Bộ Giáo dục nói gì về nam sinh đạt 27,4 điểm mất cơ hội vào trường quân đội

12/10/2020 16:08

Kinhte&Xahoi Sau khi Dân trí đăng bài viết, "Nam sinh nghèo đạt 27,4 điểm mất cơ hội vào trường quân đội vì lỗi máy tính", lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học Bộ GD&ĐT đã có giải thích cụ thể về trường hợp này.

Nhà Hoàng có hoàn cảnh rất đặc biệt, bố mẹ em chia tay khi em mới học lớp 2. Một mình mẹ tảo tần làm nghề phân loại đồng nát để có tiền mưu sinh. Hai năm nay, mẹ Hoàng bị bệnh ung thư tuyến giáp và u vú nên càng khó khăn.

Như Dân trí đã đưa tin, câu chuyện về cậu học trò nghèo Lê Việt Hoàng, Trường THPT Bỉm Sơn (Thanh Hoá) bất ngờ mất cơ hội vào đại học khiến các thầy cô cũng như học sinh nhà trường vô cùng tiếc nuối.

Lê Việt Hoàng thi khối A với số điểm 3 môn: Toán: 9,4, Lý: 8.75, Hóa: 9 được 27,15 cả điểm cộng vùng em được 27,4.

Ban đầu Hoàng để nguyện vọng 1 là Trường Sĩ Quan Lục Quân, sau khi biết điểm của mình và chắc chắn có cơ hội vào Học viện kỹ thuật quân sự, Hoàng chuyển đổi nguyện vọng sang trường này. Sau khi thao tác chuyển đổi nguyện vọng, hệ thống máy tính báo đã chuyển nguyện vọng thành công.

Đúng như dự đoán của Hoàng, Học viện kỹ thuật quân sự báo điểm chuẩn 26,5. Với điểm này, Hoàng còn dư để vào trường. Thế nhưng, khi xem danh sách trúng tuyển của trường em không thấy có tên mình.

Hoàng và mẹ xuống Thị Đội hỏi mới biết là trường Sĩ Quan Lục Quân và Học viện kỹ thuật Quân sự là 2 nhóm trường không thể chuyển đổi nguyện vọng cho nhau.

Đáng nói, điểm chuẩn tại ngôi trường Sĩ quan lục quân 1 mà nguyện vọng ban đầu của em là 25,5. Như vậy, dù đủ điểm đậu, Lê Việt Hoàng vẫn không còn cơ hội để quay về vì đã đổi nguyện vọng.

“Lúc em thao tác chuyển nguyện vọng, máy tính báo hợp lệ và thành công nên em rất yên tâm. Nếu lúc đó máy tính báo không hợp lệ thì có lẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc này” – Hoàng tâm sự.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT khẳng định, rất đáng tiếc cho trường hợp của thí sinh này vì em có số điểm rất cao lại có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho hệ thống máy tính. Trong thời gian, điều chỉnh nguyện vọng, hệ thống phần mềm xét tuyển của Bộ luôn luôn mở để thí sinh điều chỉnh trực tuyến nguyện vọng. Hệ thống không thể nhận biết thí sinh nào đăng ký  sai vào ngành học nào để khóa.

Theo bà Thủy, các trường công an, quân đội có đặc thù riêng nên có phương án tuyển sinh riêng và quy định cụ thể từ vòng sơ tuyển nên đã thông báo rộng rãi tới các thí sinh.

Hiện nay, các trường đại học được thực hiện tự chủ trong tuyển sinh nên Bộ không thể can thiệp sâu vào các tiêu chí tuyển sinh của các trường.

Bà Thủy cho hay, năm nay, các trường đại học đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh nên trong thời gian đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, các chuyên gia tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã thông tin rất kỹ và lưu ý các thí sinh tìm hiểu kỹ tiêu chuẩn riêng của mỗi trường trước khi đăng ký nguyện vọng, tránh mất cơ hội vào đại học. Trường hợp em Lê Việt Hoàng rất đáng tiếc trong đợt tuyển sinh này.

Năm nay, theo quy chế tuyển sinh khối ngành quân đội, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần. Các thí sinh thực hiện điều chỉnh theo nhóm trường đã đăng ký nguyện vọng ban đầu. Cụ thể:

Nhóm 1, các học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không- Không quân (hệ Chỉ huy tham mưu) và các trường Sĩ quan Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng Thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh.

Nhóm 2, các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự, Phòng không - Không quân (hệ Kỹ sư hàng không).

Thí sinh Lê Việt Hoàng chưa nắm rõ các quy định dẫn tới việc chuyển đổi nguyện vọng giữa hai trường không cùng một nhóm.

Được biết, hiện nay, gia đình và Trường THPT Bỉm Sơn (Thanh Hoá) đã có đơn gửi bày tỏ nguyện vọng về trường hợp của em Lê Việt Hoàng tới Bộ GD&ĐT, tới Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng để xem xét giúp đỡ.

 Hồng Hạnh- Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dân Hà thành lùng mua hải sản "khuyết tật"

Được các bà nội trợ ở Hà thành ráo riết lùng mua nên các loại hải sản bị thương, “khuyết tật” như cua gạch, ghẹ, thậm chí là cua Alaska còn đắt khách hơn cả hàng tươi sống.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/bo-giao-duc-noi-gi-ve-nam-sinh-dat-274-diem-mat-co-hoi-vao-truong-quan-doi-20201012111006719.htm