Địa ốc Alibaba - Vì sao chưa khởi tố hình sự?

15/08/2019 11:20

Kinhte&Xahoi Cho đến nay, cơ quan chức năng mới chỉ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về các tội gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản; khởi tố bị can, tạm giam đối với hai nhân viên của Cty CP Địa ốc alibaba về các tội danh trên. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là, tại sao những việc làm có dấu hiệu lừa đảo của Địa ốc alibaba lại chưa bị xử lý?

Những dự án “bánh vẽ”

Có thể nói, thời gian qua Cty CP Địa ốc Alibaba (Cty Alibaba) không chỉ khuynh đảo ở Bà Rịa –Vũng Tàu, mà lan ra cả Đồng Nai, Bình Thuận, thậm chí vào cả TPHCM. Vì sao những “dự án ma” có thể công khai rao bán, khiến hàng trăm, hàng nghìn người dân có khả năng mất nhiều tiền tỉ bởi hàng chục dự án ở nhiều tỉnh được ông chủ của Alibaba “vẽ” ra.

Nguyễn Huỳnh Tố Trinh hô hào chống đối đoàn cưỡng chế.

Thậm chí ngay cả khi các lực lượng chức năng của xã Tóc Tiên, TX Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) đến giải tỏa mặt bằng để trả về nguyên trạng, Cty Alibaba đã tổ chức nhân viên mặc đồng phục công khai chống lại lực lượng chức năng.

Họ sử dụng gạch đá, gậy gộc để phá hủy phương tiện của cơ quan chức năng. Ngang ngược hơn, khi một số đối tượng bị tạm giữ hình sự, họ còn tổ chức người đến cơ quan công an vây hãm đòi thả người. Sau nhiều thông tin tiêu cực trên báo chí, giữa tháng 7 vừa qua,CEO của Công ty CP địa ốc Alibaba lại tiếp tục "đăng đàn" trên mạng với nội dung "Đất nền sinh lợi 100 lần...".

Ông này còn khoe về đất rộng gần sân bay Long Thành, rằng "năm năm nữa tụi em giàu nhất khu vực này rồi (!?)"... Một doanh nghiệp có nhiều dấu hiệu sai phạm đến nay vẫn... sống khỏe! Dư luận không thể hình dung nổi, sao họ dám làm loạn, bất chấp pháp luật và sự quản lý của nhà nước đến mức như vậy.

Bộ Công an vào cuộc

Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) cho biết đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ đơn của khách hàng tố cáo bị Cty Alibaba chiếm đoạt tiền thông qua việc ký hợp đồng mua đất nền dự án. Để phục vụ điều tra, xác minh làm rõ, Cục Cảnh sát điều tra đề nghị Công ty Alibaba trả lời bằng văn bản và cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan.

Cụ thể, Bộ Công an yêu cầu Công ty Alibaba cung cấp hồ sơ gồm: Hồ sơ pháp nhân, điều lệ, cơ cấu tổ chức của Công ty Alibaba và các công ty khác thuộc tập đoàn địa ốc Alibaba; danh sách cổ đông (họ, tên, địa chỉ, số điện thoại) của từng công ty; danh sách nhân viên (họ tên, địa chỉ,số điện thoại) đang làm việc trong từng công ty trực thuộc tập đoàn Alibaba. Hồ sơ đăng ký thuế của Công ty Alibaba và các công ty khác thuộc tập đoàn Alibaba; báo cáo thuế hàng tháng, bản kê hàng hóa mua vào, bán ra thời điểm từ khi công ty đi vào hoạt động đến nay, nghĩa vụ nộp thuế đến nay như thế nào?

Hồ sơ 39 dự án hiện tập đoàn đang quảng cáo bán, bao gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được sử dụng để thực hiện dự án, các thủ tục pháp lý liên quan giữa tập đoàn địa ốc Alibaba và các cơ quan chức năng thuộc địa phương nơi thực hiện dự án, giấy ủy quyền, hợp đồng hợp tác,sơ đồ bản vẽ dự án...

Tài khoản ngân hàng củaCông ty Alibaba và các công ty khác thuộc tập đoàn địa ốc Alibaba bao gồm:Hồ sơ mở tài khoản, sao kê tài khoản từ khi đăng ký mở tài khoản đến nay; quan hệ tín dụng với tất cả ngân hàng như thế nào, số tiền vay, mục đích vay,tàisản cầm cố, thế chấp... gồm có những tài sản gì?

Danh sách khách hàng mua đất dự án của Công ty Alibaba và các công ty khác thuộc tập đoàn địa ốc Alibaba bao gồm: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số hợp đồng, vị trí lô đất, dự án nào? Từ trước đến nay, Công ty Alibaba, các công ty khác thuộc tập đoàn địa ốc Alibaba và cá nhân đứng tên chủ sở hữu các khu đất có bị chính quyền địa phương xử phạt về sai phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng hay không?..

Có dấu hiệu hình sự

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, mô hình đa cấp bất động sản huy động vốn hàng trăm nhà đầu tư với số vốn huy động nghìn tỉ đồng. Mô hình này không thể kéo dài mãi vì lượng tiền và giá trịsinh lời có giới hạn, khi giới hạn này mất đi, người huy động vốn "biến mất" hoặc mất khả năng tài chính, thiệt hại cho những người góp vốn sẽ nặng nề.

Nhất là khi Alibaba triển khai dự án, họ không nhân danh chính chủ đầu tư, cũng không phải nhà môi giới, mà nhận ủy quyền thực hiện từ cá nhân là chủ đất. Công ty địa ốc này huy động vốn từ các nhà đầu tư để đầu tư vào sản phẩm bất động sản mà họ không phải là nhà đầu tư hay nhà phát triển dự án. Nói cách khác, họ huy động vốn để đầu tư vào một sản phẩm (về pháp lý) không phải của họ, do vậy sản phẩm ấy hoàn toàn không đủ điều kiện để lập dự án đầu tư và kinh doanh bất động sản.

Dưới góc nhìn pháp lý, chỉ ra nhiều bất hợp lý từ hoạt động của Alibaba, luật sư Nguyễn Tấn Thuấn, đoàn luật sư TPHCM, nói:Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, pháp nhân (tổ chức thương mại) không bị xử lý tội lừa đảo, chỉ truy cá nhân cụ thể.

Do đó, quy cho Alibaba tội lừa đảo là không ổn, nhưng nếucác thành viên của Alibaba có hành vi lừa đảo, thì người đó bị xửlý - ví như thông qua công ty để làm bức bình phong, dùng thủ đoạn xảo quyệt tạo niềm tin cho người khác để chiếm đoạt tài sản. Để cấu thành của tội lừa đảo, phải có người bị hại, nếu không có người bị hại thì không thể xử lý.

Do đó,đối với Alibaba thì dấu hiệu lừa đảo đã có nhưng sẽ khiên cưỡng khi xử lý Alibaba về tội lừa đảo. Cùng chung nhận định, luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn luật sư TPHCM, nhấn mạnh rằng,việc khởi tố Aliba ba tội lừa đảo là không hội đủ các điều kiện.

Bởi vì, Alibaba có nộp hồ sơ xin phê duyệt dự án cụ thể, có gặp chủ đất ký hợp đồng đặt cọc… Tuy nhiên, luật sư Trần Đình Dũng khẳng định, hoạt động của Alibaba đủ yếu tố để khởi tố theo Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”.

Bộ luật Hình sự mới cho phép khởi tố tổ chức sử dụng đất trái pháp luật, khi chuyển nhượng, giao dịch, không tuân theo Luật Kinh doanh bất động sản, như phê duyệt dự án; làm cơ sở hạ tầng và phải có khâu nghiệm thu của Sở Xây dựng.

Theo quy định của pháp luật, hợp đồng loại gì không phải căn cứ vào tiêu đề mà căn cứ vào bản chất của các bên ký hợp đồng. Hợp đồng hợp tác kinh doanh phải có hai yếu tố: đưa vào tổng vốn đầu tư của dự án; chia sẻ lợi nhuận bằng tiền.

Đối với hợp đồng của Alibaba đã ký với khách hàng không có hai yếu tố này, mà lại có yếu tố một bên chuyển tiền cho Alibaba và quyền lợi nhận lại là từng nền đất cụ thể sau này - chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt cụ thể. Như vậy, bản chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất chứ không thể hợp tác kinh doanh.

“Trong các vụ án kinh doanh thương mại,dân sự thì tất cả hợp đồng loại này khi ra tòa xác định là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Rõ ràng việc Alibaba chuyển nhượng như thế là trái pháp luật, sản phẩm chưa đủ điều kiện nhưng tổ chức rao bán trên phương tiện thông tin đại chúng, quảng bá, làm sự kiện… là trái với quy định của điều 228 Bộ luật Hình sự.

Như vậy, vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng có khởi tố tổ chức Alibaba hay không? Khi khởi tố tổ chức thì mới tiến hành các hoạt động điều tra, mới làm rõ các tình tiết, lúc đó mới tìm đượccó hay không tội lừa đảo của các cá nhân?”, luật sư Trần Đình Dũng phân tích.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thị trường bánh trung thu rục rịch vào mùa

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng hiện trên một số tuyến phố của Hà Nội đã bắt đầu xuất hiện các quầy bánh trung thu của một số doanh nghiệp (DN). Thị trường “mạng” cũng đã sôi động với các đầu mối bán buôn, bán lẻ bánh trung thu với đủ các loại bánh nhập khẩu, handmade...

Nguồn: Pháp luật Plus