Bộ trưởng Nội vụ: Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu/tháng là rất hợp lý

22/10/2022 13:58

Kinhte&Xahoi Với đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng Nội vụ đánh giá là rất hợp lý, tạo ra được động lực mới, ngăn tình trạng công chức thôi việc.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 22/10, thảo luận tại tổ ở Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà biết, tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương là từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương. Việc tăng lương cơ sở cũng chưa thực hiện được do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

Theo ông Lê Hoàng Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho biết: "Một công chức làm việc 6 - 8 năm, họ cũng chỉ được trên dưới 5 triệu đồng. Sống ở đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã thấy không đủ. Chính vì thế chúng ta phải tính toán đến việc tăng lương, và chúng ta phải sớm cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Đây cũng là vấn đề chúng ta phải quan tâm. Quyết tâm đặt vấn đề tăng lương là cần thiết, cấp bách thì chúng ta sẽ tính được nguồn".

Ông Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nêu rõ: "Thời gian vừa qua, lượng cán bộ công chức, nhất là ngành y tế, chuyển ra bên ngoài rất nhiều, Lý do là đồng lương chưa đáp ứng được. Tăng lương có ý nghĩa quan trọng. Trong bối cảnh ngân sách của chúng ta hiện nay, tăng ở mức độ đó trong mức để ngân sách đáp ứng được. Tôi nghĩ trong thời gian tới chúng ta sẽ tăng theo lộ trình để mức nào đó chúng ta có thể mức lương cơ bản ấy sẽ đáp ứng được cuộc sống của người lao động, nhất là trong khối hành chính sự nghiệp nhà nước".

Tham gia thảo luận tại đoàn TP HCM, luật sư Trương Trọng Nghĩa nói lương và thu nhập với công chức viên chức là vấn đề cần báo động. Lương phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động, chăm lo được cho gia đình và phát triển bản thân. Nhưng mức lương của người lao động Việt Nam ở nhiều nơi không đảm bảo được nhu cầu sống thông thường, thậm chí là mức tối thiểu.

"Lương không đủ sống là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận công chức, viên chức rời bỏ khu vực công. Lương thấp còn cản trở rất lớn vấn đề nguồn nhân lực", ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa đề nghị khi điều chỉnh tiền lương, không nên cào bằng mà nên chia thành hai nhóm. Thứ nhất, phải nâng lương trước cho bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đang có lương thấp, không đủ sống. Bộ phận này phải được tăng lương nhanh và nhiều hơn. Thứ hai là nhóm đang hưởng lương cao, thì có thể điều chỉnh chậm hơn chút. Lương tối thiểu cũng phải xác định lại để đảm bảo mức sống tối thiểu theo từng nơi. Như ở TP HCM, từ cắt tóc, đi xe ôm cũng tốn nhiều tiền, thì "lương 7-8 triệu đồng mỗi tháng chưa chắc đã đủ sống".

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng chia sẻ: "Nếu để cải cách tiền lương, chúng ta phải có nguồn lực đủ mạnh. Hiện nay tôi nghĩ Chính phủ đang nỗ lực. Thứ nhất là cải cách tiền lương đi đôi với việc chúng ta sắp xếp lại các đơn vị và tinh giản biên chế bộ máy sao cho tinh gọn hiệu quả hơn. Song song với đó, chúng ta, có biện pháp đủ mạnh để phát triển kinh tế. Còn bây giờ vẫn biết thang bảng lương của chúng ta rất thấp tuy nhiên làm như thế nào để cải tiến được thì không phải ngày một ngày hai. Với sự nỗ lực của Chính phủ, tôi tin thời gian tới, việc công chức, viên chức sống được bằng đồng lương của mình thì cũng sẽ đảm bảo được".

Cũng trong thảo luận tổ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) cho biết, cử tri băn khoăn hiện nay trong 2,5 năm qua có gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó lưu tâm nhất là công chức, viên chức ngành giáo dục và y tế.

Theo ông Khánh, vừa qua việc tuyển dụng của 2 ngành này rất khó. Trong đó, có nhiều nguyên nhân nhưng lý do chính vấn là áp lực công việc và thu nhập thấp. 

Cũng đại biểu Quốc hội này, với giáo viên ở vùng xâu vùng xa lương vẫn thấp, điều kiện đi lại rất khó khăn. Do đó, 5 năm trở lại đây nhiều giáo viên đã xin về dưới xuôi để làm việc, bỏ việc. Thống kê 1 năm có gần 300 giáo viên về hưu, bỏ việc, chuyển việc. Trong khi đó, giáo viên thiếu nhất hiện nay là tin học và ngoại ngữ. Đây là bài toán không chỉ của riêng Lai Châu mà nhiều tỉnh khác cũng gặp phải. 

Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng là rất hợp lý, tạo ra được động lực mới và giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc. Mức điều chỉnh khoảng 20,8% đang tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương.

"Khi điều chỉnh mức lương cơ sở này cũng hướng theo mục tiêu là tiệm cận với cải cách chính tiền lương và mức này là hợp lý trong bối cảnh thực tiễn. Nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển kinh tế - xã hội tốt và năm 2024 nếu tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như năm 2020 - 2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phân tích.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quochoi.vn

Đề ra giải pháp, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng trước hết cần nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và việc điều chỉnh tăng lương cơ sở chính là một cách để giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Bên cạnh đó, phải xem xét lại tổng thể, công tâm, khách quan về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức. Từ đó, thay đổi toàn diện việc quản lý, sử dụng, đặc biệt là tuyển dụng công chức, viên chức, nhất là đội ngũ đang thực hiện nhiệm vụ công ích trong bối cảnh cơ chế thị trường.

Ngoài sửa đổi thể chế, nữ Bộ trưởng cũng lưu ý cần xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thân thiện để người lao động yên tâm làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường: Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với mức tăng lương cơ sở. Ảnh Quochoi.vn

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cho ý kiến về việc tăng lương cơ sở. Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng) và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, do tác động của dịch bệnh tới tình hình thực hiện thu NSNN, lương cơ sở chưa được điều, chỉnh từ năm 2020 trở lại đây, theo đó nếu tiếp tục giữ mức 1.490.000 đồng/tháng như năm 2019 sẽ ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người lao động trong khu vực nhà nước.

Bên cạnh đó, một số đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, người có công, phụ cấp nghề đối với các bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn có mức hưởng thấp, nhất là trong bối cảnh hiện nay nên việc điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng này là phù hợp.

Về kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết qua thẩm tra nhận thấy việc lập kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 đã bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, phù hợp Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; đảm bảo được nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn.

Đây sẽ là căn cứ bước đầu đánh giá khả năng dự kiến hoàn thành kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025. Vì vậy, để bảo đảm việc đánh giá, đề nghị bổ sung phụ lục số liệu đánh giá việc dự kiến thực hiện các chỉ tiêu được quy định trong Nghị quyết số 23/2021/QH15. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát, xây dựng Kế hoạch tài chính 3 năm bảo đảm tính thực tế, khả thi.

 K.L- Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Tăng cường quản lý, kiểm soát giá xăng dầu, lạm phát

Thành phố Hà Nội sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường quản lý, kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, kinh doanh và đời sống, nhất là xăng, dầu...

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/bo-truong-noi-vu-tang-luong-co-so-len-18-trieu-thang-la-rat-hop-ly-d185664.html