Chợ truyền thống “lép vế” trong thời đại mua sắm online

10/04/2024 17:43

Kinhte&Xahoi Nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội số lượng khách đến mua giảm hẳn, tình trạng này diễn ra ngay cả trong mùa cao điểm mua sắm. Thay vào đó, sức "nóng" của livestream đã và đang bùng nổ, thu hút nhiều người tiêu dùng…

Thống kê sơ bộ, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 160 chợ dân sinh tại khu vực nội thành và 294 chợ dân sinh ở các khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, chợ truyền thống đang dần trở nên “lép vé”, vắng khách, nhiều tiểu thương chật vật trước tình trạng ế ẩm, buôn bán khó khăn. Một số chợ truyền thống lâu năm tại Hà Nội như: chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm), chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng)… các gian hàng gần như không có hoặc chỉ lác đác một vài khách vào hỏi mua, xuất hiện nhiều bảng biển "sang nhượng quầy hàng", "cho thuê quầy hàng" thậm chí đóng cửa để cắt giảm chi phí.

Tại chợ truyền thống Láng Thượng, đang giờ cao điểm nhưng lác đác chỉ có vài khách đến mua hàng.

Chia sẻ với Phóng viên, bà Hiền, tiểu thương ở chợ Láng Thượng chia sẻ: “Tình trạng ế ấm ở đây cũng diễn ra trong một thời gian dài rồi, ngay cả giờ cao điểm cũng chỉ lác đác vài khách tới mua, chủ yếu là khách quen. Nay livestream bán hàng lại trở nên ưa chuộng, khách qua đó mua cũng nhiều nhưng tôi không biết sử dụng mấy đồ công nghệ để buôn bán nên không theo được”.

Theo tìm hiểu, được biết một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhiều sạp hàng còn thách giá sản phẩm, bất tiện trong phương thức thanh toán,... Ngoài ra, sự cạnh tranh từ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đặc biệt, là sự bùng nổ của những hình thức mua sắm mới điển hình là livestream đã và đang tạo nên một kênh bán hàng trực tuyến hiệu quả với doanh thu vượt trội, có thể đem lại hiệu quả gấp nhiều lần so với thương mại điện tử thông thường.

Với hình thức bán hàng mới, Livestream đã giải quyết được những lo lắng của khách hàng khi mua sắm trực tuyến đó là được ngắm nhìn sản phẩm trực tiếp và được tư vấn nhanh chóng bởi người bán, cùng với sự tiện ích có thể xem ở bất cứ đâu chỉ cần có một chiếc smartphone kết nối mạng internet, khiến nhiều người tiêu dùng cũng dần hình thành thói quen mua hàng trực tuyến.

Một phiên livestream bán hàng.

Chị Nguyễn Thị Loan (28 tuổi) - chia sẻ, “Thời buổi công nghệ phát triển, tôi sẽ ưu tiên mua sắm, thanh toán online. Phần vì rất tiện lợi, không có nhiều thời gian ra chợ mỗi ngày, phần vì nhiều sản phẩm trên livetream còn rẻ hơn bên ngoài, lúc bận không lấy được hàng chỉ cần báo shipper để vào nhà là được.”

Có thể thấy về giá cả sản phẩm, chợ truyền thống giá cao hơn vì tiền nhập hàng từ các mối lái cao, tiền chi trả mặt bằng và tiền thuế. Trong khi đó, mua hàng trên livetream không mất tiền thuê mặt bằng, cộng với sự trợ giá từ sàn thương mại điện tử, nhà phân phối, loại bỏ được các khâu trung gian, đưa các sản phẩm từ nơi sản xuất đến tận tay người dùng, giúp giảm thiếu tối đa các loại phụ phí, kèm theo các khuyến mãi như: Flash sale, Deal độc quyền, vocher giảm giá và freeship... khiến người tiêu dùng có quyết định “chốt đơn” nhanh hơn.

Ngoài ra, trong suốt phiên phát sóng trực tiếp lớn hiện nay, còn kết hợp giữa bán hàng và giải trí với nhiều hoạt động âm nhạc, trò chơi, cùng đội ngũ nhân sự lớn gồm: kỹ thuật, điều phối viên, trợ live,...

Sức "nóng" của livestream đã và đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong ngành thương mại điện tử.

Trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay người dùng không khó để bắt gặp những kênh livestream bán hàng. Vừa qua, cộng đồng mạng không khỏi xôn xao trước phiên bán hàng trực tuyến qua phương thức livestream kéo dài hơn 12 tiếng trên kênh Tiktok có tên Quyền Leo Daily thu về doanh số 75 tỷ, cùng lượt tương tác cao. Ngoài ra, cũng trong phiên livetream bán hàng của mình “chiến thần Hà Linh” đã thu hút hơn 300.000 lượt xem. Sở hữu khả năng nói chuyện hài hước, Phạm Thoại nổi tiếng như một hiện tượng bởi phong cách bán hàng không giống ai, lập kỷ lục chốt 50.000 đơn hàng sau 12 tiếng phát trực tiếp. Nhiều người đã đổi đời nhờ công việc này, thậm chí sở hữu mức thu nhập từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi tháng.

Trong bối cảnh bùng nổ của livestream như hiện nay, chợ truyền thống nếu như chỉ dựa vào uy tín, mối quan hệ cũ, hay sự hỗ trợ của chính quyền trong các sự kiện là chưa đủ. Để chợ truyền thống có sức hút trở lại đòi hỏi cần có sự thay đổi từ diện mạo, hàng hoá, cách buôn bán…Các tiểu thương cần nhanh chóng thích ứng, chuyển đổi kinh doanh kịp thời, chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rõ ràng, thay đổi cách ứng xử, tránh tình trạng hét giá… để giữ chân khách lâu dài. Qua đó, hướng đến mô hình chợ văn minh, hiện đại, thực sự trở thành điểm đến đáng tin cậy của người tiêu dùng.

Bùi Nga - Phạm Minh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://phapluatplus.vn/cho-truyen-thong-lep-ve-trong-thoi-dai-mua-sam-online-197887.html