Công cụ hữu hiệu để bảo hộ các đặc sản, nông sản chủ lực
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, lại đẩy mạnh bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong những năm gần đây. Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, việc phát triển chỉ dẫn địa lý còn là một chiến lược hiệu quả để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần chống gian lận thương mại, bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng.
Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị, danh tiếng của vải thiều đối với người tiêu dùng Nhật Bản.
Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đinh Hữu Phí, khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giá trị và uy tín của nhiều sản phẩm gia tăng đáng kể. Ví dụ mật ong bạc hà Mèo Vạc sau khi bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, quảng bá sản phẩm đã tăng giá gần gấp đôi. Tương tự, nước mắm Phú Quốc tăng giá từ 30-50%, bưởi Phúc Trạch tăng từ 30-35%, cam Vinh tăng hơn 50% sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý... Một số sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý cũng đã được xuất khẩu, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài như: Thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn...
Cũng theo ông Phí, một số địa phương có chỉ dẫn địa lý như Bình Thuận (thanh long), Tân Cương (chè shan tuyết), Phú Quốc (nước mắm)... đều thu hút một bộ phận lao động quan trọng trong vùng, giúp giảm di dân và góp phần bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, làng nghề nước mắm của Phú Quốc thu hút hơn 100 doanh nghiệp tham gia và tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Thanh long Bình Thuận tạo việc làm cho gần 200 tổ hợp tác và hơn 4.600 hộ nông dân…
“Đây là động lực cho người nông dân thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô thương mại. Do vậy, chỉ dẫn địa lý là một công cụ hữu hiệu để bảo hộ các đặc sản, nông sản chủ lực của nước ta”, ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, nhiều sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống của Hà Nội sau khi được bảo hộ có giá trị gia tăng và nhận được sự quan tâm của các đối tác nước ngoài như: Mây tre đan Phú Nghĩa; sản phẩm sơn mài Hạ Thái - Duyên Thái; tranh thêu tay Thường Tín; giày da Phú Yên - Phú Xuyên; nhãn chín muộn Quốc Oai; chuối Vân Nam…
Nhờ đó, đã thay đổi được nhận thức của người dân về canh tác, sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hỗ trợ hình thành và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, HTX, Hội làng nghề gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia trong xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm... Hiện Hà Nội có 2 sản phẩm đang được thẩm định bảo hộ chỉ dẫn địa lý là Gà mía Sơn Tây và Bưởi đường La Tinh - Hoài Đức. Dự kiến năm 2024 sẽ tiếp tục hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai.
Tăng cường cơ chế kiểm soát
Việc đăng ký để cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã khó, nhưng việc quản lý, sử dụng hiệu quả để mang lại giá trị gia tăng cho các chủ thể liên quan còn là việc quan trọng hơn. Hiện nước ta đã có hơn 100 chỉ dẫn địa lý, tuy nhiên hiệu quả mang lại còn hạn chế do nhiều nguyên nhân.
Theo TS. Bùi Thị Hằng Nga (Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), chúng ta đang thiếu cơ chế kiểm soát chất lượng chặt chẽ, rõ ràng. Việc kiểm soát các sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý không được quy định cụ thể trong luật nên hầu hết các chủ thể có nhu cầu sử dụng chỉ dẫn địa lý chỉ tập trung vào việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ mà không xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm bên ngoài, kể cả công cụ truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, khi sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý ra khỏi nơi sản xuất thì việc kiểm soát gần như đã chấm dứt. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Sau nhiều năm phát triển, đến nay Việt Nam đã xây dựng được Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia, tạo chỉ dấu tiền đề để thực hiện các giải pháp truyền thông cho các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, biểu trưng này hiện chưa được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế, chưa được đưa vào khai thác và quản lý.
Theo TS. Bùi Kim Đồng (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), việc thiếu biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia dẫn đến những khó khăn trong quảng bá, giới thiệu về chỉ dẫn địa lý, khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong nhận diện các sản phẩm được bảo hộ, các cơ quan nhà nước gặp khó khăn trong việc kiểm soát dấu hiệu, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Các chuyên gia khuyến nghị, bên cạnh việc thường xuyên nâng cao nhận thức, giúp người sản xuất và tiêu dùng thấy rõ lợi ích của chỉ dẫn địa lý, phải tăng cường cơ chế kiểm soát nội bộ kết hợp với bên ngoài; thực hiện kế hoạch đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia của Việt Nam. “Để Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia mới được xây dựng thực sự trở thành công cụ hữu hiệu góp phần vào hoạt động quản lý và quảng bá các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, chúng ta phải có quy chế quản lý, sử dụng biểu trưng này, đồng thời tăng cường quảng bá giúp cho người tiêu dùng biết đến nhiều hơn” - TS Bùi Kim Đồng nhấn mạnh.
Thu Hằng - Hà Nội mới