Để thầy thuốc yên tâm cống hiến

28/02/2022 07:49

Kinhte&Xahoi Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều mặt đến đội ngũ y, bác sĩ, nhất là những người trực tiếp tham gia chống dịch, từ suy giảm sức khỏe thể chất, tinh thần đến sụt giảm thu nhập, phụ cấp. Chính vì vậy, một chế độ đãi ngộ xứng đáng để những "chiến sĩ áo trắng" thêm yêu nghề, có thêm động lực chiến đấu và cống hiến vì sức khỏe nhân dân... là điều cần thiết.

Cán bộ Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng thực hiện tiêm vắc xin lưu động tại nhà người dân. Ảnh: Xuân Lộc

Mức lương chưa đủ trang trải cuộc sống

Một khảo sát từ tháng 7 đến tháng 11-2021 với hơn 2.700 nhân viên y tế tuyến đầu chống Covid-19 được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam công bố vào cuối tháng 12-2021 cho thấy, có khoảng 60% nhân viên y tế đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19; khoảng 40% trong số họ cho biết đã gặp phải những khó chịu, suy giảm về sức khỏe thể chất và có 70% bị lo lắng, trầm cảm... Ngoài ra, cũng tại khảo sát này cho thấy, mức lương bình quân của nhân viên y tế trong năm 2020 là 7,36 triệu đồng/tháng, trong khi giá sinh hoạt trung bình ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lần lượt là 10 triệu đồng và 11 triệu đồng/tháng.

Bày tỏ quan điểm của mình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, cần có chính sách để bệnh viện duy trì được lâu dài. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang cố gắng hết sức để nhân viên y tế hiện nay có thu nhập bằng như trước khi đại dịch.

“Hiện tại, một điều dưỡng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai tổng thu nhập được 9 triệu đồng/tháng. Chúng tôi đã vận dụng mọi cách, mọi nguồn, nhưng chỉ chi được đến thế. Có thể phần thu nhập này duy trì được cuộc sống của bản thân người ấy, nhưng còn gia đình, còn vợ con, còn những cống hiến tiếp theo nữa…”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu trăn trở.

Với mức lương chưa đủ để trang trải cuộc sống như vậy, song suốt hơn 2 năm qua, các y, bác sĩ vẫn ngày đêm lao vào tâm dịch để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thời gian qua, cả nước đã huy động hơn 7.200 nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch. Có không ít bác sĩ, điều dưỡng đã phải lùi thời gian kết hôn của mình hay có những người phải gửi lại con thơ cho bố mẹ chăm nom để xung phong lên đường chống dịch. Có trường hợp, khi cha mẹ qua đời, họ phải lập ban thờ vái vọng tại khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19. Thậm chí, trong cuộc chiến này đã có những điều dưỡng, bác sĩ mắc Covid-19 và không qua khỏi… Tất cả những câu chuyện đó đã nói lên sự hy sinh, tận tâm, tận lực của nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch.

Các y, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai. Ảnh: An Khánh

Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng

Thời gian qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề, từ 40-70% lên 100%. Nội dung này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương. Chính phủ đang giao Bộ Y tế khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, ban hành ngày 4-7-2021 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Đề cập đến chính sách đối với nhân viên y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, về cơ bản, các chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế, đặc biệt là cán bộ y tế trực tiếp tham gia chống dịch đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, hầu như các đơn vị, địa phương đã chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế tham gia chống dịch.

“Thời gian qua, có nhiều nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành nhằm bảo đảm chế độ cho nhân viên y tế, song vẫn chưa đủ. Vì vậy, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các chế độ, chính sách để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chính sách kịp thời tới những người tham gia phòng, chống dịch, điều chỉnh bổ sung mức phụ cấp nhằm bù đắp phần nào sự hy sinh, những tổn thất đối với nhân viên y tế”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Để cán bộ ngành Y tế được hưởng thù lao thỏa đáng, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, thời gian đào tạo nghề y dài hơn các ngành khác, nên cần thiết phải thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Ngoài ra, ngành Y tế là ngành chăm lo sức khỏe của người dân, bảo vệ tính mạng con người như lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân. Vì vậy, cần áp dụng phụ cấp 1,8 cho nhân viên y tế như lực lượng vũ trang. Hơn nữa, khi dịch bệnh xảy ra, nhân viên y tế phải đương đầu chống dịch, nên cần có phụ cấp đặc biệt để nếu biến cố xảy ra thì được áp dụng ngay.

“Dù chúng ta có nói tinh thần trách nhiệm, ý thức cách mạng như thế nào, song cuộc sống, đời sống của gia đình và của chính bản thân các y, bác sĩ phải được bảo đảm, thì họ mới yên tâm làm tốt nhiệm vụ được giao”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.

 Thu Trang - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ

Chợ truyền thống hiện vẫn là một trong những kênh phân phối thực phẩm tươi sống chiếm ưu thế trong các loại hình phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, việc chấp hành đúng các quy định về kinh doanh hàng hóa bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm chỉ được thực hiện tốt ở một số chợ lớn tại các quận nội thành; còn các chợ nhỏ lẻ, tự phát vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo.

Xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh

Bên cạnh những kết quả đạt được sau hơn 10 năm thi hành, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh những bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Thực tế này đòi hỏi những sửa đổi kịp thời nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng trong tình hình mới, thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1025771/de-thay-thuoc-yen-tam-cong-hien