Chủ tịch Hà Nội yêu cầu cắt ngay kinh phí đi nước ngoài đến hết tháng 6/2020.

Covid-19 đã và đang gây ra thảm họa toàn cầu và chưa dự báo được thời điểm kết thúc. Điều đó có nghĩa là cộng đồng quốc tế, từng quốc gia và mỗi cá nhân còn phải tiếp tục tham gia chống dịch. Không có ai được phép đứng ngoài cuộc.

Ở Việt Nam, giai đoạn 1, giai đoạn 2 đã qua; giai đoạn 3 “chống dịch như chống giặc” cũng đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Sáng 6/4, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thông điệp trên. “Có thể khẳng định tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh”, ông nói.

Phó Thủ tướng nhận định, có được điều đó vì Việt Nam có sự lãnh đạo sâu sát, đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc rất đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng. Nhưng đặc biệt và trên hết là nhờ có sự tham gia của nhân dân với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”.

Hơn thế, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ những cụ già tới các em nhỏ đã có nhiều hành động rất đẹp, ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch.

Tinh thần nhân văn Việt Nam lan tỏa trong xã hội. Không chỉ các CEO với tiềm lực kinh tế của Tập đoàn rất lớn chung tay cùng Chính phủ mà hàng ngày qua báo chí dễ nhận ra nhiều hình ảnh cảm động. Nhiều cụ già lặn lội hàng cây số đến trung tâm cách ly bắt buộc chỉ để đóng góp 50.000 đồng tiết kiệm được; nhiều sản vật trong vườn như rau, bí... cũng được mang đến hỗ trợ bộ đội, những người có trách nhiệm kiểm soát chống dịch.

Dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro. “Chúng ta quyết không được chủ quan, lơi lỏng. Nhưng nếu toàn dân đồng lòng, toàn dân chống dịch thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định.

Đúng như thế, chủ quan với Covid-19 là “tự sát”. Bài học của nhiều quốc gia cho thấy điều này.

Trong tình hình đó, quốc gia cũng như mỗi gia đình ngoài việc đồng lòng, thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, còn đòi hỏi phải tiết kiệm, “thắt lưng buộc bụng” trong dịch, sau dịch.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội hôm qua đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thành phố cần phải nhận thức rõ những khó khăn trong thời gian tới để nhìn rõ nguy cơ ảnh hưởng đến từng ngành nghề, đơn vị. Từ đó, thúc đẩy các quy trình, thủ tục để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp hoạt động.

Đặc biệt, ông yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện cắt ngay kinh phí đi nước ngoài đến hết tháng 6/2020. Ngành thể thao cũng phải cắt các khoản đầu tư cho vận động viên đi tập huấn ở nước ngoài trong thời gian tới. Điều đó là cần thiết lúc này. Covid-19 đã và đang “dạy” con người nhiều bài học, trong đó có việc “thắt lưng buộc bụng”.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chợ, siêu thị hoạt động bình thường, hàng hóa dồi dào

Ngày thứ 5 cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05 của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố về viêc, cách ly xã hội và hạn chế ra đường nếu không có việc cần thiết. Có thể thấy, đến thời điểm này nguồn cung cấp hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội rất dồi dào, người dân thực sự yên tâm về việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu từ cơ quan chức năng, siêu thị, cửa hàng tiện ích…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/thoi-luan/chu-quan-voi-covid-19-la-tu-sat-d121262.html