Bắt đầu xét xử 38 bị cáo trong “đại án” Việt Á

03/01/2024 12:37

Kinhte&Xahoi Sáng 3-1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm 38 bị cáo liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bị cáo Phan Quốc Việt, cáo trạng xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu được dẫn giải tới phiên xét xử.

Đúng 8h15, các bị cáo được dẫn giải tới phiên tòa trong sự bảo vệ nghiêm ngặt.

Hội đồng xét xử gồm 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa; 3 kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và 2 kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, 6 bị cáo bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" gồm: Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Nguyễn Huỳnh, nguyên thư ký của Nguyễn Thanh Long; Phạm Duy Tuyến, nguyên Giám đốc CDC Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Vũ Đình Hiệp (Phó Giám đốc Công ty Việt Á) bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".

Các bị cáo khác gồm nhiều vụ trưởng, vụ phó cơ quan cấp bộ; cán bộ UBND hoặc tỉnh ủy; lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC của 24 tỉnh, thành phố.

Cáo trạng đã chỉ rõ, Phan Quốc Việt có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, bị cáo biết chủ trương nghiên cứu sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch nên xin cùng tham gia đề án. Sau khi được chuyển giao quy trình nghiên cứu kit xét nghiệm, Việt giao cấp dưới tiếp tục phát triển để sản xuất, rồi xin cấp phép lưu hành, kinh doanh thương mại.

Để Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm kit test được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, tạo điều kiện hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương theo giá đã được nâng khống, Phan Quốc Việt đã đưa tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho một số cán bộ liên quan trong vụ án.

Bên cạnh đó, với mục đích để Công ty Việt Á được thuận lợi trong việc tiêu thụ kit test, thu lời bất chính, Phan Quốc Việt trực tiếp hoặc chỉ đạo 7 nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á liên hệ làm việc và thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ các công ty trung gian hoặc lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế để Công ty Việt Á giao kit test và các thiết bị, vật tư y tế khác cho các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng trước.

Sau đó thông đồng hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng để đơn vị, cơ sở y tế thanh quyết toán, chuyển tiền cho Công ty Việt Á hoặc công ty trung gian theo đơn giá họ đưa ra.

Vụ việc được xác định gây thiệt hại tổng cộng hơn 1.200 tỷ đồng của Nhà nước, cơ quan, tổ chức khác, trong đó thiệt hại Nhà nước là hơn 400 tỷ đồng.

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 20 ngày.

Chu Dũng - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tránh "đứt gãy" cung ứng nông sản dịp Tết

Thông thường, những tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, giá các loại nông sản, thực phẩm sẽ tăng cao. Thế nhưng, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giá lợn hơi lại đang xuống thấp; các loại nông sản khác, như: Rau, củ, quả cũng giảm nhẹ.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/bat-dau-xet-xu-38-bi-cao-trong-dai-an-viet-a-654886.html