Bộ Y tế: Tăng cường kiểm soát phòng bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam

24/07/2022 19:28

Kinhte&Xahoi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do tốc độ lây truyền nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa tới các quốc gia khác. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên, nguy cơ ghi nhận ca nhiễm ở nước ta là hoàn toàn có thể.

Kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh từ cửa khẩu

 Theo WHO, đến nay, kết quả một số nghiên cứu cho thấy vắc xin đậu mùa trước đây có hiệu quả nhất định trong việc phòng chống bệnh đầu mùa khỉ. Hiện, một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vắc xin phòng bệnh đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới (thế hệ 2, 3) để sử dụng phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Từ ngày 1/1/2022 đến 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực của WHO.

Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ động vật sang người và có thể lây từ người sang người

Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng. Nguy cơ mắc bệnh Đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao; còn nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của vi rút.

Ngày 24/7, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì với sự tham dự của các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Y tế một số thành phố lớn, Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đánh giá tình hình dịch bệnh và thống nhất các giải pháp trong thời gian tới.

Cuộc họp đã thống nhất đánh giá đến ngày 24/7/2022, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực.

Ngay từ tháng 5/2022 (thời điểm ghi nhận sự gia tăng nhanh những ca bệnh tại châu Âu), Bộ Y tế đã chủ động chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur, Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp sẵn sàng dự phòng đáp ứng với dịch bệnh, đồng thời liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh; Liên tục liên hệ với WHO, US-CDC, cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và các tổ chức khác để cập nhật trao đổi, tin về tình hình dịch bệnh nhằm báo cáo lãnh đạo Bộ, cung cấp thông tin đến các cơ quan truyền thông, người dân.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại cuộc họp khẩn của Bộ Y tế ngày 24/7

Tại cuộc họp, để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chỉ đạo các Vụ, Cục, đơn vị phối hợp với WHO, CDC Hoa Kỳ và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ chính như sau: Xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam; Các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại địa phương; Củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán, xác định tại các Viện Vệ dinh dịch tễ/Pasteur, các cơ sở y tế có năng lực.

Các đơn vị tiếp tục phối hợp với WHO rà soát, cập nhật thông tin về tác nhân gây bệnh, chuẩn bị các trang thiết bị xét nghiệm, sinh phẩm phục vụ chuẩn đoán bệnh tại các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur.

Bên cạnh đó, các đơn vị đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặt dịch bệnh kịp thời, đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Ngoài ra, tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát và các biện pháp phòng chống, truyền thông, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ.

Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp và các bộ ngành liên quan trong việc quản lý buôn bán, sử dụng, phòng chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ cảm nhiễm cao;

Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, CDC Hoa Kỳ và các Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ y tế quốc tế chia sẻ thông tin tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống để kịp thời cập nhật các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật và biện pháp xử lý phù hợp tình hình dịch.

Khuyến cáo phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

 Bộ Y tế cho biết, bệnh đậu mùa khỉ thường có các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần; tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Các nhà khoa học tại Đức nghiên cứu virus gây bệnh đậu mùa khỉ khi nước này ghi nhận ca mắc đầu tiên vào ngày 20/5 (Ảnh Reuters)

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Mọi người tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Bên cạnh đó, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Da mặt "cháy đen" vì dùng kem lột da kích trắng

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng các mặt hàng kem lột da, kích trắng da cấp tốc vẫn vô cùng đắt hàng do nhu cầu làm đẹp của các chị em. Các loại kem lột da, làm trắng da trôi nổi, không rõ nguồn gốc có thể gây nhiều phản ứng phụ nguy hiểm, nổi mụn, phỏng, tróc, thậm chí ung thư da.

Mở bán sớm vé máy bay Tết 2023, giá cao ngất ngưởng

Dù còn rất xa mới tới kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 nhưng hiện một số hãng hàng không đã bất ngờ mở bán vé máy bay Tết. Hành khách đã bắt đầu có thể đặt mua vé máy bay Tết trên website và thông qua các đại lý của các hãng. Song giá vé được niêm yết ở mức cao.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tang-cuong-kiem-soat-phong-benh-dau-mua-khi-xam-nhap-vao-viet-nam-201792.html