tuổi 17, nam thanh niên N.C.K (17 tuổi, ở Vĩnh Phúc) đã ném vào cờ bạc online với số vốn ban đầu khoảng 20 triệu đồng. Sàn giao dịch mà N.C.K lựa chọn là “Tài - Xỉu online”.

Trong lúc say máu ăn thua, K. hồn nhiên chia sẻ: “Kiếm tiền bằng cách này vừa dễ vừa nhanh, cách chơi lại đơn giản, tỷ lệ trúng thưởng cao. Với cả chơi cho biết thôi chứ có nghiện đâu”.

Nếu như đặt cược đúng, số tiền mà người chơi này có thể kiếm được trong 1 đêm có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, với cách đánh “tất tay” của K., hàng chục triệu “bốc hơi” cũng chỉ trong 1 đêm, điều này không quá xa lạ với không ít thanh niên như K.

Trò đỏ - đen luôn diễn ra như một quy luật có thắng, có thua, song những “con bạc” luôn mong muốn số tiền kiếm được gấp mười, thậm chí là gấp trăm số vốn ban đầu. Do đó, càng thua đậm, những “con bạc” càng tìm mọi cách để gỡ lại số tiền đã mất. Và các quỹ “tín dụng đen” là nơi cung cấp số tiền để các “con bạc” có thể gỡ lại số tiền mất.

Cũng giống như nhiều người chơi khác, sau khi mất đi số tiền quá lớn, N.C.K quyết định tìm đến các quỹ “tín dụng đen” như một nơi cứu cánh cuối cùng. Và kết quả sau hơn 2 tháng “đầu tư”, N.C.K. đã nợ hơn 100 triệu đồng và không có khả năng chi trả. Ở tuổi 17, thanh niên này đã hiện thực hóa “giấc mộng đổi đời” với đích đến là bỏ học và trốn nợ.

Tương tự như N.C.K, P.Đ.T. (huyện Tiền Hải, Thái Bình), là sinh viên năm nhất của một trường đại học tại Hà Nội, cũng là “con bạc online”. Sau khi có mặt tại Hà Nội để tiếp tục học, P.Đ.T. liên tục tham gia đặt cược và số tiền mất đi đã lên tới con số 50 triệu đồng.

Những hội nhóm trầm cảm và tự tử của Gen Z

Hiện trên mạng xã hội Facebook có năm “nhóm kín” với tên gọi “Hội những người muốn tự tử” cùng hơn 10.000 thành viên. Các nhóm này đa phần đưa các bài viết nói về những áp lực tiêu cực và chia sẻ ý định muốn tự tử. Trong một nhóm có 16.000 thành viên, bài viết mới nhất của một chị có tên M.C. cho biết đang gặp áp lực và muốn tự tử cùng con nhỏ để giải thoát.

Trong gần 400 bình luận dưới bài viết thì có hơn 50 bình luận “tư vấn” cho chị cách tự tử dễ nhất…

“Em đang rất bi đát. Bây giờ em chỉ muốn kết liễu cuộc đời”, đó là một chia sẻ phổ biến trong nhóm kín trầm cảm. Đáng ngại, khi những nội dung tiêu cực này được viết ra thì rất nhiều comment cũng chia sẻ câu chuyện của mình.

Theo đó, có bạn nói từng cắt tay và đưa ra nhận xét “khi ấy sẽ thấy dễ chịu hơn đấy”. Hay có bạn cũng bảo “từng uống thuốc ngủ nhưng bố mẹ phát hiện ra. Đã được cứu sống nhưng đến giờ vẫn còn suy nghĩ tiêu cực nhiều lắm”…

Một bé gái (13 tuổi) có hoàn cảnh éo le. Bố mẹ ly thân không ai nhận nuôi, em về sống cùng bà ngoại. Bà khó tính, hay quát mắng. Câu cửa miệng bà mắng là “tại mày là con gái, mẹ mày không đẻ được con trai nên bố mẹ mày mới bỏ nhau. Tao phải gánh cục nợ ấy”.

Bác sỹ trị liệu cho biết: “Bạn ấy áp lực khi hàng ngày nghe bà chì chiết, đổ lỗi mà không hề có bố, mẹ ở bên. Đi học trên lớp do hoàn cảnh như vậy nên hay bị trêu. Kết quả học tập của bạn ấy cũng không tốt. Dần dần sinh ra cảm xúc chán nản, tiêu cực, bạn ngại ra ngoài, ngại giao tiếp với những người xung quanh nhưng lại chìm vào thế giới của những người bạn đồng cảnh ở thế giới ảo…

Một ngày, bạn đi mua thuốc ngủ tự tử. Gia đình kịp thời phát hiện đưa vào Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai”.

L.T.H.D. (17 tuổi, ngụ tại quận 6, TP HCM) là thành viên “Hội những người muốn tự tử” trên mạng xã hội. Em nghĩ, vào nhóm, em có thể thoải mái chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và cả những áp lực mình đang gặp phải. Tuy nhiên, bên cạnh những lời động viên, an ủi, em còn nhận được những lời khích bác, xúi giục tự tử. D. rơi vào khủng hoảng và nhiều lần nghĩ đến cái chết.

D. kể với cô giáo dạy văn rằng, em tham gia “Hội những người muốn tự tử” hơn một năm qua. Ban đầu, cô học trò 17 tuổi chỉ nghĩ tham gia “nhóm ảo” sẽ giúp mình thoải mái chia sẻ những áp lực trong cuộc sống; dễ dàng tìm được những người bạn sẵn sàng lắng nghe nỗi buồn cùng mình.

“Hôm đó, em đăng một bài viết khá dài chia sẻ chuyện bị bố la mắng và những áp lực mình đang gặp phải. Nhiều người vào xúi em: “Mày đi chết đi”, “Sống như thế thì sống làm gì” và nhiều bình luận còn ghê rợn hơn. Em rơi vào khủng hoảng, cả đêm mất ngủ và nhiều lần nghĩ đến cái chết” - D. nhớ lại.

Nhưng may mắn là cô giáo dạy văn đã quan tâm và được D. chia sẻ câu chuyện của bản thân mình. Cô đã kết nối cho em trò chuyện với một chuyên gia tâm lý để giúp em vượt qua khủng hoảng.

Ths.BSNT Đỗ Thùy Dung, Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại phòng khám, bác sĩ tiếp nhận hầu hết những bạn trẻ có vấn đề; qua thăm khám, chẩn đoán xác định bệnh nhân rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm.

“Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi nhận thấy hầu hết các con hay có những hành vi tự gây thương tích, ví dụ như cắt tay, lấy đầu thuốc lá châm vào các vị trí ở vùng cổ tay, vùng đùi.

Khi được hỏi, sao lại làm như thế thì có bệnh nhân bảo lớp con có nhiều bạn làm như thế lắm, có bạn thì bảo làm theo các bạn ở trên mạng hướng dẫn”, BS Đỗ Thùy Dung cho hay.

Bác sĩ chuyên ngành sức khỏe tâm thần cảnh báo, trẻ bị trầm cảm rất dễ tái phát. Việc điều trị dứt điểm phụ thuộc vào nhận thức của bệnh nhân, mức độ trầm cảm, khả năng thích ứng và đối phó với các căng thẳng của bệnh nhân và yếu tố hỗ trợ từ gia đình.

Tuy nhiên, theo TS. BS Trần Thị Hồng Thu, PGĐ kiêm Trưởng khoa Lâm sàng Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, thanh, thiếu niên mắc bệnh tâm thần thường sợ nói ra vì sợ bị đánh giá, kỳ thị và bị xa lánh. Vì thế, nhiều thanh, thiếu niên cố gắng tự tử nhằm thoát khỏi các triệu chứng bệnh tâm thần.

Tổ chức Y tế thế giới từng cảnh báo một nửa của tất cả các rối loạn sức khỏe tâm thần ở tuổi trưởng thành bắt đầu vào tuổi 14, nhưng hầu hết các trường hợp không được phát hiện và không được điều trị. TS. BS Hồng Thu cho rằng, phụ huynh cần hiểu, biết cách nói về sức khỏe tâm thần với con để giúp thanh, thiếu niên cảm thấy thoải mái và chấm dứt sự kỳ thị trước khi bệnh bắt đầu xuất hiện. Bởi trên thực tế có rất nhiều trường hợp khi đến viện thì đã bị trầm cảm nặng, thậm chí có trường hợp chuyển sang giai đoạn tâm thần phân liệt.

Đồng thời, để giúp con hạn chế tiếp xúc với những thông tin tiêu cực, BS Dung cho rằng bố mẹ cần giám sát, giới hạn thời gian con vào mạng, kiểm soát nội dung con tìm kiếm trên mạng, nhất là với những bạn có dấu hiệu mắc các bệnh lý tâm thần tiếp xúc để từ đó có những điều chỉnh kịp thời…

Tội phạm hoạt động trên mạng xã hội ngày càng tinh vi

PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tâm lý về tội phạm học, chia sẻ: “Từ lâu, mạng xã hội đã trở thành một phần của đời sống thật, những điều diễn ra trên mạng xã hội phản ánh một phần đời sống thật. Những vụ cướp mà các đối tượng quen nhau trên các nhóm hội tiêu cực gây ra trong thời gian gần đây là rất đáng báo động. Dưới góc độ tội phạm học, đây là một xu hướng nguy hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Đáng lo ngại là tội phạm đang ẩn náu dưới vỏ bọc các hội nhóm để tìm đồng bọn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài những chia sẻ dung tục, các hội nhóm này còn thúc đẩy, cổ vũ hành vi phạm pháp. Tội phạm hoạt động trên mạng xã hội ngày càng tinh vi. Chúng vào các hội nhóm tiêu cực để tìm những người đang cùng quẫn, bế tắc, để lôi kéo vào hành vi phạm tội. Lo lắng nhất là chúng sẽ lôi kéo trẻ em”. 

 Phương Uyên - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, Nhà thuốc Long Châu có đang tiếp tay cho vi phạm?

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đưa ra cảnh báo về 2 sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tọa An và Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên Bào Ngư Calichi được Nhà thuốc FPT Long Châu (https://nhathuoclongchau.com) quảng cáo có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-24h/bao-dong-hoi-nhom-ao-tieu-cuc-va-nhung-he-luy-that-d187663.html