Cẩn trọng từ thực phẩm "hút chân không"

18/06/2022 11:11

Kinhte&Xahoi Với suy nghĩ, thức ăn hút chân không sẽ có hạn sử dụng dài và chế độ bảo quản tốt, ngày càng nhiều gia đình ưa thích sử dụng các loại thực phẩm hút chân không, hoặc đóng hộp. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa lường được nguy cơ tiềm ẩn từ thực phẩm được bảo quản kiểu này.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong: "Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Từ năm 2010 đến năm 2021, theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trên toàn quốc đã xảy ra 1.594 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số mắc là 45.938 người, trong đó có 267 người tử vong.

Riêng tại Hà Nội, từ năm 2010 đến năm 2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm, 640 người mắc, nhưng không có trường hợp tử vong, trong đó có 8 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học (chiếm 47,1%). Nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật (chiếm trên 40%)".

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong (Ảnh: Quang Thái)

Việc chế biến thức ăn, bảo quản thực phẩm "hút chân không", đóng hộp thực phẩm không đúng cách đang là mối nguy rất lớn, gây nhiễm độc tố chết người botulinum.

Chị Nguyễn Thùy Giang (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là người thường bảo quản thực phẩm bằng phương pháp hút chân không

Chị Nguyễn Thùy Giang (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "mình dùng máy hút chân không chủ yếu cho các đồ ăn thường ngày như hoa quả và cả đồ ăn sống lẫn chín. Khi cần bảo quản mình đều dùng hút chân không. Ví dụ như thức ăn thừa mình dùng hút chân không trước khi để vào trong tủ lạnh. Quy trình thường rất là nhanh. Hoa quả mình rửa sạch sau đó cho vào túi và thao tác trên máy. Chỉ cần ấn vài nút là nó hút hết không khí và mình cho thức ăn vào tủ lạnh. Nó rất là nhanh và tiện lợi".

Dù rằng hiện nay phương pháp bảo quản thực phẩm hút chân không đang rất được ưa chuộng bởi nhiều bà nội trợ nhưng bạn nên biết bản thân thực phẩm cũng chứa nhiều không khí bên trong nó. Ngoài ra, còn có một số loại vi khuẩn yếm khí có sẵn trong thực phẩm, không cần có không khí chúng vẫn có thể sinh sống được. Do vậy, phương pháp hút chân không cũng không thể ngăn cản quá trình hư hỏng của thực phẩm mà nó chỉ hạn chế được phần nào đó.

Thực phẩm bảo quản bằng hút chân không có thời gian lưu trữ lâu hơn

Vi khuẩn clostridium botulinum sinh ra trong môi trường yếm khí (môi trường kín, không có không khí). Vì thế, bất cứ sản phẩm nào đóng hộp (không riêng pate), thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí đều có thể sinh ra vi khuẩn này.

Các vụ ngộ độc do botulinum vốn rất hiếm gặp, nhưng thời gian gần đây gặp nhiều, liên quan nhiều đến những bữa ăn tự nấu, chế biến thủ công tại hộ gia đình, trào lưu bảo quản thực phẩm “hút chân không”, đóng hộp thực phẩm không đúng cách là nguy cơ rất lớn nhiễm độc tố chết người botulinum. Hậu quả của ngộ độc botulinum thường rất nặng nề, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.

Nhiều loại máy hút chân không trên thị trường.

Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum. Nguy cơ này không chỉ hiện hữu tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã cảnh báo trên thế giới về trào lưu sử dụng túi “hút chân không” các hộ gia đình tự làm không đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc, đặc biệt ngộ độc vi khuẩn botulinum.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga cũng khuyến cáo người dân, khi sử dụng đồ hộp, nếu thấy sản phẩm bị phồng, khả năng trong sản phẩm vi khuẩn kỵ khí đã phát triển, sinh độc tố. “Người dân muốn đóng gói đồ hộp hay hút chân không thực phẩm cần áp dụng các quy trình chuẩn về khử trùng đồ hộp ở nhiệt độ cao. Không đóng gói, hút chân không thực phẩm khi công nghệ không bảo đảm”, bà Nga thông tin.

 
 
 
"Cẩn trọng từ thực phẩm "hút chân không"Cẩn trọng từ thực phẩm "hút chân không"

Để lựa chọn thực phẩm an toàn, người tiêu dùng nên chọn mua đồ hộp phải đủ nhãn, ghi đầy đủ thông tin về tên hàng hoá; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá thực phẩm; xuất xứ hàng hoá, định lượng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; thành phần hoặc thành phần định lượng; thông tin cảnh báo vệ sinh, an toàn; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để bảo đảm chất lượng như đã ghi trên nhãn sản phẩm, theo đúng vòng đời của sản phẩm.

Ngoài ra, vi khuẩn botulinum sẽ bị diệt ở 60 độ C trong 30 phút và bởi các hóa chất khử trùng thông dụng; để khử độc tố cần đun sôi 100 độ C ít nhất 15 phút; để diệt nha bào cần đun ở 100 độ C ít nhất một giờ, hoặc hơi nước nóng ở áp lực cao hay sấy khô trên 160 độ C ít nhất 30 phút. Do đó, người dân cần thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống chín, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Môi trường yếm khí của việc hút chân không dễ sinh ra độc tố botulinum.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, sau khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu cơ tứ chi, khó nuốt, liệt cơ, khó thở...) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử lý kịp thời.

Để phòng, chống ngộ độc do botulinum, Bộ Y tế lưu ý người dân cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có chất lượng đúng tiêu chuẩn và mức độ an toàn được công nhận. Cần thận trọng với các thực phẩm đóng kín nhưng có mùi hay mầu sắc thay đổi, hoặc vị thay đổi khác thường. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố). Bên cạnh đó, ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Việc nấu chín kỹ sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm). Với các thực phẩm lên men truyền thống như dưa muối, măng, cà muối... cần bảo đảm đủ độ chua, mặn, chứa đựng trong lọ thủy tinh. Khi thực phẩm nổi váng thì không nên ăn.

 Phạm Mạnh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM