Bộ Y tế hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”

13/10/2021 21:42

Kinhte&Xahoi Ngày 13/10, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số số 128/NQ-CP về việc quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Đánh giá cấp độ dịch theo 3 tiêu chí

 Trước đó, ngày 11/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về việc quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Nghị quyết hướng đến mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; Hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; Thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Nghị quyết 128 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 11/10 với yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá, xác định cấp độ dịch. Căn cứ vào hướng dẫn này và tình hình dịch trên địa bàn, UBND các tỉnh, thành phố quyết định chuyển đổi cấp độ dịch.

Bốn cấp độ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Theo đó, Bộ sẽ đưa ra các biện pháp hướng dẫn chuyên môn y tế, trong đó tập trung việc tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống y tế khi có dịch; Đồng thời yêu cầu các địa phương phải có phương án phòng chống dịch đối với từng cấp độ dịch và sẵn sàng triển khai khi có dịch.

Bộ Y tế cũng quy định cụ thể các tiêu chí về xác định và điều chỉnh cấp độ dịch. Theo đó, cách đánh giá cấp độ dịch được dựa theo 3 tiêu chí.

Trong đó, tiêu chí 1 là số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân trong thời gian 1 tuần (không bao gồm ca nhập cảnh, ca mắc trong cơ sở cách ly tập trung đã có kết quả âm tính lần đầu kể từ ngày cách ly).

Tiêu chí 2 là tỉ lệ người ở độ tuổi từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin.

Tiêu chí 3 là đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4.

Các quận, huyện, thị xã, thành phố (huyện) có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ô xy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) để đáp ứng khi có dịch xảy ra.

Chuẩn bị năng lực ứng phó với dịch Covid-19

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chuẩn bị xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch; Tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra trên địa bàn; Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị trên địa bàn; Tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc Covid-19.

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cần có kế hoạch bảo đảm khi có dịch xảy ra. Cụ thể, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén; Trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp ô xy y tế; Có kế hoạch tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị Covid-19; Bảo đảm tổ chức phân luồng, sàng lọc trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ: Xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…; Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị… và đối với các nhóm nguy cơ (các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người…) như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)…

Cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở... tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.

Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; Với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Nhân viên thực hiện “3T” tại các nhà máy Vinamilk được xét nghiệm định kỳ để đảm bảo sản xuất an toàn, chống dịch hiệu quả

Các đơn vị lưu ý không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; Chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch, địa phương quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp; Thực hiện xét nghiệm theo phương pháp gộp mẫu trong trường hợp xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, định kỳ.

Đối với người đến từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế), người tiếp xúc gần (F1) thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Đối với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi (trẻ em) thực hiện cách ly tại nhà và có người chăm sóc cách ly cùng.

Các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.

Đối với công tác đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn, tại các cơ sở giáo dục đào tạo, đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công thương.

Đối với việc tổ chức các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời tại các địa bàn có dịch cấp độ 2, 3, 4... các địa phương quyết định tăng số lượng người tham gia hoặc công suất hoạt động trong trường hợp 100% người tham gia đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính.

Bộ Y tế cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc tổ chức triển khai Hướng dẫn này để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ; Báo cáo tiêu chí phân loại, điều chỉnh cấp độ dịch của tỉnh, thành phố về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng).

Hướng dẫn này sẽ tiếp tục được cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số số 128/NQ-CP về việc Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“Đốt sạch tiền” vào các sàn thương mại điện tử - cuộc chiến không hồi kết của giới trẻ

Sự bùng nổ của cách mạng công nghệ 4.0 giúp cho việc sắm online trên các sàn thương mại điện tử trở thành một nhu cầu thiết yếu của con người. Việc “đắm chìm” trong loại hình này đang khiến nhiều người trẻ lãng phí thời gian, tiền bạc và thậm chí dẫn đến kiệt quệ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bo-y-te-huong-dan-thich-ung-an-toan-linh-hoat-kiem-soat-hieu-qua-dich-covid-19-180225.html