Đề xuất các phương án để TP Hồ Chí Minh phục hồi sản xuất kinh doanh

11/11/2021 15:46

Kinhte&Xahoi Trong làn sóng dịch lần thứ tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của TP Hồ Chí Minh chỉ duy trì ở mức tối thiểu với khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động, chỉ chiếm 0,7% tổng số doanh nghiệp của thành phố.

Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh đang dần phục hồi

Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, TP Hồ Chí Minh là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội. Cuối tháng 10 có hơn 450.000 người mắc, chiếm 47% số ca mắc của cả nước và hơn 16.600 người đã mất, chiếm 75% tổng số ca tử vong của cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố chỉ duy trì ở mức tối thiểu. Bình quân, trong giai đoạn đó chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động, chiếm 0,7% tổng số doanh nghiệp của thành phố. Điều này có nghĩa, 99% doanh nghiệp không hoạt động và 99% người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng về tăng trưởng kinh tế, dự báo trong năm nay tăng trưởng âm 5%," đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Để khắc phục hậu quả dịch Covid-19 và tăng trưởng phục hồi kinh tế, thành phố đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm với các nhà khoa học, các chuyên gia và doanh nghiệp xác định có 4 giải pháp cần tập trung thực hiện: Tổng kết sâu sắc công tác phòng, chống dịch trong 2 năm qua, TP Hồ Chí Minh cần kiểm soát số người mắc mỗi ngày, phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; hỗ trợ cho 430.000 người mắc và gia đình của hơn 16.600 người đã mất do Covid-19 để họ có điều kiện phục hồi sức khỏe và điều kiện sống, làm việc; thu hút trở lại hàng trăm nghìn doanh nghiệp, lao động đã trở về quê, bổ sung nhu cầu lao động của thành phố; hỗ trợ các doanh nghiệp để nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.

Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, dự báo khoảng 20% doanh nghiệp của thành phố có thể tự khởi động lại, không cần hỗ trợ; nhưng 80% doanh nghiệp cần hỗ trợ của nhà nước để có đủ vốn lưu động, với mức bình quân cho vay khoảng 5 tỷ đồng/doanh nghiệp. Như vậy, tổng mức vay khoảng 440.000 tỷ đồng, có thể khởi động lại hầu hết các doanh nghiệp này. Với mức vay 5 tỷ đồng, chiếm 20% doanh thu/năm/doanh nghiệp và vay 25 triệu đồng/hộ, chiếm 5% doanh thu/hộ, các doanh nghiệp, hộ cá thể có thể trả được.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thiện nhân kiến nghị nên dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp và cho phép chuyển 100.000 tỷ đồng đầu tư công, không chi hết trong năm nay, chuyển sang hỗ trợ các doanh nghiệp và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Gửi lời cảm ơn đến các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã hỗ trợ TP Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị cần vinh danh kịp thời, tuyên dương đúng công trạng của các cá nhân, tập thể ngành Y tế, quân đội, công an, đặc biệt những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác mua vaccine phòng Covid-19 và trang thiết bị y tế... để cùng ứng phó với dịch Covid-19.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh: "Cần có sự đột phá hơn nữa, không cần phải khai đúng quy trình nhưng đúng thành tích, đúng người; mạnh dạn hơn nữa, kịp thời động viên và tri ân để thể hiện sự trân trọng của Đảng, Chính phủ, nhân dân với những danh hiệu xứng đáng

Do đó, đại biểu mong muốn Chính phủ tạo cơ chế hành chính thông thoáng, quy định trách nhiệm cụ thể của bộ, ngành, từng cán bộ trong tham mưu những việc cần thiết, không cần "nhờ vả" hay "quen biết," để tạo thuận lợi nhất cho người dân, đặc biệt người dân khó khăn trong đại dịch. "Chúng ta cần một sự phân cấp mạnh, hướng dẫn rõ ràng trong những tình huống cụ thể," đại biểu Tô Thị Bích Châu kiến nghị.

Liên quan đến Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn "vì có rất nhiều vấn đề vướng mắc để Nghị định kịp đi vào cuộc sống".

 Đức An - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chủ động nguồn hàng để bình ổn thị trường

Nhằm đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán 2022, ngành Công Thương Hà Nội đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị cung ứng tăng lượng hàng dự trữ, không để khan hàng, tăng giá dịp cuối năm.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/de-xuat-cac-phuong-an-de-tp-ho-chi-minh-phuc-hoi-san-xuat-kinh-doanh-182666.html