Dệt may Việt Nam xoay xở vượt khó

24/04/2023 14:14

Kinhte&Xahoi Chưa có dự báo nào cho thấy tình hình thị trường dệt may thế giới sẽ khởi sắc trở lại trong các quý tiếp theo của năm 2023. Do đó, dệt may Việt Nam phải chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất, tìm kiếm thêm các thị trường mới, phát triển các đơn hàng nhỏ, hàng khó để đảm bảo việc làm cho người lao động.

Dệt may Việt Nam đối diện khó khăn chưa từng có.

Tổng cầu thấp sẽ còn kéo dài

Dệt may (DM) Việt Nam đang ở giai đoạn chưa từng có tiền lệ khi đơn hàng liên tục sụt giảm từ quý cuối cùng của năm 2022 đến nay. Theo báo cáo mới nhất, trong quý I/2023 xuất khẩu DM Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, giảm 19% so cùng kỳ năm ngoái.

Đây là quý thứ 2 liên tiếp xuất khẩu DM Việt Nam, bao gồm cả sợi tăng trưởng âm kể từ quý IV năm trước và cũng là lần đầu tiên sau 10 năm (trừ quý I/2020 xảy ra dịch COVID) DM Việt Nam có quý I xuất khẩu giảm so cùng kỳ. Những người gắn bó lâu năm với DM đều khẳng định, chưa bao giờ DM Việt Nam rơi vào tình trạng này.

Cùng với đó, tình hình tồn kho của thế giới cũng tăng cao. Theo chia sẻ của Tập đoàn DM Việt Nam (Vinatex), báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của các hãng thời trang, nhà mua hàng lớn tại Mỹ cho thấy tồn kho tiếp tục tăng, bất chấp các nỗ lực giảm giá, các chương trình khuyến mại, kích cầu…

Ví dụ, tồn kho của Nike tính đến hết 28/2 trị giá 9 tỷ USD, tăng 16% so cùng kỳ, Adidas tồn kho tăng 49% so cùng kỳ, lợi nhuận ròng năm 2022 giảm 83%. Một số hãng thời trang và bán lẻ kiểm soát hàng tồn kho tốt hơn như Inditex, H&M, Walmart, Target nhưng tồn kho vẫn tăng ở mức 4 - 5% so cùng kỳ.

Đại diện Vinatex cho biết, dự báo tình hình kinh tế, thị trường khó khăn còn kéo dài đến hết năm 2023, tổng cầu thế giới tiếp tục giảm, cầu ở mức thấp, thậm chí thấp hơn tổng cầu năm 2020 khi có dịch COVID-19 (do thời điểm này có cầu về hàng y tế); Bên cạnh đó, các nền kinh tế đầu tàu khả năng rơi vào khủng hoảng trong khi Trung Quốc mở cửa với các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các DN trong nước. Do đó, xu thế giảm việc làm, giảm lao động là tất yếu trong thời gian tới…

Vinatex dự báo trong quý 2, tình hình đơn hàng có thể cải thiện về số lượng nhưng tiếp tục khó khăn về đơn giá khi áp lực chi phí cao, biên lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) chưa được cải thiện; dư địa phát triển ngành may chỉ là đơn hàng nhỏ, phức tạp; ngành sợi sẽ có cải thiện hơn nếu DN mua được giá bông mới, xuất khẩu đến các thị trường ngoài Trung Quốc…

Dự báo ngành sợi vẫn chưa thể hồi phục đến hết quý II/2023. Khả năng cầu thị trường vẫn còn rất thấp, lượng hàng tồn kho sợi của thế giới vẫn ở mức cao và giá bông đã xuống quá thấp nên giá sợi khó có thể cải thiện trong ngắn hạn. Tình trạng thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp của ngành may vẫn sẽ kéo dài đến hết quý III. Dự kiến các đơn hàng may mặc sẽ tiếp tục giảm khoảng 25 - 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội DM Việt Nam (Vitas) cho biết, gắn bó và theo dõi ngành DM nhiều năm, ông thấy, khi thị trường xấu đi thường có chu kỳ từ 12 - 14 tháng. Tuy nhiên, khó khăn của năm 2023 khả năng sẽ kéo dài, thậm chí tình huống xấu nhất có thể lên tới 24 tháng.

Tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex chia sẻ trong cuộc làm việc với Tổng Công ty May 10 rằng, mong muốn May 10 xây dựng các phương án “xấu nhất” cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khi đơn hàng có thể bị giảm tới 30 - 50%. Đồng thời, Tổng Công ty cũng cần tiếp tục trích lập dự phòng, quỹ đầu tư trong dài hạn, khi thị trường chưa có nhiều khởi sắc trong quý II và III của năm 2023, thậm chí là kéo dài sang năm 2024.

Ông Trường cũng lưu ý, tất cả các đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động ở mức “năng lượng thấp” theo các kịch bản để chủ động tình huống ứng phó trong sản xuất kinh doanh, vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay. Các đơn vị linh hoạt, khoanh vùng tiết giảm chi phí. “Tạm dừng những chi phí chưa cấp thiết, chỉ ưu tiên chi phí phát triển thị trường, chi phí đầu tư bỏ ra và thu hồi được hiệu quả trong năm 2023. Thích ứng tìm kiếm và làm đơn hàng nhỏ, hàng khó. Quan tâm yếu tố chất lượng sản phẩm để cạnh tranh bán hàng và giữ uy tín với khách hàng” - ông Trường nói.

Vinatex cũng đề nghị các đơn vị cần làm tốt công tác thị trường, tìm kiếm các khách hàng mới. Cùng với đó, lãnh đạo Tập đoàn sẽ cập nhật, thông tin kịp thời về diễn biến thị trường để các đơn vị có cơ sở trong việc đàm phán với khách hàng và tổ chức kế hoạch sản xuất. Các DN cần có sự chia sẻ, tạo sự liên kết về đơn hàng, nguyên phụ liệu, thiết bị, giá và tăng cường sử dụng trong chuỗi với nhau. Đặc biệt các DN cần có giải pháp, sắp xếp điều hành sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ có hiệu quả.

Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn này, để vượt qua thách thức các DN phải tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá mặt hàng và đa dạng hoá chủng loại của các nhãn hàng sản xuất tại Việt Nam. Song song đó, các DN cần xây dựng giải pháp thích ứng quy trình bền vững của thị trường DM toàn cầu, trong đó ưu tiên dùng sản phẩm tái chế.

Nhật Thu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có xu hướng diễn biến phức tạp

Thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng lậu với số lượng lớn. Đây được xem là vấn nạn nhức nhối, không chỉ gây ảnh hưởng đến thương hiệu có uy tín, chất lượng mà còn có thể gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/det-may-viet-nam-xoay-xo-vuot-kho-d192889.html