Dầu gội Akiwa đang bán trên thị trường là thật hay giả?

09/11/2021 09:22

Kinhte&Xahoi Khách hàng cho rằng họ đã bị lừa khi mua sản phẩm Dầu gội phủ bạc Akiwa Nhật Bản qua một số website có dấu hiệu giả mạo.

Thời gian gần đây, Pháp luật Plus liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc sau khi mua sản phẩm Dầu gội phủ bạc Akiwa Nhật Bản qua một số website có dấu hiệu giả mạo, khiến họ lo lắng, bất an.

Sự thật về dầu gội phủ bạc Akiwa

Akiwa là sản phẩm dầu gội được nhiều website quảng cáo là có tính chất phủ bạc, nguồn gốc sản xuất từ Nhật Bản. Tuy nhiên, theo xác nhận của Sở Y tế Long An và Sở Y tế Hà Nội, dù chưa được cấp số công bố, thế nhưng nhiều website vẫn đang đăng tải về việc phân phối sản phẩm dầu gội phủ bạc Akiwa ở thị trường Việt Nam.

Nhiều hình ảnh được cho là các nghệ sỹ nổi tiếng đang quảng cáo Dầu gội phủ bạc Akiwa.

Đây là một số website quảng cáo dầu gội phủ bạc Akiwa mà bạn đọc phản ánh tới Pháp luật Plus có dấu hiệu giả mạo: https://daugoiphubacakiwa.com/product/nuoc-hoa-co-be-ann-secret-back/; https://www.daugoidenakiwa.com/; https://medayroi.com/dau-goi-phu-bac-akiwa/; https://www.daugoiakiwa.space/

Sản phẩm dầu gội phủ bạc Akiwa do Công ty TNHH Dược mỹ phẩm SMARD (thôn Song khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, Việt Nam) là đơn vị sản xuất.

Công ty TNHH Thương mại CGS Việt Nam (số 21, Phố Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, Việt Nam) là đơn vị phân phối do ông Nguyễn Văn Khánh làm đại diện pháp luật. Tuy nhiên, theo địa chỉ đăng ký và giới thiệu trên website phóng viên tìm đến người bảo vệ tại đây cho biết: "Không có công ty nào tên là CGS…”. Phóng viên liên hệ số điện thoại đăng ký của Công ty này nhiều lần nhưng không liên lạc được.

Tại một website khác thông tin sản phẩm, “Dầu gội AKIWA được Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Việt Nhật chịu trách nhiệm phân phối và đảm bảo chất lượng. Địa chỉ công ty tại: Trung tâm hành chính xã Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội".  Công ty Việt Nhật có Văn phòng đại diện tại tầng 4, toà nhà An Bình City - 232 Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm - Hà Nội. Thông tin sản phẩm “Dầu gội Akiwa sản xuất và nhập khẩu từ Nhật Bản. Dầu gội Akiwa đã được cấp phép đại lý ủy quyền tại Việt Nam và được bộ y tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm 1OO% thiên nhiên…”.

Theo quy định Luật hiện hành, đối với mỹ phẩm nhập khẩu hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm phải do Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cấp, thế nhưng website này lại vô tư đăng tải bản Công bố do Sở Y tế tỉnh Long An cấp.

Liên quan đến số công bố sản phẩm trên, PV Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi nhanh với đại diện Phòng Nghiệp vụ - Sở Y tế tỉnh Long An thông tin: “Hồ sơ lưu CBMP (công bố mỹ phẩm) tại Sở Y tế Long An số Công bố 0864/20/CBMP-LA  cấp ngày 10/6/2020 được cấp cho nhãn hàng A Cosmetics của Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Mỹ phẩm Phương Anh”.

Trả lời về việc có chung số Công bố, đại diện Công ty Mỹ phẩm Phương Anh là đơn vị bị làm giả số Công bố, Phóng viên được biết: “Số Công bố nêu trên công ty đã hủy rồi, công ty hiện không sản xuất và không bán sản phẩm ra ngoài thị trường nữa. Việc bên khác làm giả số Công bố của Công ty Mỹ phẩm Phương Anh không thể tránh khỏi, người ta ở trong tối mình ngoài sáng thì không thể biết được …”.

Như vậy, nhằm tạo dựng lòng tin khách hàng dòng sản phẩm dầu gội nhập khẩu Akiwa đang được hai công ty giả mạo số Công bố để nhằm trục lợi. Việc này đã gây không ít ảnh hưởng tới thương hiệu của chính công ty bị làm giả số Công bố đồng thời tạo nên tiền lệ kinh doanh hàng lậu, hàng giả hàng không rõ nguồn gốc và cạnh tranh không lành mạnh trong cùng một lĩnh vực.

Số Công bố của Công ty Mỹ phẩm Phương Anh bị làm giả. 

Ngạc nhiên hơn, tại địa chỉ https://www.daugoiakiwa.space/ một đại lý ủy quyền của (Công ty Việt Nhật) tại Long Biên - Hà Nội lại thông tin giấy phép công bố của sản phẩm dầu gội Akiwa 8988/2018/ĐKSP. Thông tin với Pháp luật Plus, đại diện Sở Y tế Hà Nội nhận định: “Sản phẩm Akiwa không có trên hệ thống của sở Y tế Hà Nội đồng nghĩa với số Công bố 8988/2018/ĐKSP không phải của đơn vị này và không phải của đơn vị nào".

Mập mờ chất lượng sản phẩm

Nhiều khách hàng đã tin tưởng đặt mua sản phẩm tại những trang website này do xem những thông tin, video của người nổi tiếng, được cho là NS Công Lý; NSUT Kim Xuân quảng cáo đang sử dụng sản phẩm dầu gội phủ bạc Akiwa kèm dòng chữ “đã đăng ký Bộ Công Thương” dưới chân trang website đã nêu.

Trái ngược với sự nhiệt tình trước khi mua hàng, một bạn đọc dấu tên phản ánh, do lo ngại về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm khi ngoài bao bì dầu gội Akiwa anh nhận được lại không ghi thông tin nhà sản xuất, ngày sản xuất và hạn dùng. Anh đã liên hệ tới nơi bán để hỏi về giấy tờ lưu hành ra thị trường của mặt hàng này được người bán trả lời “check mã vạch ở ngoài bao bì” và chặn liên lạc khách hàng.

Chị N.H.H một khách hàng bức xúc kể lại, trước khi mua chị liên hệ tới các website bán hàng trên để hỏi thông tin sản phẩm và được nhân viên tư vấn cho biết “dầu gội Akiwa đã bán được 2 năm nay, khách hàng mua đếm không xuể”, thế nhưng khi chị H hỏi tới sản phẩm đã có số đăng ký chưa hay nhập trực tiếp người bán hàng trả lời một cách bất cần, đồng thời thách thức và chối bỏ sản phẩm kèm theo số hotline đã liên hệ không phải của cơ sở và chặn liên lạc.

Giả số Công bố và giả logo Bộ Công thương và dùng hình ảnh người nổi tiếng lừa gạt khách hàng.

Nhằm khách quan thông tin, phóng viên (PV) Pháp luật Plus trong vai khách hàng có nhu cầu nhập dầu gội AKIWA phân phối cho các salon tóc liên hệ tới Văn phòng đại diện Công ty TNHH Thương mại CGS Việt Nam, một người tên Việt tư vấn thăm dò nhu cầu khách hàng đồng thời cho biết: Công ty đã có giấy tờ pháp lý đầy đủ, đăng ký thương hiệu độc quyền và phân phối sản phẩm Akiwa hơn 2 năm nay, sản phẩm chất lượng nên được khách hàng đặt mua lại rất nhiều.

Đồng thời, người này hứa hẹn gửi giấy tờ pháp lý qua zalo cho khách xem trước khi qua văn phòng gặp gỡ thỏa thuận hợp tác. Sau nhiều lần liên hệ người này chỉ “chốt bao nhiêu chai…” và tiếp tục hứa hẹn sẽ gửi giấy tờ sản phẩm Akiwa.

Nhiều khách hàng tố cáo họ bị chặn liên hệ sau khi mua hàng tại một số website nêu trên. 

Theo đại diện Phòng Nghiệp vụ - Sở Y tế tỉnh Long An cho biết: Sản phẩm Mỹ phẩm do công ty tự Công bố và chịu trách nhiệm khi đưa sản phẩm ra thị trường. Vì vậy, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác hậu kiểm, đối với các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm cần có đầy đủ hồ sơ Công bố sản phẩm mỹ phẩm và phiếu Kiểm nghiệm trước đưa sản phẩm ra thị trường.

Qua đây, Sở Y tế tỉnh Long An khuyến cáo người dân khi mua mỹ phẩm cần yêu cầu cơ sở kinh doanh cung cấp thông tin hồ sơ Công bố, phiếu kiểm nghiệm và hóa đơn chứng từ của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối hợp pháp tránh tình trạng "tiền mất tật mang".

Từ sự việc trên rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin tránh gây hoang mang dư luận, thiệt hại cho nhiều người tiêu dùng và ảnh hưởng tới sự phát triển của nhiều doanh nghiệp.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Xuân Thành - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt

Thời gian qua, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhằm nâng cao hiệu quả triển khai cuộc vận động, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26-10-2021 về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/y-te/dau-goi-akiwa-dang-ban-tren-thi-truong-la-that-hay-gia-d169765.html?fbclid=IwAR1uTMcnPHIe2JdmeKKwVqAdqcV19FgaczGG2Nn-xrUb7CCv1MLXpquLdYg