Công an Hà Nội ngăn chặn, đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm mùa dịch Covid-19: Chủ động trấn áp ngay từ đầu

17/04/2020 22:11

Kinhte&Xahoi Những khu trọ vắng lặng, những căn nhà im ắng trong mùa dịch Covid-19 đã trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ trộm cắp tài sản chuyên nghiệp.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, trong mùa dịch Covid-19, khi các loại tội phạm hình sự khác lắng xuống, thì tình trạng trộm cắp tài sản không có dấu hiệu “chững” lại. 

Đối tượng Nguyễn Tiến Sinh và tang vật vụ án 

Những kẻ liều lĩnh

Nhìn vào tổng quan những vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội từ đầu năm 2020 đến nay, đặc biệt là trong giai đoạn thành phố chiến đấu với dịch bệnh Covid-19 lúc đầu tháng 3, thủ phạm các vụ đột nhập đều là trộm cắp chuyên nghiệp, có nhiều tiền án, tiền sự. Điển hình mới đây ngày 8-4, ca tuần tra đêm vừa thực hiện chuyên đề phòng chống trộm cắp trên địa bàn, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 của CAP Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã phát hiện một nam thanh niên có biểu hiện khả nghi. Tiến hành kiểm tra hành chính phát hiện trong ba lô mà nam thanh niên mang theo có những dụng cụ dùng để đột nhập nhà dân. Tên này buộc phải thừa nhận đang chờ bạn cùng đi trộm cắp tài sản. 

Triệu tập các đối tượng nghi vấn về trụ sở cơ quan công an để làm rõ, CAP Xuân Tảo xác định nhóm này đều có tiền án, tiền sự về tội Trộm cắp tài sản. Trong đó, Nguyễn Tiến Sinh (bạn của nam thanh niên bị phát hiện có đồ nghề trộm cắp) từng có 1 tiền sự vào năm 1994. Tên này khi mới 15 tuổi đã có hành vi trộm cắp tài sản, bị CAH Từ Liêm (cũ) xử phạt hành chính, đưa đi trường giáo dưỡng. Hết hạn, Sinh về với cộng đồng nhưng lại tiếp tục trộm cắp tài sản và bị Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) xử phạt 92 tháng tù giam cũng về tội danh này. Sau đó, Sinh có thêm 2 tiền án cũng với tội trộm cắp tài sản do TAND TP Hà Nội và TAND huyện Mê Linh xử vào các năm 2006 và 2014.

Trong ổ nhóm này còn có Nguyễn Đình Mạnh, đã có 1 tiền án vào năm 2016, do TAND huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) xử phạt 39 tháng tù giam về tội Trộm cắp tài sản. Mới đây, tháng 2-2020, TAND thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã xét xử sơ thẩm tuyên án 15 tháng tù giam cho đối tượng can tội Trộm cắp tài sản. Mạnh đã kháng cáo, đang chờ ngày tòa xử phúc thẩm thì lại tiếp tục đi trộm cắp tài sản cùng nhóm Sinh. 

Các đối tượng khai nhận tối 27-3 đã đột nhập vào một nhà dân trên địa bàn phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm để trộm cắp. Đáng chú ý, trong ngôi nhà đó không có người ở nên chỉ bằng một động tác cắt khóa lành nghề, các đối tượng đã vào trong như những người khách quen của gia đình, lần lượt bê 2 tivi, một dàn loa, chiếc máy tính xách tay… ra khỏi nhà. Mỗi lần lấy được những món đồ cồng kềnh ấy, chúng lại dùng xe máy chở về nơi cất giấu, rồi quay lại tiếp tục vơ vét cho đến khi căn nhà trống trơn. 

Trước đó, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, một ổ nhóm trộm cắp chuyên nghiệp khác đã nhằm vào những khu trọ tập thể để trộm cắp tài sản. Các đối tượng “tăm tia” tài sản (chủ yếu là xe máy) của người dân để lại ở khu trọ khi về quê phòng dịch. Nhóm đối tượng chuyên gây án kiểu này gồm Lê Tiến Sơn (SN 1997, trú tại xã Thạch Cầm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa); Lê Việt Dũng (SN 1992, trú tại xã Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh); Trần Quang Võ (SN 1993, trú tại xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương, Thái Bình). Cả nhóm đều có tiền án và quen biết nhau trong thời gian thụ án tại trại giam, khi ra tù thì “chập” với nhau để đi trộm cắp tài sản. Trong đó, Lê Tiến Sơn từng có 1 tiền án vào năm 2016, bị TAND huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa xử phạt 36 tháng tù giam về tội Hiếp dâm trẻ em. Dũng cũng là đối tượng từng có tiền án về tội Trộm cắp tài sản, do TAND quận Bắc Từ Liêm tuyên phạt 30 tháng tù giam vào năm 2016. Nhóm này lên phương án thuê nhà trọ tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm để ở, mặc trang phục của các hãng “xe ôm công nghệ” để đi trộm cắp tài sản. Trong thời điểm thực hiện cách ly xã hội, phòng dịch Covid-19, khi người dân phải ở nhà nhiều hơn thì “xe ôm công nghệ” là phương tiện được phép sử dụng. Nhóm đối tượng này đã lợi dụng tình hình như vậy để không bị ai nghi ngờ, trốn tránh cơ quan chức năng. Sau một thời gian “tăm tia”, nhất là thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành khắp nơi, các đối tượng thấy nhiều khu trọ vắng vẻ, công tác bảo vệ lỏng lẻo đã ra tay gây án. Với thủ đoạn này, chúng đã thực hiện chót lọt 8 vụ trộm cắp tài sản tại các khu nhà trọ trên địa bàn thành phố. 

Ổ nhóm đối tượng thuê nhà trọ giả làm xe ôm công nghệ và dụng cụ để đi trộm cắp tài sản

Quyết liệt trấn áp

Thiếu tá Nguyễn Việt Anh - Đội phó Đội CSHS, CAQ Bắc Từ Liêm cho hay, thời dịch bệnh Covid-19, các khu trọ rất vắng người. Nhiều người cho rằng đã khóa xe cẩn thận, có cả khóa từ, khóa cửa phòng, khóa cổng khu trọ nên họ đều yên tâm. Trong các vụ trộm do nhóm Sơn, Dũng, Võ gây ra, các đối tượng tinh vi đến mức tự mày mò chế tạo được khóa từ để mở khóa xe máy. Có những vụ nhóm này lấy cắp được 3 chiếc xe máy, nhưng lực lượng công an không nhận được đơn trình báo ngay, bởi chủ nhân của những chiếc xe này đã rời nhà trọ về quê phòng dịch Covid-19 và không hề hay biết.

Đại tá Nguyễn Bình - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội nhận định, trong các loại tội phạm, trộm cắp tài sản luôn chiếm tỷ lệ cao hơn các loại khác. Đặc biệt là ở địa bàn giáp ranh nội, ngoại thành thì loại tội phạm này chiếm tới 65% tổng số các vụ phạm pháp hình sự. “Qua theo dõi, đánh giá, trong giai đoạn thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tình trạng trộm cắp tài sản vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, nhưng tỷ lệ điều tra khám phá án lại tăng cao” - Đại tá Nguyễn Bình nhìn nhận. Có được kết quả này là do chỉ huy công an các quận, huyện, thị xã đều nắm và phân tích đúng, trúng tình hình. Những căn nhà, khu trọ, thậm chí là cửa hàng không nằm trong danh mục thiết yếu bị đóng cửa, việc bảo quản tài sản không được chú trọng, sẽ khiến những kẻ trộm cắp chuyên nghiệp nảy lòng tham. Do đó, các đơn vị đều yêu cầu lực lượng công an, đặc biệt là công an cơ sở phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, nhất là những nơi có nguy cơ cao. 

“Cũng có thuận lợi là người dân bị hạn chế ra đường khi không có việc cần thiết, nên ở thời điểm nửa đêm về sáng, những kẻ đứng ở những ngõ ngách trong bóng tối chỉ có thể là kẻ gian và đây là yếu tố để lực lượng chức năng dễ phát hiện, bắt giữ và ngăn chặn tội phạm khi chúng chưa kịp gây án” - Đại tá Nguyễn Bình chia sẻ.

 “Qua theo dõi, đánh giá, trong giai đoạn thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tình trạng trộm cắp tài sản vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, nhưng tỷ lệ điều tra khám phá án lại tăng cao”.

Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội

(Còn tiếp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tổ chức các điểm bán hàng lưu động: Giúp dân thực hiện giãn cách xã hội

Những ngày gần đây, hiện tượng một số người dân không thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội khi mua sắm đang là vấn đề được quan tâm. Trước thực tế trên, một số DN bán lẻ đã tổ chức mở các điểm bán hàng lưu động không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân mà còn giúp thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống lây nhiễm Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/cong-an-ha-noi-ngan-chan-dau-tranh-quyet-liet-cac-loai-toi-pham-mua-dich-covid19-chu-dong-tran-ap-ngay-tu-dau/850852.antd