Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Định sử dụng nước "chui" 2 hồ Định Bình và Văn Phong

06/11/2018 08:39

Kinhte&Xahoi Thông tin này được Thanh tra Bộ TN&MT kết luận rõ trong nhiều văn bản gần đây.

Quen sử dụng nước "chùa"

Theo đó, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã có Thông báo Kết quả kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra số 1881/KL-BTNMT ngày 19/4/2017 đối với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, là đơn vị quản lý, vận hành hồ Định Bình và hồ Văn Phong về việc thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh.

Hồ chứa nước Định Bình. Ảnh Vũ Đình Thung.

Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định (sau đây gọi là Công ty) đã tổ chức thực hiện khắc phục các tồn tại nêu trong Kết luận thanh tra, cụ thể:

Công ty đã vận hành, điều tiết đảm bảo mực nước hồ không cao hơn mực nước cao nhất trước lũ trong mùa lũ năm 2017. Vào những thời điểm tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Công ty đã thực hiện báo cáo và điều tiết, vận hành hồ chứa theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định...

Mùa cạn năm 2016 - 2017, Công ty đã vận hành xả nước về hạ du với lưu lượng trung bình ngày đảm bảo theo quy định tại Điều 16 của Quy trình.

Trong mùa cạn năm 2016 - 2017, có nhiều thời gian mực nước hồ Văn Phong nhỏ hơn mực nước 24,8m, tuy nhiên lưu lượng xả về hạ du đập vẫn đảm bảo theo quy định tại Điều 16 của Quy trình (đảm bảo duy trì liên tục qua đập Văn Phong về hạ du sông Kôn với lưu lượng 25,0 m3/s đối với thời kỳ sử dụng nước gia tăng và 8,0 m3/s đối với thời kỳ sử dụng nước bình thường).

Về việc chưa được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, Công ty đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định xin phê duyệt Kế hoạch lập hồ sơ xin cấp phép khai thác nước mặt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có kế hoạch và kinh phí thực hiện lập hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác nước mặt đối với hồ Định Bình và hồ Vân Phong.

UBND tỉnh Bình Định đã ra Quyết định số 2021/QĐ-UBND ngày 6/6/2017 về việc phê duyệt dự toán đặt hàng mua sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2017 của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định. Trong Quyết định này có ghi hạng mục kinh phí lập hồ sơ để cấp phép khai thác nước mặt các hồ chứa. Công ty đang triển khai công tác lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt.

Năm 2017, Công ty này bị Đoàn Thanh tra phạt gần 290 triệu đồng. Xét thấy Công ty đang khó khăn, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi Bộ TN-MT xin cho Cty tạm hoãn bị xử phạt.

Tuy nhiên Bộ TN-MT không đồng ý, vậy là vào cuối năm 2017, Công ty này Bình Định phải nộp phạt 290 triệu đồng cho Thanh tra Bộ TN-MT.

Kho bạc Nhà nước quận Cầu Giấy thành phố Hà Nội  đã xác nhận nhận được tổng số tiền là 290.000.000 đồng theo Quyết định số 33/QĐ- XPVPHC ngày 05 tháng 8 năm 2016 về xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường tại ủy nhiệm chi ngày 14 tháng 6 năm 2017.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, Bộ TN&MT yêu cầu Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định thực hiện một số nội dung như sau: Khẩn trương hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt đối với các công trình hồ Định Bình và hồ Văn Phong; Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện nghiêm Quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ ban hành; Trong trường hợp việc vận hành không đảm bảo theo quy định, Công ty cần đề xuất phương án, báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và Bộ Tài nguyên và Môi trường để chỉ đạo.

Khốn đốn

Trả lời những nội dung này trên báo Nông nghiệp, những khoản phí lập hồ sơ xin cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt các công trình đã khiến Cty TNHH KTCTTL Bình Định khốn đốn. Bởi lẽ, theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc thì Cty này đang quản lý 15 hồ chứa nước, trong đó có 5 hồ có dung tích lớn như: Hồ Định Bình, hồ Núi Một, hồ Hội Sơn, hồ Thuận Ninh và hồ Vạn Hội, phí để lập hồ sơ cho các hồ này khoảng 500 triệu đồng/hồ; 10 hồ nhỏ còn lại phí lập hồ sơ từ 250 - 300 triệu đồng/hồ.

Nếu lập hồ sơ đầy đủ cho các hồ nói trên, Cty phải chi ra khoản tiền là 6 tỷ đồng. “Với khoản tiền này, Cty có thể thực hiện xây dựng nhiều tuyến kênh mương; duy tu, bảo dưỡng nhiều hạng mục các công trình thủy lợi đang bị hư hỏng. Trong năm 2018 này, tổng kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình của Cty cũng chỉ có 6 tỷ đồng”, ông Phú thông tin.

Ở Bình Định, trừ hồ Định Bình và đập dâng Văn Phong là 2 công trình mới, còn lại toàn bộ là công trình cũ, cả 150 hồ nhỏ do địa phương quản lý. Nếu bây giờ buộc hồ chứa có lưu lượng nước lấy từ 100 lít/giây trở lên phải được cấp phép thì khoản phí làm hồ sơ cho các công trình ở Bình Định phải đến mấy chục tỷ đồng.

“Các đơn vị thủy nông hầu hết rất khó khăn, tôi thiết tha đề nghị Chính phủ, Bộ TN-MT xem xét lại những bất cập trong việc lập hồ sơ xin cấp phép cho các công trình hồ chứa, để các đơn vị thủy nông giảm bớt khó khăn. Trước nay, tiền cấp bù thủy lợi phí các Cty thủy nông sử dụng để phục lại nông dân, bây giờ dùng tiền này để lập hồ sơ cấp phép cho các hồ chứa thì các đơn vị thủy nông mất đi khoản lớn kinh phí để tu sửa công trình hư hỏng, dẫn đến mất an toàn hồ đập, dẫn đến sự cố đáng tiếc cho người dân vùng hạ lưu”, ông Nguyễn Văn Phú tha thiết yêu cầu.

 

Theo Phapluatplus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thêm 1 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn phụ

Thời gian gần đây, tòa soạn nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng hệ thống mỹ phẩm Cheapie Market bày bán các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nhưng trên bao bì, vỏ sản phẩm không hề có tem nhãn phụ tiếng Việt. Người tiêu dùng đang hoài nghi về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm tại đây.