Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cảm ơn cán bộ và nhân dân chấp hành nghiêm yêu cầu chống dịch Covid-19

08/04/2020 14:49

Kinhte&Xahoi Chiều 7-4, kiểm tra công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại Đảng ủy phường Bồ Đề, quận Long Biên, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cảm ơn cán bộ và nhân dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn đã tự giác, nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố, coi đó như mệnh lệnh thời chiến, góp phần quan trọng ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ phường Bồ Đề, quận Long Biên.

Cùng tham gia đoàn kiểm tra có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; lãnh đạo Sở Y tế và Quận ủy Long Biên.

Tuân thủ chỉ đạo như mệnh lệnh thời chiến

Quận Long Biên là địa bàn có yếu tố dịch tễ phức tạp với 9 ca F0, 5 ổ dịch, trong đó 2 ổ dịch đã được khống chế, 3 ổ dịch đang được tiếp tục theo dõi, kiểm soát. Phường Bồ Đề cũng là địa bàn trọng điểm với 2 ca F0, trong đó mới nhất là bệnh nhân số 237 mắc Covid-19.

Đồng chí Vương Đình Huệ đã kiểm tra tình hình, nghe lãnh đạo quận Long Biên, phường Bồ Đề và cấp ủy chi bộ địa bàn dân cư báo cáo việc triển khai các biện pháp điều tra dịch tễ, tổ chức cách ly, kiểm tra, kiểm soát, khống chế dịch Covid-19 trên địa bàn.

Bí thư Quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải cho biết, thời gian qua, quận đã thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và thành phố nghiêm túc, quyết liệt như mệnh lệnh thời chiến, với phương châm “4 tại chỗ”.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Bồ Đề Nguyễn Ngọc Quang, phường đã phát huy vai trò tích cực của đội ngũ cán bộ cơ sở, trách nhiệm nêu gương của các đảng viên.

Còn đồng chí Đặng Đình Xúy, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 4 (phường Bồ Đề) cho biết, chi bộ cũng thành lập 10 tổ công tác, mỗi tổ 2 người quản lý 50 hộ dân trong phòng, chống dịch. Cấp ủy chi bộ, đại diện tổ dân phố trao đổi hằng ngày, hằng giờ để chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao quà hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho phường Bồ Đề, quận Long Biên

Yêu thương nhau thì phải giãn cách

Phát biểu kết luận, thay mặt Đảng bộ và chính quyền thành phố, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ biểu dương và cảm ơn người dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh trên địa bàn đã tự giác, nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố và quận về công tác chống dịch.

"Lúc hoạn nạn thì thế giới cũng như Việt Nam thường gần gũi và chia sẻ với nhau. Nhưng kẻ thù hiện nay là vô hình, rất dễ lây lan, khó phát hiện. Dịch Covid-19 không trừ một ai nên không một ai đứng ngoài cuộc. Trung ương, Chính phủ đưa ra biện pháp gì cũng là các quyết định khó khăn, tạm thời để hạn chế. Đến nay, điều rất đáng vui mừng là người dân đã hưởng ứng rất tốt. Lúc này, giãn cách là cách tốt nhất để ngăn chặn đại dịch, nên mong bà con thực hiện thật tốt", Bí thư Thành ủy chia sẻ.

Đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá rất cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, đặc biệt là các lực lượng xung kích đi đầu như, công an, bộ đội, y tế, các cấp ủy, chính quyền và nhất là các cán bộ ở các thôn, tổ dân phố. Các đồng chí đã thực hiện khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các chỉ thị của Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố, coi đó như mệnh lệnh thời chiến, đặt sức khỏe và sự an toàn của người dân lên hàng đầu, chấp hành tuyệt đối, thực hiện quyết tâm, nhất quán, kiên trì, đúng với tinh thần mà Thành ủy nhiều lần nhấn mạnh: Bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân ở Thủ đô là bảo vệ cho cả nước. Quận Long Biên đã thành lập 98 tổ công tác phòng, chống dịch; phân công 2 người phụ trách 50 hộ, đi từng phố, gõ từng nhà, ngày đêm truy vết, xác minh, cách ly bằng nhiều hình thức thích hợp đối với các trường hợp F0, F1, F2...

Nhờ đó, mặc dù Hà Nội là địa bàn trọng điểm, phức tạp nhất về dịch Covid-19 của cả nước, nhưng đến nay, thành phố vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình, có thành công bước đầu quan trọng, góp phần vào thành công chung cả nước, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, thành phố trân trọng cảm ơn các tấm lòng hảo tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của nhân dân và các tổ chức, cá nhân trong việc giúp đỡ những người khó khăn chịu ảnh hưởng bởi dịch; đã quyên góp tiền, phương tiện cho 40 hộ cận nghèo trong phường Bồ Đề. Như doanh nhân Trương An Xinh, Chủ tịch Công ty bán lẻ AZ... khởi xướng các điểm tặng quà, lương thực, thực phẩm với thông điệp rất giản dị: “Ai cần đến lấy. Nếu khó khăn đến lấy một gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”... Đây là mô hình thiết thực.

Hay như bà con và chính quyền quận Hai Bà Trưng đã quyên góp, tặng quà cho hàng trăm bà con chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai; trong 1 ngày, toàn thể cư dân Ciputra quyên được 1 tỷ đồng và tổ chức bữa ăn gửi tới 2 cơ sở của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) trong 7 ngày đã cải tạo xong bệnh viện dã chiến Mê Linh 250 giường và đã đưa vào sử dụng. Doanh nhân Phạm Nhật Vượng ủng hộ cho Hà Nội hàng chục nghìn kit thử nhanh, sắp tới sản xuất hàng trăm máy thở để tặng Bộ Y tế, Hà Nội chống dịch. Ngoài ra, nhiều tấm gương khác, từ người già đến em nhỏ, trên cả nước và ở Thủ đô đang góp phần chống dịch.

Không được lơ là, chủ quan

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, diễn biến của dịch Covid-19 còn rất bất thường. Qua 3 buổi sáng không phát hiện thêm ca dương tính, đến chiều 6-4, riêng Hà Nội đã phát hiện thêm 4 ca bệnh mới. Do đó, tinh thần chỉ đạo chung của Thành ủy là không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân thành phố phải quán triệt, thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp nhất là Chỉ thị 31-CT/TU ngày 3-4-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy, để chiến thắng trong cuộc chiến cam go, khó khăn này, theo tinh thần ưu tiên nguồn lực, công sức, thời gian cho phòng, chống dịch Covid-19.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần tiếp tục thống nhất quan điểm thực hiện trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả nước và từng địa bàn cơ sở, từng tổ dân phố đều là mặt trận, không phân chia hậu phương (vùng an toàn) hay tiền tuyến. Do vậy phải quán triệt phương châm “4 tại chỗ” trong chỉ đạo chống dịch.

Cấp ủy Đảng, đảng viên Đảng bộ thành phố phải đi đầu trong quy tụ, lãnh đạo và chỉ đạo các lực lượng chính trị (Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên...) và nhân dân trên địa bàn tham gia phòng, chống dịch. Đây vừa là đội quân chính trị, vừa là đội quân trực tiếp “chiến đấu”, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Các cấp, các ngành cần quan tâm chăm lo cho các thành phần tham gia phòng, chống dịch theo đúng Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29-3-2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

Cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện và tham gia hỗ trợ cho các tổ chức xã hội, cá nhân trên địa bàn thể hiện tinh thần thiện nguyện, cứu trợ những hoàn cảnh khó khăn trong thời gian cách ly xã hội; tích cực phối hợp, rà soát và hỗ trợ các trường hợp hộ gia đình nghèo, khó khăn tiếp cận với nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội để khôi phục sản xuất, kinh doanh đang bị ảnh hưởng bởi dịch.

Cấp ủy, tổ dân phố tăng cường phối hợp ứng dụng công nghệ thông tin ở các mức độ đơn giản nhất như sử dụng mạng xã hội để kết nối và khai thác sự tiện lợi của ứng dụng Hà Nội Smart City của thành phố để tiếp nhận thông tin và ra chỉ đạo kịp thời trong phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trên địa bàn. Đây là kinh nghiệm sáng tạo của nhiều nơi trong thời gian qua.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ rõ, rút kinh nghiệm từ ca bệnh số 237, các cơ quan, hiệp hội ngành nghề, các bệnh viện, trung tâm y tế quận, các trung tâm thương mại... phải xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng ngừa rủi ro ngay cả khi dịch bệnh qua đi, nâng cao chất lượng hoạt động, vận hành của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và của cả xã hội để thực hiện nghiêm túc, thống nhất.

Lưu ý tập trung chống dịch không phải là công việc duy nhất hiện nay, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo các cấp, các ngành, trong đó có quận Long Biên, phường Bồ Đề, bảo đảm hoạt động của hệ thống chính trị và chuẩn bị sẵn sàng khôi phục lại các hoạt động chính trị, kinh tế khi hết dịch; trước mắt, duy trì các hoạt động chuỗi cung ứng trên cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, các cấp ủy chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ các cấp, trong đó chú trọng rà soát nhân sự, thực hiện tốt Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 và Chỉ thị 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy, giải quyết các vụ việc tồn đọng phức tạp về dân sinh, khiếu kiện một cách triệt để; tăng cường tiếp dân để bước vào đại hội đảng bộ cơ sở, Đại hội Đảng bộ quận thành công nhất, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu ở mức cao nhất.

Nhân dịp này, thay mặt Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, đồng chí Bí thư Thành ủy đã tặng phường Bồ Đề 61 triệu đồng, 10 máy lọc nước RO và 1.000 khẩu trang y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của phường và hỗ trợ Trạm Y tế phường, 40 hộ cận nghèo và 11 hộ thực hiện phong tỏa, cách ly trên địa bàn.

 “Dịch bệnh không làm thay đổi giá trị căn bản mà Việt Nam và Hà Nội đang theo đuổi theo chiều sâu, như sự gắn kết gia đình, khả năng tự chủ, độc lập của từng cá nhân trong một tập thể đoàn kết; tinh thần không ngừng học hỏi và thích ứng với những thay đổi thời cuộc. Đây cũng là cơ hội để thực hành một xã hội tuân thủ kỷ luật chung trên cơ sở tôn trọng các lựa chọn cá nhân, hướng tới mục tiêu chung của cả nước”, đồng chí Vương Đình Huệ chỉ rõ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thịt lợn: Giá ngoài chợ, “giá trên tivi”

Một thực phẩm chiếm tới 70% cơ cấu bữa ăn gia đình, thịt lợn rất cần đưa vào diện bình ổn giá nếu không muốn tránh sốt giá, tránh khủng hoảng. Thực tế đang cho thấy, có sự chênh lệch lớn mà dân gọi là “giá tivi” và giá ngoài chợ.

Link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/963682/bi-thu-thanh-uy-vuong-dinh-hue-cam-on-can-bo-va-nhan-dan-chap-hanh-nghiem-yeu-cau-chong-dich-covid-19?fbclid=IwAR2Ufrl4tGGVvyN4LNdXC4ArHLFc9EQOa8ycqHF55atUK9bLwH34CMU1yrk