Đã có 20 trường hợp mắc bạch hầu, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống

03/07/2020 16:00

Kinhte&Xahoi Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, ngày 2-7, Bộ Y tế đã có Công điện số 3592/CĐ-BYT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và tiếp nhận điều trị bệnh nhân bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông đến Sở Y tế các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước.

Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan.

 

Theo đó, từ đầu tháng 6-2020 đến nay, trên địa bàn khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 20 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 trường hợp (tại huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong, trong đó có 1 trường hợp tử vong) và tại tỉnh Kon Tum 8 trường hợp.

Để hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu, đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.

Mặt khác, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cũng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe trong cơ sở khám, chữa bệnh và trong cộng đồng để người dân hiểu và chủ động phòng, chống dịch bạch hầu; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu để chuẩn bị tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng.

Trong trường hợp cần hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, phương tiện, vật tư, thuốc điều trị bệnh bạch hầu, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông có văn bản báo cáo kịp thời về Bộ Y tế.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tiếp nhận, điều trị người bệnh bạch hầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tỉnh Đắk Nông chuyển đến theo đúng quy định về thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm B, như tiếp nhận và xử lý điều trị cấp cứu.

 Thu Trang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng

Hà Nội có nhiều nông sản mang đặc trưng vùng, miền đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được thành phố xếp hạng theo từng mức sao. Thế nhưng việc thực hiện mục tiêu kép - đưa sản phẩm OCOP ra thị trường nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người sản xuất và giúp người tiêu dùng tiếp cận với những sản phẩm chất lượng cao vẫn là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/da-co-20-truong-hop-mac-bach-hau-bo-y-te-yeu-cau-tang-cuong-phong-chong-d128589.html