Bộ GTVT chính thức ban hành hướng dẫn tổ chức vận tải 5 lĩnh vực

01/10/2021 07:09

Kinhte&Xahoi Bộ GTVT chính thức ban hành kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải hành khách trong 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội.

Tối 30/9, Bộ GTVT chính thức có quyết định ban hành kế hoạch hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không).

Theo đó, kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải hành khách của Bộ GTVT đưa ra các yêu cầu, điều kiện mới khi đi lại giữa các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội.

Trong đó, điểm mới trong kế hoạch lần này, được Bộ GTVT đưa ra áp dụng theo quy mô, mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng. Quy mô đánh giá cấp độ dịch áp dụng trong hoạt động vận tải hành khách được áp dụng đến cấp xã và có thể ở quy mô như tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Bộ GTVT)

Mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng được Bộ GTVT chia ra làm 4 cấp độ:

Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.

Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.

Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam.

Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Theo kế hoạch, tại các địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4), dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử). Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua thì không được dừng, đỗ.

Các cảng hàng không, ga đường sắt được hoạt động để tiếp nhận hành khách và phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.

Tuy nhiên, người làm việc tại cảng hàng không có tiếp xúc trực tiếp với tổ bay, hành khách; người làm việc tại ga, trung tâm, trạm vận tải đường sắt có tiếp xúc trực tiếp với lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu, hành khách phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Đồng thời, đáp ứng các quy định đã tiêm 1 liều vắc xin sau 3 tuần và phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh; không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.

Đối với các địa phương/vùng có nguy cơ cao (cấp 3): các phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất (chuyến/lượt hoặc số chỗ trên phương tiện). Đối với đường hàng không áp dụng theo tần suất khai thác riêng.

Tại địa phương/vùng có nguy cơ thấp (cấp 1) và trung bình (cấp 2): các phương tiện giao thông được hoạt động bình thường.

Kế hoạch tổ chức lại hoạt động vận tải vừa được Bộ GTVT ban hành cũng đưa ra yêu cầu đối với hành khách tham gia giao thông. Theo đó, đối với hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, tuyến từ bờ ra đảo: tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hàng không, đường sắt, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo) phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Đồng thời, xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh. Không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vắc xin sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 06 tháng.

Bộ GTVT cho hay, mục đích của kế hoạch tạm thời nhằm khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch Covid-19; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, khu vực; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách; góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

 Ngọc Hiếu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Ngành chăn nuôi bảo đảm nguồn cung những tháng cuối năm

Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, phục vụ Nhân dân Thủ đô trong mọi hoàn cảnh, nhất là vào dịp cuối năm, cũng như Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã lên phương án tăng cường phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã… triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh; Đồng thời khuyến khích các cơ sở chăn nuôi thúc đẩy việc tái đàn theo hướng chăn nuôi an toàn.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-gtvt-chinh-thuc-ban-hanh-huong-dan-to-chuc-van-tai-5-linh-vuc-d167598.html