Công ty TNHH Cơ khí ô tô Đức Hòa chậm đóng bảo hiểm, bị xử phạt 150 triệu đồng

09/01/2019 09:42

Kinhte&Xahoi Do chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT, Công ty TNHH Cơ khí ô tô Đức Hòa đã bị UBND tỉnh Hưng Yên xử phạt là 150.000.000 đồng.

Mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành quyết định số: 3033/QĐ-UBND. Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Cơ khí ô tô Đức Hòa.

Ảnh Công ty TNHH Cơ khí ô tô Đức Hòa. (Nguồn: baobaohiemxahoi.vn).

 

Được biết, Công ty TNHH Cơ khí ô tô Đức Hòa có địa chỉ tại thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của công ty là sản xuất lọc dầu, lọc gió, lọc nhiên liệu ô tô, máy công trình, công nghiệp. Tổng giám đốc là ông Phạm Vũ Đức.

Theo đó, Công ty TNHH Cơ khí ô tô Đức Hòa đã chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động đến ngày 31/10/2018 với số tiền là 970.074.683 đồng.

Website Công ty TNHH Cơ khí ô tô Đức Hòa.

 

Hành vi này của công ty đã vi phạm  Điểm a, Khoản 2, Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng. Mức phạt tiền đối với hành vi này từ 12-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.

Với hành vi phạm nêu trên, Công ty TNHH Cơ khí ô tô Đức Hòa bị áp dụng hình thức phạt tiền với mức xử phạt là 150.000.000 đồng (Một trăm năm mươi triệu đồng).

Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên yêu cầu Công ty chuyển số tiền phải đóng, số tiền lãi BHXH, BHTN, BHYT tính đến hết tháng 11/2018 là 1.545.694.571 đồng, trong đó tiền lãi 557.438.088 đồng vào tài khoản thu của BHXH huyện Văn Lâm theo quy định.

Theo quy định Điều 216 Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động:

Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định sẽ bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định tùy vào mức độ vi phạm. 

 

Theo Phapluatplus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vụ 14.000 mỹ phẩm, TPCN không rõ nguồn gốc: 12 tháng rồi còn phải chờ đến bao giờ?

Vụ bắt giữ hơn 14.000 mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là hàng giả và giả mạo nguồn gốc xuất xứ được đánh giá có dấu hiệu hình sự. Sự việc đã kéo dài hơn 1 năm nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Cơ quan quản lý thị trường đốc thúc, báo chí liên tục phản ánh. Nhưng cơ quan công an và Viện kiểm sát vẫn chưa công bố kết quả xử lý cuối cùng của vụ việc.