Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Phân tích kỹ những nguyên nhân chủ quan

10/12/2021 06:38

Kinhte&Xahoi Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác số 4 về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 trong buổi làm việc vào hôm qua (9/12) với lãnh đạo TP Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Hưng Yên để trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Nỗ lực giải ngân theo các mốc thời gian cụ thể

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn giải ngân kế hoạch năm 2021 của 3 địa phương tính đến ngày 30/11 đạt hơn 29,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 56,5% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm 2021 (thấp hơn bình quân chung của cả nước 63,85%). Các địa phương dự kiến đến hết ngày 31/1/2022 sẽ giải ngân đạt 98,91% kế hoạch năm 2021.

Việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ở các địa phương có nhiều khó khăn, chủ yếu do dịch bệnh, vướng mắc trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư; tăng giá nguyên vật liệu xây dựng; công tác phân bổ vốn và thực hiện dự án; công tác bồi thường, giải phóng mặt; không nhập khẩu được thiết bị, thiếu chuyên gia nước ngoài…

Tại cuộc họp, đại diện các địa phương kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương đã được giao kế hoạch năm 2021 sang năm 2022, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài ODA năm 2021; cho phép các ban quản lý dự án, hoặc đơn vị có đủ năng lực được lập, trình chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của HĐND cấp tỉnh; tiếp tục hoàn thiện chính sách về công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phân tích kỹ những nguyên nhân chủ quan như giao vốn chậm, quy định còn chưa sát thực tiễn, nhất là khâu chuẩn bị các dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng… Trên cơ sở đó, các địa phương cần khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành chuyên môn, nỗ lực cao nhất trong giải ngân vốn đầu tư công theo các mốc thời gian cụ thể.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo về tiến độ giải ngân của Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, trong đó phân định rõ phần vốn đầu tư công của các dự án chuyển tiếp từ năm 2020 sang năm 2021; các dự án mới được phân bổ vốn và cam kết hoàn thành giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương theo các mốc thời gian cụ thể; làm rõ nguyên nhân các dự án ODA chậm giải ngân.

Hà Nội kiên quyết xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ

Tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XVI diễn ra hôm qua (9/12), Thường trực HĐND TP cho biết, trong 9 tháng năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động do dịch Covid-19 nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đầu tư vào Hà Nội với số vốn đăng ký 1,28 tỷ USD. Dù TP đã đẩy mạnh thu hút đầu tư nhưng vẫn còn nhiều dự án đã được trao quyết định chủ trương đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay thành lập cụm công nghiệp… triển khai còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Trả lời chất vấn của các đại biểu về nguyên nhân chậm trễ trên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho rằng, Luật Đầu tư năm 2020 có nhiều quy định mới nên nhiều dự án của TP phải rà soát lại trình tự, thủ tục pháp lý. Trong quá trình thực hiện, nhiều dự án còn vi phạm về đất đai, phòng cháy, chữa cháy và nhiều chủ đầu tư chưa chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước, sở, ngành liên quan để giải quyết vướng mắc. Tình trạng này có cả trách nhiệm của các sở, ngành liên quan trong việc đôn đốc, hướng dẫn, giám sát triển khai các dự án.

Về giải pháp, ông Đỗ Anh Tuấn khẳng định, Sở sẽ giám sát đầu tư, thanh tra kiểm tra, kết luận, xử lý phù hợp. Sở sẽ tích cực tham mưu cho TP để đẩy nhanh tiến độ chứng nhận đầu tư đối với các dự án; giám sát chặt chẽ kết quả thực hiện đầu tư của các dự án để báo cáo TP các dự án chậm tiến độ, không đủ điều kiện thì sẽ tiến hành thu hồi.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường cũng khẳng định, Sở sẽ cùng với các địa phương xử lý các dự án chậm triển khai; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư, làm rõ trách nhiệm trong thẩm định các dự án ngay từ ban đầu; tham mưu TP kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ỳ, chậm triển khai dự án.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, trong số các nguyên nhân dẫn đến chậm triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn TP thời gian qua, TP luôn xác định nguyên nhân chủ quan là chính. Thời gian tới, TP sẽ quyết liệt hơn nữa, bằng các giải pháp để vào cuộc chỉ đạo điều hành; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn quy trình đầu tư và có kế hoạch, lộ trình triển khai gắn với trách nhiệm liên quan, chủ động xử lý theo thẩm quyền.

Ông Chu Ngọc Anh cũng khẳng định, không vì tiến độ mà bỏ qua quy trình, thủ tục ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công. Tinh thần chung là rà soát, kiên quyết điều chỉnh vốn, không để tình trạng dàn trải, lãng phí.

H.sơn - M.Ngọc - Pháp luật Plus 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bình Dương: Bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Để đảm bảo đầy đủ, thường xuyên, tránh xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/cham-giai-ngan-von-dau-tu-cong-phan-tich-ky-nhung-nguyen-nhan-chu-quan-d172455.html