Cách ly xã hội nhưng không gián đoạn với công dân

10/04/2020 17:29

Kinhte&Xahoi Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 05 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, các cơ quan từ TP đến cơ sở đã khẩn trương có kế hoạch, bố trí cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) làm việc tại nhà, trừ trường hợp cần thiết mới đến công sở. Qua một tuần cho thấy, làm việc trực tuyến đang thể hiện là một giải pháp hiệu quả trong thời gian cách ly xã hội.

Cách ly xã hội, bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 song bộ phận một cửa UBND phường Bách Khoa vẫn bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, đúng quy định cho công dân.

Công việc vẫn thông suốt

Tại huyện Gia Lâm, ngay sau khi nhận được Chỉ thị của UBND TP, huyện lập tức ban hành công văn hỏa tốc đến các phòng, ban, xã, thị trấn; trong đó yêu cầu CBCCVC sử dụng CNTT làm việc tại nhà và trao đổi thông tin qua hệ thống mail công vụ, truyền nhận văn bản; phân công một lãnh đạo và ít nhất một chuyên viên trực cơ quan, để không trì trệ công việc. Mặc dù làm việc tại nhà nhưng công việc vẫn phải thông suốt. “Mấy ngày qua, CBCCVC đã khai thác tối đa CNTT để trao đổi công việc, đến nay chưa thấy vướng mắc gì”- Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Gia Lâm Vũ Quang Tình nhấn mạnh.

Ngày 1/4, quận Hai Bà Trưng cũng bắt đầu triển khai phương thức, mỗi phòng, hàng ngày chỉ một lãnh đạo, một công chức trực cơ quan, còn lại làm việc trực tuyến tại nhà. Với những vấn đề nóng như GPMB đang phải đẩy nhanh, một Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách lĩnh vực này dù làm việc tại nhà nhưng lúc cần đều có thể triệu tập giao ban trực tuyến với lãnh đạo phòng, ban, phường liên quan.

Không chỉ cấp quận, huyện mà tại xã, phường cũng triển khai CBCCVC làm việc trực tuyến tại nhà. Tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng có một nhóm Zalo để quản lý, Chủ tịch UBND phường triển khai nhiệm vụ tới các CBCC ngay khi có chỉ đạo mới của TP, quận. “Mọi nhiệm vụ giao trên nhóm đều được 100% CBCC lĩnh hội, báo cáo kết quả ngay sau khi thực hiện. Trước kia khi nhận công việc có thể gặp nhau trao đổi, giờ triển khai qua Zalo, email… nhưng CBCC đều thích ứng nhanh, chấp hành tốt chỉ đạo” - Phó Chủ tịch UBND phường Bách Khoa Hoàng Thị Tuyết Lan nói.

Tại các sở, ngành cũng nhanh chóng tổ chức làm việc trực tuyến, bảo đảm giãn cách mọi người. Như tại Sở Nội vụ, trừ ban giám đốc và các trưởng phòng đủ 100% đến cơ quan, còn mỗi phòng chỉ phân công một chuyên viên trực hàng ngày, hạn chế tối đa giao tiếp ở công sở, còn lại làm việc thông qua việc mở quyền truy cập vào hệ thống phần mềm dữ liệu dùng chung, trao đổi qua mail công vụ, hệ thống điều hành văn bản.

Nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm của cán bộ

Thực tế, các CBCCVC đang nghiêm túc làm việc trực tuyến, bộ máy hoạt động tốt, không bị chậm muộn, quan trọng cũng nhờ cơ chế giám sát hiệu quả. Tại Sở Nội vụ, các trưởng phòng phải kiểm soát tiến độ, chất lượng công việc CBCC làm tại nhà bằng cách hàng ngày yêu cầu đăng ký công việc, ghi rõ kết quả thực hiện trên lịch công tác điện tử của cá nhân, công khai các phòng đều biết. Điều này giúp CBCC dù ở nhà nhưng rất có ý thức với công việc.

Ghi nhận cho thấy, dù giảm đáng kể CBCCVC tại công sở song những công việc phục vụ người dân vẫn được các cơ quan hành chính thực hiện bảo đảm yêu cầu. Tại quận Hai Bà Trưng, về việc tiếp công dân, quận không để cán bộ tiếp xúc người đưa đơn kiến nghị nữa, mà tại Ban đặt hòm thư tiếp nhận đơn và vẫn bố trí một cán bộ trực. “Đơn thư phát sinh bất kỳ lúc nào nên Ban vẫn tiếp nhận trong những ngày cách ly xã hội, tránh việc người dân có bức xúc không được giải quyết kịp thời”- Chánh Văn phòng HĐND - UBND quận Nguyễn Anh Tuấn khẳng định. Cùng đó, bộ phận một cửa (BPMC) giảm từ 6 còn 3 CBCC trực hàng ngày, nhưng vẫn tiếp nhận hồ sơ tại đầy đủ lĩnh vực, mọi giao dịch với người dân không bị gián đoạn, trong đó một số TTHC vẫn thực hiện trực tuyến. 100% khách vào trụ sở đều phải chấp hành nghiêm kiểm soát y tế.

Còn tại huyện Gia Lâm, Phó Chánh Văn phòng UBND, Trưởng bộ phận Tiếp công dân Nguyễn Văn Quang cho biết, trước kia vào thứ Ba có đầy đủ thành viên Ban Tiếp công dân trực để trao đổi với người dân; nay mỗi ngày chỉ cần 1 cán bộ chuyên trách xử lý đơn thư trực bộ phận, có gì đặc biệt thì báo cáo Trưởng bộ phận xem xét ngay.

Dù cách ly xã hội, BPMC phường Bách Khoa luôn có một CBCC trực từ thứ Hai đến thứ Bảy để tiếp nhận hồ sơ. Chị Dương Thị Hồng Hoa, phụ trách lĩnh vực hộ tịch chia sẻ: “Mỗi tuần tôi trực 3 - 4 ngày, còn lại làm việc ở nhà, báo cáo qua email và nếu cần gấp thì qua Zalo. Tôi thấy hình thức này không có gì vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân”.

Làm việc trực tuyến có tác dụng rõ rệt, nhiều nội dung được triển khai rất hiệu quả, tránh tập trung đông người, đến nay chưa thấy CBCCVC phản ánh khó khăn gì. Không chỉ là giải pháp làm việc tối ưu trong thời gian cách ly xã hội, tôi cho rằng hình thức này là xu thế tất yếu, sau này sẽ được quận tăng cường.

Chánh Văn phòng HĐND - UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Anh Tuấn



CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sự thật về thu nhập “khủng” của shipper trong mùa dịch Covid-19

Là một trong những nghề hiếm hoi “được” ra đường giữa mùa dịch Covid-19, shipper (người giao hàng) đang là công việc mà nhiều người dự đoán sẽ hốt bạc trong thời gian này. Nhưng sự thật doanh thu của shipper là bao nhiêu? Liệu có thực sự “khủng” như lời đồn?

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/cach-ly-xa-hoi-nhung-khong-gian-doan-voi-cong-dan-380643.html