Chặn dịch Covid-19 phải bằng nỗ lực của cả cộng đồng

30/03/2020 11:08

Kinhte&Xahoi Dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) vẫn tiếp tục hoành hành trên khắp thế giới. Cuộc chiến chống Covid-19 đã bước vào giai đoạn quyết định đầy thử thách, đòi hỏi trách nhiệm và sự chung tay của tất cả mọi người.

Ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi sự tham gia của mọi lực lượng

Những cách hành xử không phù hợp, thiếu trách nhiệm

Những con số thống kê do Worldometers.info cung cấp cho biết tính tới sáng 29-3, trên thế giới đã có gần 663 nghìn người nhiễm bệnh, trong đó gần 31 nghìn người đã tử vong, số bệnh nhân phục hồi là 141 nghìn. Mỹ tiếp tục có số bệnh nhân cao nhất thế giới là 123.428 người, đứng thứ hai là Italia với 92.472 ca nhiễm, trong khi Trung Quốc ghi nhận 81.439 ca. Việt Nam cũng đã bước vào giai đoạn 3 chống dịch với những thay đổi về nguồn bệnh và số người nhiễm bệnh đang tăng lên.

Thực tế đó cho thấy cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19 còn rất gian nan. Dịch bệnh chẳng chừa một ai, từ người dân thường đến nguyên thủ quốc gia như Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng trở thành mục tiêu tấn công của virus SARS-CoV-2. Trong thời điểm khi mỗi ngày qua đi lại có hàng chục nghìn người nhiễm bệnh, cả nghìn người tử vong trên khắp toàn cầu, tâm lý lo lắng, hoang mang trong mỗi người là không tránh khỏi. 

Thế nhưng, cảm xúc tự nhiên đó không thể trở thành lý do để phân biệt, đối xử, thậm chí kỳ thị với người mắc bệnh hay người phải cách ly do có nguy cơ nhiễm virus. Nhiều người Trung Quốc trên khắp thế giới từng phải chịu sự kỳ thị, hắt hủi của người dân bản địa bởi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán. Một người Italia gốc Hoa tên là Jiang đã phải đăng lên Facebook cá nhân video với lời kêu gọi “Tôi không phải là một con virus, tôi là một con người, hãy giải thoát tôi khỏi định kiến”.

Ở Việt Nam, trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện những tin tức giật gân, câu views theo kiểu xâm phạm đời tư của những người nhiễm bệnh. Thông tin cá nhân của họ bị các “thám tử mạng” đào bới, thọc mạch và tung hê một cách thiếu ý thức, vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Rồi không chỉ bản thân người bị bệnh, nhiều thông tin cá nhân, người thân, gia đình của họ cũng bị công khai lên mạng.

Cũng có những người trong diện cách ly lại lên mạng đưa ra những đòi hỏi, những yêu sách vượt quá khả năng của đất nước. Trong bối cảnh số lượng hành khách nhập cảnh vào Việt Nam tăng đột biến khiến các sân bay nhiều khi quá tải, những người này đã có những lời nói và cử chỉ không đúng mực với các lực lượng làm nhiệm vụ, gây ồn ào, náo loạn tại nơi công cộng.
Có người ra vẻ ta đây, lên mặt dạy đời, cho rằng mình là người có hiểu biết, có nhiều tiền, là người quan trọng, phải được đối đãi tốt hơn những người khác. Có người thì tỏ ra không hài lòng với điều kiện khu cách ly, có thái độ phân biệt đối xử với những người đang cùng cảnh ngộ với mình. 

Đây là cách hành xử không phù hợp, thiếu trách nhiệm, chỉ biết đến bản thân mình mà không nghĩ tới người khác, tới cộng đồng và xã hội, nhất là vào thời điểm mà đất nước đang phải gồng mình đối phó với thử thách của đại dịch toàn cầu. Hành vi của các cá nhân đó không phản ánh thực tế, không giúp ích gì cho nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, mà có thể dẫn đến hiểu lầm, gây hoang mang trong xã hội. Đó là chưa kể những việc làm như vậy tạo điều kiện cho những kẻ xấu lợi dụng để nói xấu chế độ, chống phá trên không gian mạng. 

Đồng hành cùng cả nước vào trận chống dịch 

Thế giới đang bước vào “giai đoạn thời chiến” chống đại dịch Covid-19, như lời của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Ở nhiều nước châu Âu và Mỹ, dịch bệnh đang tiến tới đỉnh điểm. Chính vì thế, những tuần tới là thời điểm có tính quyết định đến thành công trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.

Với Việt Nam, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 cùng số lượng người phải cách ly đang tăng dần, chúng ta cũng đang phải căng mình hết sức để chặn dịch. Hai tuần tới sẽ là “giờ vàng quan trọng”, có tính quyết định đến mục tiêu mà Chính phủ đề ra là ngăn chặn bằng được việc lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong cộng đồng.

Đây là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, của cả hệ thống chính trị, đồng thời cũng là nhiệm vụ của toàn dân, của mỗi cá nhân, như lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Nhiệm vụ quan trọng lúc này là trên dưới đồng lòng, anh em đoàn kết, hiệp đồng tác chiến nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa với từng tình huống dịch bệnh xảy ra trên từng địa bàn, thành phố”.

Cả nước đang vào trận chống đại dịch Covid-19. Trên tuyến đầu là hàng chục nghìn “thiên thần áo trắng” là các y, bác sỹ tạm gác lại tình thân, những ngày tháng chung sống cùng gia đình, người thân để làm nhiệm vụ. Là những nhà khoa học sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để nuôi cấy, phát hiện cơ chế hoạt động của virus, điều chế vaccine phòng dịch, sáng tạo bộ kit xét nghiệm. Là hàng nghìn y, bác sỹ đã về hưu và sinh viên trường y trong toàn quốc tình nguyện xin ra tuyến đầu chống dịch.

Đó là hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội hàng tháng trời hy sinh thầm lặng, ngủ bạt giữa rừng, bên ngoài sân, sảnh các khu tập thể để nhường doanh trại làm khu cách ly tập trung, rồi thâu đêm suốt sáng lo từng bữa ăn miễn phí cho hàng vạn người Việt Nam từ nước ngoài về và cả người nước ngoài đến Việt Nam trong các khu cách ly tập trung.

Với mỗi người dân, trong lúc này, đồng hành cùng Chính phủ chống “giặc dịch” thiết thực nhất là tự bảo vệ mình, người thân và những người sống xung quanh; giữ gìn vệ sinh để không lây bệnh từ người khác và khi mình nghi bị mắc bệnh thì tránh hết sức để không lây cho người khác bằng cách thực hiện nghiêm túc việc tự cách ly và cách ly, theo dõi y tế, chấp hành đúng các yêu cầu của các cơ quan chức năng về phòng, chống dịch.

Đồng hành cũng có thể bằng cách hết sức đơn giản, như: nhận thức đúng, đầy đủ về dịch bệnh, không mất bình tĩnh, tin tưởng vào các giải pháp từ phía chính quyền; không đưa lên mạng những thông tin chưa được kiểm chứng, kiên quyết từ chối bấm nút “like” hoặc chia sẻ những thông tin gây hoang mang dư luận; ủng hộ về tinh thần và vật chất với những lực lượng đang trên tuyến đầu chống dịch; cảm thông, chia sẻ với những điều kiện còn khó khăn của đất nước để tập trung mọi nỗ lực vào mục tiêu cao nhất là dẹp dịch.

Lịch sử đã chứng minh rằng, ở những thời điểm khó khăn nhất, dân tộc ta luôn đoàn kết, và chính điều đó đã tạo cho chúng ta sức mạnh. Hơn bao giờ hết, trước thử thách, càng là lúc cần giữ vững niềm tin, đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức. Truyền thống người Việt là tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo cho nhau, cùng nhau vun đắp ý thức giữ gìn sự an toàn của cộng đồng, sự bình yên của xã hội. Đó là cơ sở vững chắc để chúng ta có niềm tin vào chiến thắng trước đại dịch Covid-19.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tuần cao điểm phòng chống Covid-19: Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định

Hà Nội cũng như các tỉnh thành trên cả nước đang trong những ngày đầu của đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Nếu như vào thời điểm TP Hà Nội công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, toàn bộ hệ thống chợ, siêu thị trong cảnh “cháy hàng” bởi người dân tích trữ hàng hóa, thì những ngày này các siêu thị, chợ truyền thống vắng khách, trong khi hàng hóa, thực phẩm dồi dào, giá cả ổn định.

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/the-gioi/chan-dich-covid19-phai-bang-no-luc-cua-ca-cong-dong/848543.antd