Cuộc chiến chống Covid-19: Lịch sử sẽ ghi nhận những cống hiến của các "Chiến sĩ áo trắng"

07/04/2020 15:56

Kinhte&Xahoi Ngành Y với đội ngũ các y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế đang giữ vai vai trò nòng cốt, xung kích đi đầu và đối mặt với hiểm nguy, vô cùng gian khó, ngày đêm bảo vệ tính mạng cho đồng bào.

Dân tộc Việt Nam trải qua mấy ngàn năm lịch sử đã tích lũy được rất nhiều tri thức và kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực, trong đó có nhứng tri thức bảo vệ sức khỏe, duy trì phát triển nòi giống và đã sản sinh ra nhiều danh Y nổi tiếng. 

Tiêu biểu nhất cho các danh Y trong lịch sử dân tộc là 2 đại danh Y: Tuệ Tĩnh (thế kỷ XIII) và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (thế kỷ XVIII). Các danh y đã để lại cho hậu thế một khối lượng tri thức phong phú về Y lý, Y đức, Y thuật và những bài thuốc quý.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh xá Vân Đình, Hà Tây (Hà Nội ngày nay), tháng 4/1963

Ở bất kỳ thời kỳ nào, nghề Y luôn là nghề cao quý được xã hội coi trọng, tôn vinh. Hơn 200 năm trước, đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã từng nói: “Suy nghĩ sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người, sống chết trong tay mình nắm, phúc họa do một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng!”

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng tới một chủ nghĩa nhân văn cao cả và trong sáng. Điều đó đã trở thành hoài bão, là mục tiêu và động lực đấu tranh kiên cường và bất khuất của Người. Mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và đi đến giải phóng triệt để con người.  Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng con người là gốc của mọi công việc.

Mối quan tâm lớn nhất xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề con người và sự phát triển con người một cách toàn diện, trong đó xem sức khỏe là vốn quý nhất. Người đưa ra những tư tưởng, quan điểm về sức khỏe, về xây dựng và phát triển ngành Y tế Việt Nam, trong đó người đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội ngũ các y bác sĩ, thầy thuốc.

Trong nội dung bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ y tế ngày 27/2/1955, Bác viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác giao cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương Y phải như từ mẫu”.

Chính phủ họp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19    

Hôm nay, khi mà cả thế giới đang phải gồng mình đối phó với đại dịch Covid-19, được coi là đại dịch gây ra khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Đại chiến thế giới thứ II đến nay với trên 1 triệu người nhiễm bệnh, hơn 7 vạn người tử vong, dịch bệnh đã lan rộng tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếp tục còn diễn biến phức tạp khó lường. Việt Nam chúng ta là một trong số nước phát hiện hiện dịch bệnh sớm, sau Trung Quốc là nước phát hiện dịch bệnh bùng phát đầu tiên.

Như bao cuộc chiến trong lịch sử đấu tranh vệ quốc oanh liệt, hào hùng của dân tộc ta, toàn dân cùng một ý chí, đoàn kết một lòng coi "Chống dịch như chống giặc" nhưng một điều đặc biệt khác với các cuộc chiến trong lịch sử là trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu này, Ngành Y với đội ngũ các y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế đang giữ vai vai trò nòng cốt, xung kích đi đầu và đối mặt với hiểm nguy, vô cùng gian khó, ngày đêm bảo vệ tính mạng cho đồng bào.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường từng ngày, từng giờ. Ngành Y đã phải thực hiện cùng một lúc đồng bộ nhiều nhiệm vụ, nhiều giải pháp, là nòng cốt tham mưu cho Đảng, Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo đất nước trước dịch bệnh.

Cũng không khác gì các cuộc chiến chống giặc ngoại sâm trước đây, bao gia đình các y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế gác lại cuộc sống thường nhật, họ phải tạm rời xa gia đình, người thân yêu để chiến đấu với đại dịch, nhiều y bác sĩ không thể có một "nụ hôn" với đứa con thơ hay ở bên cạnh chăm sóc cha mẹ già đang trọng bệnh.

Tất cả vì cuộc chiến với đại dịch vì sự an toàn tính mạng cho hơn 90 triệu người dân. Nhiều bài thơ, ca khúc, bức thư,…đã được viết lên những hoàn cảnh đầy cảm xúc đó, khiến bao người rơi nước mắt,... Nguy hiểm là vậy, gian khó là vậy nhưng những chiến sĩ mặc áo Blouse trắng của dân tộc Việt Nam anh hùng, những chiến sĩ ở tuyến đầu của trận chiến vẫn luôn nêu cao ý trí, bản lĩnh, kiên cường, ngày đêm động viên, chăm sóc, bảo vệ tính mạng của bệnh nhân và đồng bào cả nước.

Trong số các bệnh nhân có cả những người mang quốc tịch các nước nhưng với tinh thần, trách nhiệm quốc tế cao cả, chúng ta không phân biệt mà đều coi là bệnh nhân, là bạn của chúng ta, cần phải được chăm sóc, phục vụ, chữa trị, đặt nhiệm vụ chữa bệnh cứu người lên trên hết.

Mấy ngày qua cả nước hướng về Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, mong mỏi chông chờ từng tin có được từ bệnh viện. Mỗi một thông tin bệnh nhân nhiễm virus SARS-COV2 khỏi bệnh, xuất viện là niềm vui của người dân cả nước lại vỡ òa. Đó là những món quà tinh thần vô giá mà ngành y tế, các y bác sĩ dành cho Tổ quốc và nhân dân mình.

Bệnh viện Bạch Mai sau những ngày tháng vượt qua bom đạn của chiến tranh, đến nay gần nửa thế kỷ, trước đại dịch toàn cầu này, lần thứ 2 trong lịch sử tưởng rằng bệnh viện mất đi cơ hội chăm sóc sức khỏe cho đồng bào mình, nhưng không, ý chí kiên cường trong lịch sử vẫn được duy trì và phát huy cho đến ngày nay, khu bệnh viện giã chiến đã được dựng lên để ứng phó ngay trong mảnh đất lịch sử đó. Đội ngũ lãnh đạo, y bác sĩ bệnh viện như giữ nguyên hào khí của những năm bom đạn chiến tranh, họ vẫn tự tin, đoàn kết, vững vàng đối phó với dịch bệnh.

Bệnh viện Bạch Mai được quân đội hỗ trợ xây dựng trong đêm.

Mặc dù chính phủ quy định cách ly xã hội, hạn chế tiếp xúc cộng đồng nhưng người dân cả nước không kiềm chế được cảm xúc trước gian khó, hy sinh của các y bác sĩ, cán bộ nhân viên ngành y, mọi người đã không ngại nguy hiểm đến tận bệnh viện để chia sẻ, động viên, đóng góp nhu yếu phẩm đầy tình nghĩa của mình cho các cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện.

Bệnh nhân nhiễm virus Sars-nCov2 điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khỏi bệnh.

Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, toàn dân đã chấp hành, ủng hộ công tác phòng chống dịch, bước đầu đã thu được những kết quả tích cực.

Tổ chức y tế thế giới WHO và dư luận quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, khẳng định Việt Nam đã xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Có được kết quả như vậy, phải kể đến sự nỗ lực của ngành y, tinh thần quyết chiến quyết thắng của đội ngũ y bác sĩ. Họ là những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng, với kẻ thù vô hình nhưng đầy hiểm nguy. Lịch sử sẽ ghi nhận tinh thần dung cảm, sự hy sinh cao cả của đội ngũ y bác sĩ, các thầy thuốc trong cuộc chiến chống Đại dịch Covid-19 này.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thịt lợn: Giá ngoài chợ, “giá trên tivi”

Một thực phẩm chiếm tới 70% cơ cấu bữa ăn gia đình, thịt lợn rất cần đưa vào diện bình ổn giá nếu không muốn tránh sốt giá, tránh khủng hoảng. Thực tế đang cho thấy, có sự chênh lệch lớn mà dân gọi là “giá tivi” và giá ngoài chợ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/cuoc-chien-chong-covid-19-lich-su-se-ghi-nhan-nhung-cong-hien-cua-cac-chien-si-ao-trang-d121297.html