Có một mùa Tết Covid, rất khác…

21/02/2021 11:07

Kinhte&Xahoi Tết là thời điểm ai cũng mong mỏi trở về nhà, đoàn tụ gia đình, chúc Tết người thân. Người ở nhà mong chờ được gặp con, cháu. Những du học sinh, tu nghiệp sinh, những Việt kiều xa quê hương không thể trở về nhà thăm cha mẹ… Hàng trăm nghìn công nhân không thể về quê ăn Tết. Rất nhiều trong số họ đang trong giai đoạn cách ly. Và nhiều người khác thì nén lòng ở lại như lời dặn dò của người cha già trong bức thư xúc động: Tết này con đừng về!

Tết Covid - đường về nhà là vào tim ta. Ảnh minh họa.

Đường về nhà… rất xa

Trên trang cá nhân, một bạn trẻ chia sẻ câu chuyện của mình, cũng là chuyện của hàng ngàn người đang sống ở nước ngoài khi bước sang những ngày Tết năm Covid thứ hai: “ Hôm nay là tròn một năm, bố mẹ và mình mới được nhìn thấy nhau. Lần cuối cùng là Tết năm ngoái khi mình ghé về thăm nhà. Rồi sau đó, Covid đã làm thay đổi tất cả.

Chỉ một năm trước đây, khoảng cách giữa mình và nhà chỉ là hai giờ bay. Còn lần này, hành trình về nhà có lẽ dài hơn bất cứ hành trình nào khác trước đây. Đó là những tuần thấp thỏm chờ đợi chuyến bay giải cứu, là 14 ngày cách ly, là 5 tiếng di chuyển từ khu vực cách ly về nhà, và tiếp tục chuỗi ngày theo dõi ở nhà theo khuyến cáo.

Lúc mình tới nhà, bố mẹ cũng đứng từ xa để quan sát. Bố mẹ đã nấu cơm và dọn sẵn ra bàn. Cuộc gặp chóng vánh trong 5 phút chỉ đủ để bố mẹ nhận ra, nó cuối cùng đã “về” sau 7 năm từ ngày đi học.

Cuộc sống luôn ẩn chứa những sự ngẫu nhiên như định sẵn. Ngày mình trở về nhà, cũng là ngày sinh nhật bố. Cả nhà phá lệ. Thêm 5 phút nữa bên nhau cắt bánh sinh nhật bố.  Có lẽ đây là sinh nhật yên lặng nhất của bố mẹ mà mình đã chứng kiến. Những điều cần nhất thì không thể nói bằng lời mà bằng cảm nhận…”.

Và còn đó, là những chuyến tàu đã bỏ lỡ, như góc cảm xúc ngày 30 Tết của Trang Nguyễn, khi cô đang ở London: “Có hai thứ trên đời không được bỏ lỡ, chuyến tàu cuối về nhà và người thật lòng yêu thương ta”, thực sự là tôi đã lỡ mất chuyến tàu cuối để về nhà. Chuyến bay về Việt Nam mà tôi dự định vào tháng 1 đã mãi mãi không cất cánh, và niềm hi vọng được trở về trong tôi cũng không cánh mà bay, ít nhất là Tết này.

Hôm nay là 30 Tết rồi. Tôi xa nhà, đã được 1 năm 4 tháng 23 ngày. Lẽ ra lúc này tôi đã về nước, kết thúc thời gian cách ly và chuẩn bị cùng cả gia đình đón Tết. Nhưng giờ thì tôi đang ngồi viết những dòng này, tại London, trước lần đón tết thứ 2 cách gia đình hơn 9 ngàn cây số.

Tôi từng ước mơ được trở thành 1 MC, tôi luôn sợ mình không làm được và tôi đã trở thành 1 MC truyền hình với thâm niên những 7 năm làm nghề. Tôi từng ước mơ giành được học bổng đi du học, tôi luôn sợ mình không làm được và tôi cũng đã có được học bổng toàn phần chính phủ mà tôi hằng ước ao.

Tôi chưa từng ước mơ được về nhà. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ không thể về nhà. Và tôi đã biết thế nào là không thể về nhà.

Chỉ 12 tiếng bay, với những khung giờ bay đầy ắp và đủ các mức giá vé tuỳ nhu cầu, mọi thứ từng là như thế. Điều đó bào chữa phần nào cho suy nghĩ trong tôi rằng, nhà lúc nào về chẳng được. Bao năm nay tôi luôn nghĩ như vậy và cố đi thật xa, rồi xa hơn nữa, nhìn thật rộng, rộng thêm chút nữa, ước mơ thật lớn và lớn hơn nữa, mà chẳng một lần màng ngoái đầu về phía sau.

Những năm tháng này đã khiến cho mọi thứ không còn đúng với chính định nghĩa từng là của nó. Những thứ tưởng chừng giản đơn nhất, lại trở nên khó nắm bắt nhất. Chúng ta mất đi những quyền cơ bản nhất, như quyền được hít thở tự do một bầu không khí khoẻ mạnh, quyền được nắm lấy tay và ôm thật chặt những người mình yêu thương, hay quyền trở về nhà. Tất cả những quyền đó, hoá ra lại chỉ nằm trong trí tưởng tượng của con người. Mấy con vi rút bé nhỏ đến tưởng như vô hình đã dạy cho chúng ta bài học rằng, những điều đó vốn không phải là dĩ nhiên, nó có thể bị tước đi khỏi chúng ta vào một buổi sáng bất kì khi bạn tỉnh giấc.

Một năm qua, đặt chân tới không biết bao nhiêu vùng đất mới, những làng cổ đẹp nhất nước Anh, những công trình kiến trúc tráng lệ nhất châu Âu, cả những kì quan thiên nhiên hùng vĩ của thế giới, nhưng giờ phút này, nơi tôi nhớ nhất lại là con ngõ Thành Công.

Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng, một ngày mình sẽ đứng ở giữa đại lộ của những ước mơ, mà ngoái đầu nhìn về con ngõ nhỏ của ngày bé. Bố mẹ sẽ chờ, không phải chờ những đồng tiền tôi gửi về, không phải chờ những chức danh hay thành quả của tôi để mà khoe khoang, mà đôi khi chỉ là chờ chính tôi, bé nhỏ trở về với chính hình hài mà họ đã cho tôi, chỉ thế thôi. Nhưng họ cũng chẳng đủ sức mà đợi mãi.

Tôi đã có những ước mơ xa xôi, có nhiều thành công, cũng có nhiều khi thất bại thảm hại. Nếu không biết 1 năm có 12 tháng, liệu chúng ta có đợi hết 11 tháng bận rộn quay cuồng rồi mới nghĩ đến chuyện trở về nhà?... Dĩ nhiên, tôi chẳng mong rằng có ai ngoài kia sẽ cần phải bỏ lỡ đi bất cứ điều gì mới có thể nhận ra giá trị của gia đình, chỉ ước sao mọi đứa con đã kịp về với bố mẹ, Tết này”...

Với chị Quỳnh Hương, Hà Nội là một cái Tết loanh quanh trong không khí gia đình theo cách mọi người ăn Tết năm nay: “Những ngày này, tôi ít khi online mà chỉ quanh quẩn trong bếp nấu ăn cho gia đình. Một mình một bếp, nấu rồi rửa dọn, nhưng không có chút nào cảm giác vất vả. Tôi đặt trọn vẹn tâm trí mình vào món ăn, khi nhặt rau, khi đợi 1 nồi hầm, khi cuốn nem, khi rửa bát. Và thấy sự trở về chính mình rất rõ trong những hành động nhỏ nhặt ấy. Sau đó, hạnh phúc của người thân yêu khi quây quần quanh mâm cơm mình vừa nấu - thì đó là tưởng thưởng thêm cho tôi.

Tình yêu và lòng tin cậy chẳng cần ngôn ngữ nào, nó như không khí của mùa xuân thanh sáng này, bao phủ lấy tôi trong im lặng dịu dàng. Tết đi nhiều thì mệt, nhưng nhớ là bố mẹ đang đỏ mắt đợi mình, con về mới là Tết- thì lại tay xách nách mang về với ông bà. Tôi cứ nghĩ thời gian của bố mẹ ngắn dần, ngoảnh đi ngoảnh lại hết 1 năm đời người, nên giờ về nhà chỉ cố gắng nói những điều nhẹ nhõm, nấu ăn cho bố mẹ, tuyệt đối không cự cãi những quan điểm của người già. Khi đôi mắt mình nhìn được vẻ đẹp từ người khác, mình thấy cuộc sống hay vô cùng vì có quá nhiều làm cho nó hay hơn mỗi ngày”...

Và Tết sum vầy, nhường cho Tết an toàn

Có thể nói, sau cả năm đánh trả quyết liệt và hiệu quả, Covid -19 buộc phải co cụm dần. Chiến thắng đang cận kề thì bất ngờ đến thời kỳ Covid -19 bùng phát lại. Mọi kế hoạch bị đảo lộn. Nhà trường tạm đóng cửa, chỉ dạy online. Các tour tuyến chuẩn bị khởi hành phải giải tán hoặc lùi vô thời hạn. Nhiều vùng bị phong tỏa, một số địa phương phải giãn cách xã hội…

Tại Hà Nội, các bến xe, bến tàu, đường phố vắng lặng. Cảnh tượng chưa bao giờ xảy ra vào những dịp gần Tết. Cuộc sống bỗng chậm lại, không còn cảnh xô bồ, kẹt xe, khói bụi. Và như thế, trước làn sóng mới của dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta đã có một cái Tết khác hẳn dịp Tết mọi năm, nhiều người đã không đi chúc Tết, cũng ít đổ ra đường đến các tụ điểm đường hoa, phố đi bộ... dù thời tiết rất đẹp. Người dân ở trong nhà, mọi câu chuyện luôn kèm theo thông tin cập nhật về số ca bệnh mới, ở đâu.

Chẳng thế, vào thời điểm cả nước đón Giao thừa năm Tân Sửu thì có xấp xỉ 130 nghìn người đang phải cách ly theo dõi y tế. Cùng với đó là hàng nghìn cán bộ y tế, nhiều nghìn người thuộc lực lượng quân đội, công an,... phải vắng nhà triền miên vì trực chiến nơi tuyến đầu chống dịch đang phải căng sức để giữ gìn sự an toàn cho cả cộng đồng. Nhiều bác sĩ, nhân viên ngành y tế ở các ổ dịch trên cả nước phải ngày đêm làm việc vất vả, cứu chữa bệnh nhân, xử lý hàng nghìn mẫu xét nghiệm dồn dập đổ về. Các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) gác Tết lại để lên đường chi viện cho Gia Lai - ổ dịch với 19 ca mắc. Nhóm bác sĩ ở Đà Nẵng bỏ cái Tết sum vầy đang rất gần để hỗ trợ đồng nghiệp ở tỉnh đang bùng phát dịch bệnh. Rất nhiều đơn vị ở Hà Nội cũng đã lên đường “chia lửa” cho ổ dịch ở Hải Dương.

Cùng với đó, năm nay Tết an toàn chính là trọng tâm khuyến cáo Bộ Y tế và Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid -19 đang lan tràn trên toàn cầu và vừa bùng phát lại ở Việt Nam. Trong thông điệp, Bộ Y tế và Văn phòng WHO tại Việt Nam nêu rõ: “SỨC KHỎE là món quà quý nhất chúng ta có thể dành cho nhau trong dịp Tết này!”.

Nhiều người lao động xa quê khi biết tin dịch bệnh bùng phát đã buộc phải hủy vé tàu, hủy chuyến bay về quê ăn Tết cùng gia đình mà mình chờ đợi suốt cả năm. Dù tiếc nuối, dù buồn bã nhưng an toàn được đặt lên hàng đầu. Có người làm nghề nhặt phế liệu ở miền Nam, tích cóp cả năm trời để đến Tết bỏ tiền mua vé tàu về miền Bắc đoàn tụ vợ con. Nay dịch bệnh ập đến, anh đành ngậm ngùi hủy vé. Nhiều người con xa quê sẵn sàng hủy vài chục triệu tiền vé để ở lại ăn Tết tha hương…

Nhà thơ Phong Việt chia sẻ: “Năm 2020 đã có quá nhiều biến động do đại dịch gây ra, thế nên Tết 2021, tôi cũng như nhiều người tha hương khác sẽ phải chọn ăn Tết xa quê như không thể khác. Những thương nhớ, những ký ức và cả những mong ngóng vì thế cũng trở nên nhiều nỗi niềm. Không ai vui khi không thể về quê nhà ăn Tết. Nhưng ở lại thành phố cũng là một lựa chọn khác cho sự tiết kiệm, cho sự yên ổn của bản thân và những người thân yêu… Tết này con không về, nhiều người không về… nhưng quê nhà cũng không vì thế mà thiếu đi những hương vị của Tết. Thế nên chúng ta, hãy nghĩ, đang ở trong cùng một cái Tết giữa trời và đất! Vì những người mà chúng ta thương nhớ- đều đã đến, hoặc ngay lúc này, đang hướng những lời chúc phúc dành cho chúng ta trên dặm đường dài của thăm thẳm thời gian dài phía trước!”...

Phương Uyên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/co-mot-mua-tet-covid-rat-khac-d149068.html