Cựu chiến binh gương mẫu xây dựng quê hương

08/04/2020 17:18

Kinhte&Xahoi Không chỉ lập chiến công trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà nay khi tuổi đã cao, nhiều cựu chiến binh trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Hàng chục nghìn cựu chiến binh hăng hái đóng góp công sức, trí tuệ, gương mẫu chung sức cùng con cháu xây dựng quê hương.

Các cựu chiến binh quận Ba Đình tham gia giám sát một khu vực cách ly trên địa bàn.

Những cựu chiến binh trách nhiệm 

Thôn Tân An, xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) là vùng quê thuần nông nhưng những năm gần đây có nhiều mâu thuẫn về đất đai, kinh tế. Chi hội Cựu chiến binh của thôn đã phát huy vai trò hòa giải, giải quyết tận gốc mâu thuẫn trong nhân dân. Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Tân An Nguyễn Năng Lâu cho biết: “Tổ hòa giải luôn bám sát địa bàn nắm tình hình sự việc, gặp gỡ các bên có mâu thuẫn để giải thích, tuyên truyền, vận động. 5 năm trở lại đây, tổ hòa giải của Chi hội Cựu chiến binh thôn Tân An đã hòa giải thành công hơn 10 vụ tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng”.

Với cựu chiến binh Đào Xuân Thiết ở thôn Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) thì thời gian trong quân ngũ càng giúp ông trân trọng giá trị của hòa bình. “Để đường làng chật hẹp, tôi thấy mình không xứng đáng với những đồng đội đã hy sinh. Từ suy nghĩ ấy, gia đình tôi đã hiến cho thôn 18m2 đất... Đoạn đường chật hẹp trước kia được mở rộng, khiến người dân rất phấn khởi.

Đảm nhiệm chức danh Bí thư chi bộ khu dân cư Bằng A, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) nhiều năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Đình Tuất đã vững "tay chèo" để giữ an ninh trật tự của khu dân cư luôn ổn định, không có tệ nạn xã hội, tự giác thực hiện vệ sinh môi trường. “16 năm qua, ông Tuất không chỉ sâu sát với địa bàn dân cư mà còn kiên trì nắm tình hình tư tưởng của đảng viên và nhân dân để kịp thời giải quyết, nên chúng tôi rất tin tưởng và nghe theo”, bà Nguyễn Thị Lời, người dân trong khu dân cư Bằng A bộc bạch.

Cựu chiến binh Đỗ Sâm, phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, đã xuất bản 8 đầu sách có nội dung về những tấm gương anh hùng, liệt sĩ hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tham gia hàng trăm buổi nói chuyện truyền thống tại các trường học trên địa bàn Hà Nội. Với những đóng góp đó, cựu chiến binh Đỗ Sâm được Trung ương Đoàn tặng Huy chương “Vì thế hệ trẻ”. “Thế hệ chúng tôi đã xông pha nơi tuyến đầu trận mạc, nay phải có trách nhiệm truyền lại “ngọn lửa” yêu nước cho lớp trẻ”, cựu chiến binh Đỗ Sâm chia sẻ.

Trong khi đó, thực hiện lời kêu gọi ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, có nhiều cựu chiến binh đã gương mẫu, đi đầu như ông Phạm Minh Thư, chi hội 18, Hội Cựu chiến binh phường Sài Đồng (quận Long Biên) đã ủng hộ 1.500 chiếc khẩu trang cho địa phương chống dịch; cựu chiến binh, thương binh 4/4 Nguyễn Văn Tạ, thôn Bạch Tuyết, xã Hùng Tiến (huyện Mỹ Đức) đã ủng hộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố 1 triệu đồng từ tiền phụ cấp thương tật...

Sẽ tiếp tục cống hiến

Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội có trên 270.000 hội viên, với 865 hội cơ sở, 5.571 chi hội, sinh hoạt ở 55 đầu mối trực thuộc, trong đó có gần 93.000 đảng viên. Hầu hết cán bộ, hội viên cựu chiến binh Thủ đô vẫn giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống “trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới”...


Điển hình như Hội Cựu chiến binh quận Tây Hồ đã chọn cách chung sức xây dựng địa phương bằng mô hình “Tuyến phố cựu chiến binh phối hợp tự quản về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và văn minh đô thị”. Từ mô hình điểm trên phố Trích Sài - Nguyễn Đình Thi tại phường Bưởi và Thụy Khuê, hiện đã nhân rộng ra nhiều tuyến đường trên địa bàn quận. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Tây Hồ Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ: “Trước đây, hằng ngày, hội viên cựu chiến binh đến từng hộ dân, nhà hàng kinh doanh để vận động không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, để xe máy, xe đạp, ô tô đúng nơi quy định... Còn hiện tại, các cựu chiến binh trên địa bàn tiếp tục phát huy vai trò trong việc vận động con cháu, hàng xóm tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo trong phòng, chống dịch Covid-19”.

Căn cứ đặc thù của địa phương, nhiều mô hình khác do cựu chiến binh làm chủ đã ra đời và đang phát huy hiệu quả. Đó là phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới của cựu chiến binh huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm. Đó còn là việc nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gương mẫu thực hiện việc tang, việc cưới của Hội Cựu chiến binh huyện Đông Anh; hội viên hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới ở huyện Sóc Sơn, Đan Phượng, Quốc Oai. Mô hình “Gia đình cựu chiến binh gương mẫu nhận ruộng xa, ruộng xấu để sản xuất” của cựu chiến binh huyện Thạch Thất, Đông Anh…

Đặc biệt, trong thời điểm cả nước chung tay chống dịch Covid-19, Hội Cựu chiến binh quận Ba Đình đã tích cực tham gia vận động, nhắc nhở người dân thực hiện tốt việc cách ly xã hội. Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Ba Đình Trần Xuân Vững, Hội Cựu chiến binh 15 phường trên địa bàn đều thành lập một đội tuyên truyền phản ứng nhanh với 10 thành viên tham gia tuyên truyền tại địa bàn. Ngoài ra, mỗi hội viên cựu chiến binh quận đã tự nguyện đóng góp 5.000 đồng/người để ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nâng tổng số tiền ủng hộ là 55 triệu đồng.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội Phùng Đình Thảo cho biết, cùng với các mô hình, việc làm tiêu biểu của cựu chiến binh nêu trên, thành phố hiện có 11.871 cựu chiến binh được bầu vào cấp ủy các cấp; gần 43.000 đồng chí đang tham gia công tác trong hệ thống chính trị của thành phố cùng hàng nghìn hội viên giữ các cương vị chủ chốt ở cơ quan, đơn vị, nhà trường. Điều đó đã khẳng định sự tin tưởng của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân với các cựu chiến binh. Với kinh nghiệm, uy tín, trách nhiệm, cựu chiến binh các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tiếp tục tham gia tích cực công tác phòng, chống dịch Covid-19; tham gia chuẩn bị, tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và phát triển kinh tế gia đình, địa phương...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sản xuất, tiêu thụ nông sản thời Covid-19: Cơ hội đẩy mạnh mối liên kết

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp thì vai trò hợp tác xã, doanh nghiệp trong liên kết tiêu thụ hàng hóa, trợ giúp người nông dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc này đang được các đơn vị liên quan đẩy mạnh qua nhiều kênh khác nhau để đồng hành với nông dân, bảo đảm ổn định sản xuất trong tình hình hiện nay.

Thịt lợn: Giá ngoài chợ, “giá trên tivi”

Một thực phẩm chiếm tới 70% cơ cấu bữa ăn gia đình, thịt lợn rất cần đưa vào diện bình ổn giá nếu không muốn tránh sốt giá, tránh khủng hoảng. Thực tế đang cho thấy, có sự chênh lệch lớn mà dân gọi là “giá tivi” và giá ngoài chợ.

Link bài gốc http://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nguoi-ha-noi/822518/cuu-chien-binh-guong-mau-xay-dung-que-huong