Công bố danh sách cán bộ nhờ nâng điểm trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang

14/10/2019 12:03

Kinhte&Xahoi Bị cáo Vũ Trọng Lương khi được HĐXX hỏi bị can đã khai hết danh sách những người nhờ Lương nâng điểm cho con cháu.

Trả lời HĐXX tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Vũ Trọng Lương (nguyên Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) đã khai hết danh sách những người nhờ Lương nâng điểm cho con cháu.

Theo đó, ngoài danh sách Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) chuyển cho bị cáo gồm 93 thí sinh, có một số người thân, bạn bè nhờ Lương nâng điểm cho con em và Lương đã thực hiện nâng điểm cho 14 thí sinh.

Bị cáo Vũ Trọng Lương đến tòa.

Lương đã qua mặt Hoài để nâng điểm cho 14 thí sinh. Theo khai báo của Vũ Trọng Lương, 14 thí sinh này được các phụ huynh đến tận nhà hoặc gửi tin nhắn nhờ vả Lương.

Danh sách này gồm: Hoàng Thị Hồng Nhẫn, công tác tại Công an tỉnh Hà Giang; Bùi Văn Thuyết, công tác tại Công ty In Hà Giang; Nguyễn Mạnh Tuấn, công tác tại Trường THPT Vị Xuyên; Nguyễn Thanh Cảnh, Hiệu phó Trường THCS và THPT xã Ninh Hồ, Vị Xuyên; Trần Bách Tùng, Trường THPT Mèo Vạc (nhờ hai thí sinh); Trần Duy Ninh, công tác tại Trường THPT (nhờ 5 trường hợp); Tống Thị Phương, cán bộ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang đã nghỉ hưu; Tống Văn Lợi, Giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp tỉnh Hà Giang.

“Những người này chỉ nhờ bị cáo giúp đỡ nâng điểm cho con, cháu của họ chứ không có thỏa thuận cho bị cáo bất cứ thứ gì” – Vũ Trọng Lương nói.

Tại tòa, bị cáo khai trong Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang không có ai nhờ bị cáo nâng điểm. Tuy nhiên, HĐXX nhắc lại lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra.

Theo đó bị cáo đã “tự” giúp đỡ cho 3 đồng nghiệp tại Sở GS&ĐT (gồm: Nguyễn Thị Kim Tuyến, La Thị Quý Chinh, Phí Thị Phú), nhưng sau đó bị cáo phát hiện thí sinh con của 3 đồng nghiệp này đều đã có trong danh sách do Hoài gửi.

HĐXX phiên tòa sơ thẩm vụ án gian lận thi cử THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang.

Tại tòa, Vũ Trọng Lương khai quá trình phạm tội của mình, sự việc xảy ra đầu tháng 5/2018, Hoài gọi Lương sang phòng và nói trong kỳ thi tới cần xử lý nâng điểm một số “trường hợp đặc biệt”.

“Tôi nói anh Hoài cần xem phần mềm của Bộ GD&ĐT thế nào đã. Sau đó tôi nói với anh Hoài có khả năng xử lý được vì Bộ chỉ yêu cầu gửi file exel”.

Theo lời khai của Lương, đầu tháng 6/2018, Hoài gọi Lương sang phòng và chỉ cho Lương danh sách những thí sinh cần nâng điểm và đưa cho Lương USB có danh sách thí sinh.

Lương copy nội dung ra máy tính và tạo ra một file exel riêng, tiếp sau đó Hoài gửi hai lần, qua tin nhắn và email danh sách thí sinh cần nâng điểm.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án các môn thi, Lương đã tải về và thực hiện nâng điểm. Trong quá trình chấm thi, Lương copy đáp án chuẩn bị sẵn và dán vào file bài làm của từng thí sinh trong file exel.

Sáng 7/7/2018, Hoài gọi điện bảo Lương tới chở về nhà, trên đường đi Hoài nói “ngày mai chú đi cùng anh Khuông (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT)  trả bài về Bộ”.

“Tôi nói với anh Hoài cần phải sửa chữa bài thi cho khớp, anh Hoài đồng ý và đưa tôi chìa khóa phòng chứa bài thi trắc nghiệm và chìa khóa phòng chứa túi đựng bài thi.

Trưa hôm đó, tôi vận chuyển bài thi về Sở GD&ĐT và thực hiện tẩy, sửa đáp án trên bài thi của thí sinh cho khớp. Việc sửa điểm chỉ khoảng 2 giây/thí sinh”.

Lương khai, tại kỳ thi này, bị cáo là Thư ký hội đồng thi, kỹ thuật viên xử lý bài thi trắc nghiệm. Nhiệm vụ, công việc của bị cáo là thực hiện nhiệm vụ của Ban thư ký hội đồng thi, bị cáo có tham gia chấm thi.

Tại kỳ thi này, thí sinh phải dự 4 bài thi, các thí sinh phải thi bắt buộc các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Hai bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.

“Sự việc nâng điểm cho các thí sinh thì anh Hoài là người khởi xướng. Vì anh ấy nói cần phải nâng điểm cho một số trường hợp đặc biệt, cũng chính anh ấy chuyển cho bị cáo danh sách các thí sinh cần nâng điểm”, Vũ Trọng Lương khai.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: "Loạn" mỹ phẩm không tem nhãn tại chuỗi cửa hàng Coco Shop, Skin House

Coco Shop, Skin House đều là những hệ thống cung cấp mỹ phẩm được giới trẻ ưa chuộng tại Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm được bày bán tại hệ thống các cửa hàng mỹ phẩm nhập khẩu này lại không có tem nhãn phụ bằng Tiếng Việt theo quy định pháp luật. Liệu phải chăng những sản phẩm này đang có sự “mập mờ” về chất lượng, “nói dối” người tiêu dùng?

Nguồn: Pháp luật Plus