Bộ trưởng Tô Lâm: Bộ Công an có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho công dân sử dụng thẻ căn cước

25/10/2023 13:17

Kinhte&Xahoi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an và bất cứ cơ quan nào cũng không được và không thể theo dõi việc sử dụng thẻ thông qua QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước của công dân. Bộ có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho công dân sử dụng thẻ căn cước

Sáng 25-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo.

Giữ tên Luật Căn cước và “Thẻ căn cước”

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước, tên “Thẻ căn cước” và cho rằng, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước ta; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng chính phủ số, xã hội số.

Ông Lê Tấn Tới cho biết, việc sử dụng tên gọi “Thẻ căn cước” như dự thảo Luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân. Ngoài ra, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước vừa nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước về căn cước toàn diện hơn, đầy đủ hơn, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng thông tin cá nhân. Việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ tên Luật Căn cước và tên “Thẻ căn cước” như Chính phủ trình.

Toàn cảnh phiên họp.

Các thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể, bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước; việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 bộ, ngành và 63 địa phương; việc kết nối, khai thác dữ liệu phục vụ nhiều hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống; đồng thời đã cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước cho công dân đủ điều kiện. Vì vậy, quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân từ ngày 31-12-2024 cơ bản không tác động lớn đến hoạt động giao dịch của người dân.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) thảo luận.

Nên bắt buộc hay tự nguyện thu thập thông tin về mống mắt?

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt, đồng thời có thể cân nhắc bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt tương tự như đối với ADN và giọng nói.

Theo đại biểu Lưu Bá Mạc và đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh), chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt theo hướng khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, như đối với ADN và giọng nói của người dân và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn Quảng Ninh) cho biết, quy định tại dự thảo Luật về thẻ căn cước có lưu trữ, tích hợp rất nhiều thông tin của công dân, người dân có thể sử dụng thẻ này để thực hiện nhiều giao dịch theo nhu cầu. Từ đó dẫn đến việc các cơ quan, tổ chức phải sử dụng thiết bị chuyên dùng để đọc thông tin trong thẻ vật lý.

“Như vậy, thiết bị này có do cơ quan nhà nước cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan hay không để bảo đảm về chất lượng, kỹ thuật, an ninh, an toàn, bảo mật thông tin”, đại biểu Trần Thị Kim Nhung nói.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tranh luận với đại biểu Lưu Bá Mạc, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp… “Trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý”, đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu quan điểm.

Tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, về bảo mật thông tin được tích hợp, lưu trữ trên thẻ căn cước, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an và bất cứ cơ quan nào cũng không được và không thể theo dõi việc sử dụng thẻ thông qua QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước.

“Bộ Công an có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho công dân sử dụng thẻ căn cước”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

 Mai Hữu - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TP Hồ Chí Minh: Chuẩn bị hàng hóa mùa mua sắm cuối năm

Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Dương lịch, mùa cao điểm mua sắm cuối năm đang đến gần. Hiện, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu lên kế hoạch sản xuất, tích trữ hàng hóa để cung ứng ra thị trường.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/bo-truong-to-lam-bo-cong-an-co-trach-nhiem-bao-dam-an-toan-an-ninh-cho-cong-dan-su-dung-the-can-cuoc-645956.html