Chưa thể mở lại rạp chiếu phim

07/06/2021 09:51

Kinhte&Xahoi Mới đây, 4 đơn vị kinh doanh điện ảnh gồm CGV, Lotte, Galaxy và BHD vừa cùng ký vào văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất hỗ trợ thuế, lãi vay, các loại bảo hiểm, dịch vụ và đề nghị ghi nhận chiếu phim là hoạt động thiết yếu. Đề xuất này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối do tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Rạp chiếu phim Quốc gia đóng cửa vì dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Hải

Đồng loạt kêu cứu

 Trong văn bản có chữ ký của các ông lớn ngành điện ảnh gồm Công ty CP phim Thiên Ngân, Công ty TNHH BHD Việt Nam, Công ty TNHH Lotte Cinema Việt Nam, Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ ban ngành liên quan cụm từ suy thoái, doanh thu, khó khăn nhắc đến để miêu tả về nguy cơ phá sản của các DN này.

Theo đó, các DN điện ảnh cho biết, kể từ thời điểm cuối tháng 1/2020 đến nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của DN cũng như tới tâm lý khách hàng. Cùng với đó, nguồn phim và kế hoạch sản xuất phim từ tháng 2/2020 đến nay cũng gặp nhiều vướng mắc khi tất cả các hoạt động vui chơi giải trí, rạp chiếu phim phải nhiều lần tạm đóng cửa theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của các tỉnh, thành. Do vậy doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim trong lĩnh vực công nghiệp điện ảnh gần như bằng 0.

Cũng bởi vậy nên 4 DN trên kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ trực tiếp để nhằm tạo điều kiện cho các DN có thể tiếp tục nỗ lực vượt qua giai đoạn này. Trong số các kiến nghị, đề xuất nêu trên, đáng chú ý là việc 4 DN đề xuất việc ghi nhận hoạt động chiếu phim phục vụ giải trí cũng là nhu cầu thiết yếu trong thời đại ngày nay. Trên cơ sở đó, các DN đề xuất cho phép các rạp chiếu phim được hoạt động trở lại, đảm bảo nguyên tắc 5K. Lý giải về đề xuất này, các DN cho biết, thực tế rạp chiếu phim là nơi có thể áp dụng việc thực hiện khuyến cáo 5K một cách tốt nhất vì khán giả vào rạp chỉ tập trung xem phim, không nói chuyện, đồ ăn uống nếu có cũng được phục vụ theo khẩu phần riêng, ghế ngồi có thể giãn cách. Không chỉ vậy việc xếp hàng tập trung mua vé tại quầy có thể được thay thế bằng công nghệ vé điện tử.

Trả lời báo chí, đại diện truyền thông cụm rạp CGV, ở thời điểm hiện tại, chỉ có 3/81 cụm rạp của nhà phát hành này tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Hậu Giang còn hoạt động. Hai đạo diễn Bảo Nhân - Namcito của loạt phim "Gái già lắm chiêu" cho biết: “Đến tận bây giờ, không chỉ riêng chúng tôi mà hầu hết các nhà sản xuất phim đã chiếu xong phim mấy tháng, cộng thêm hơn cả năm trời chi tiền sản xuất, số tiền rất lớn, nhưng đều chưa thu về được đồng nào. Hầu hết các nhà rạp đều chưa chuyển tiền bán vé cho nhà sản xuất. Chúng tôi vẫn chia sẻ, thấu hiểu trong giai đoạn khó khăn này. Nhưng liệu điện ảnh Việt cầm cự được bao lâu nếu không có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ?”.

Chia sẻ khó khăn

Đề xuất của các DN đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Bên cạnh việc thông cảm với những thách thức, khó khăn mà các DN phải đương đầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì phần lớn ý kiến đều cho rằng việc mở cửa lại rạp chiếu phim cần phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Cụ thể, nhiều khán giả bày tỏ quan điểm không đồng tình vì cho rằng xem phim tại rạp không phải nhu cầu thiết yếu, mà điều quan trọng hơn cả trong thời điểm này là tập trung vào việc phòng chống dịch Covid-19. Anh Trần Đoàn Hiếu (Trung Hòa, Cầu Giấy) cho hay: “Hoạt động của các rạp phim bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, việc yêu cầu ghi nhận hoạt động chiếu phim là "thiết yếu" để được hoạt động trong đại dịch thì đó là điều vô lý. Rạp chiếu phim là nơi không những khó đảm bảo 5K mà còn dễ bùng phát ổ bệnh lớn. Các DN có nêu ý kiến, trong rạp, mỗi khán giả có phần ăn uống riêng thì không lây bệnh. Nhưng khi ăn uống vẫn phải mở khẩu trang, mở miệng và chắc chắn sẽ có người nói chuyện. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ phát tán virus”.

Xung quanh vấn đề trên, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ, mặc dù hoạt động chiếu phim có vai trò quan trọng nhất định trong đời sống văn hóa, tinh thần, đáp ứng nhu cầu giai trí của người dân, song trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì chưa thể xem đây là hoạt động kinh doanh dịch vụ thiết yếu được. Vì vậy, lãnh đạo Cục Điện ảnh ủng hộ việc bình ổn hoạt động rạp chiếu phim khi dịch qua đi.

Về những biện pháp tài chính hỗ trợ hoạt động kinh doanh, theo Cục Điện ảnh, kiến nghị của các đơn vị sẽ do các cơ quan quản lý chuyên ngành như Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế… xem xét. Trong phạm vi điều chỉnh của mình, lãnh đạo Cục cũng ủng hộ bình ổn hoạt động rạp chiếu phim và sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ khi các rạp mở cửa trở lại.

Cục sẽ thực hiện một số biện pháp hỗ trợ khi các rạp mở cửa trở lại bằng cách phối hợp tuyên truyền kích cầu, tạo điều kiện thẩm định và phân loại phim nhanh hơn để sớm đưa phim ra rạp. Cục có thể làm việc với các địa phương nhằm thúc đẩy hoạt động kích cầu điện ảnh tại các rạp, tổ chức và phối hợp tham gia các sự kiện điện ảnh nhằm thu hút khán giả đến rạp xem phim.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành

 Minh An - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/chua-the-mo-lai-rap-chieu-phim-422549.html