Điểm danh những doanh nghiệp bất động sản huy động trái phiếu nhiều nhất từ đầu năm

10/12/2021 07:32

Kinhte&Xahoi Kết thúc quý III/2021, có 9 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu cao nhất trên thị trường.

Những doanh nghiệp bất động sản vào dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu?

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, sản xuất kinh doanh cầm chừng, tiếp cận tín dụng ngân hàng khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp ồ ạt tìm cách huy động vốn trên sàn chứng khoán và tăng phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế 11 tháng đầu năm ghi nhận 826 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước với tổng giá trị lên tới 495.000 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ 2020.

Đặc biệt, các doanh nghiệp bất động sản là tổ chức phát hành nhiều nhất với tổng cộng 187.160 tỷ đồng. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 4,5 - 13%/năm. 

Kết thúc quý III/2021, có 9 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu cao nhất trên thị trường.

CTCP Hưng Thịnh Land được biết đến với hàng loạt dự án bất động sản quy mô. (Ảnh chụp màn hình website của Hưng Thịnh Land)

CTCP Hưng Thịnh Land dẫn đầu khi có giá trị phát hành trái phiếu lớn nhất với 7.950 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo có thể kể đến là cổ phần tại Hưng Thịnh Land và Tập đoàn Hưng Thịnh; cổ phiếu Hưng Thịnh Incons; quyền sử dụng đất thuộc dự án Mai Chí Thọ, dự án bất động sản Đồi Dừa Hoàn Mỹ, dự án khu Hồ Tràm, dự án khu Phước Long B… và một số dự án khác.

Mục đích sử dụng nguồn tiền huy động được đa phần là để M&A, tăng cường quỹ đất tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, TP Thủ Đức – TP HCM…

Theo tìm hiểu của phóng viên, CTCP Hưng Thịnh Land là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh.

Công ty đảm nhiệm toàn bộ mảng đầu tư, kinh doanh và phát triển các dự án bất động sản của tập đoàn, quỹ đất hơn 4.500 ha với hơn 50.000 sản phẩm nhà ở. Các dự án lớn công ty đang phát triển gồm New Galaxy (Bình Dương), Vũng Tàu Pearl (TP Vũng Tàu), Grand Center Quy Nhơn, Quy Nhơn Melody (Bình Định), Saigon Garden Riverside Village (TP HCM)...

Đứng thứ hai là Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranean Revival Villas - một công ty có liên quan đến CTCP Tập đoàn Masterise, với giá trị phát hành 7.200 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu đây là doanh nghiệp có tiền thân là Công ty TNHH INB Sài Gòn, được thành lập vào tháng 5/2012, trụ sở chính hiện đóng tại tòa nhà Sabay Tower, số 11A Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM.

Mediterranean Revival Villas dùng để đặt cọc nhằm hướng tới nhận chuyển nhượng một phần dự án Dream City. (Ảnh: Viettimes)

Khi mới thành lập, Mediterranean Revival Villas có vốn điều lệ ở mức 100 tỷ đồng, được góp vốn bởi 3 cá nhân là các bà: Nguyễn Hương Liên (87,5% VĐL); Đỗ Tú Anh (2,5% VĐL); Phan Thị Ánh Tuyết (10% VĐL).

Những cổ đông này đều có nhiều mối liên hệ với CTCP Tập đoàn Masterise (Masterise Group). Công ty sau đó đã tăng vốn điều lệ từ 153 tỷ đồng lên 729 tỷ đồng kể từ ngày 30/7/2021.

Trước đó, vào tháng 7/2021, Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranean Revival Villas từng gây xôn xao khi huy động thành công 2 đợt trái phiếu với tổng số tiền huy động được lên đến 5.000 tỷ đồng.

Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranean Revival Villas cho biết, số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để đặt cọc nhằm hướng tới nhận chuyển nhượng một phần dự án Dream City tại xã Long Hưng và xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Dự án Dream City cũng được dùng làm tài sản đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho lô trái phiếu trên.

Dự án khu đô thị sinh thái Dream City do CTCP Vinhomes làm chủ đầu tư. Dự án nằm tại địa bàn xã Long Hưng và xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang với diện tích khoảng 445,4ha, dân số dự kiến 65.000 người.

Đứng thứ ba là Tập đoàn Vingroup với giá trị 6.976 tỷ đồng. Tiếp theo là CTCP Osaka Garden phát hành giá trị 6.800 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án 87 Cống Quỳnh (Nguồn: alphacity.com.vn)

Vị trí thứ 5 thuộc về CTCP Đầu tư GoldenHill với việc doanh nghiệp này đã phát hành trái phiếu giá trị 5.760 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Từ ngày 15/4 - 19/4/2021 CTCP Đầu tư GoldenHill đã phát hành thành công 5.760 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm.

Lô trái phiếu này có mã GHICB2124001, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm.

Lãi suất cho kỳ tính lãi đầu tiên là 9,7%/năm. Các kỳ tính lãi còn lại, lãi suất bằng tổng lãi suất tham chiếu cộng 3,5%/năm.

Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu này gồm: Cổ phần của các cổ đông tại Goden Hill; các tài sản liên quan đến dự án 87 Cống Quỳnh; và các tài sản bổ sung và/hoặc thay thế khác (nếu cần thiết) thuộc sở hữu của Golden Hill và/hoặc các bên thứ ba.

Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để thanh toán một phần các khoản phải trả với các bên đối tác liên quan đến việc thanh lý các hợp đồng hợp tác đầu tư với tổng dư nợ gốc là 8.054 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí thứ 6 phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp có CTCP Đầu tư Tân Thành Long An và thứ 7 là CTCP Dịch vụ giải trí HT Quy Nhơn.

Theo sau là CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam phát hành 4.700 tỷ đồng và cuối cùng là CTCP Hoàng Phú Vương phát hành 4.670 tỷ đồng.

Theo khảo sát của các chuyên gia, nếu xét về lãi suất trong top 9 doanh nghiệp bất động sản này thì CTCP Osaka Garden là doanh nghiệp trả lãi suất trái phiếu cao nhất, trung bình 13,28%/năm. Tiếp theo là Công ty cổ phần Hoàng Phú Vương với lãi suất 12,9%/năm. Đứng thứ ba là Công ty CP dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn với lãi suất 10,61%/năm.

Thị trường phát triển nóng, cơ quan quản lý vào cuộc

Theo nhận định của SSI, hai năm gần đây, trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các đợt phát hành riêng lẻ, trở thành một trong những kênh đầu tư được quan tâm nhất. Mức lợi suất hấp dẫn, phổ biến trong khoảng 9 - 13%, trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm, đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm tới kênh này.

Tuy nhiên, đi cùng với sự tăng trưởng cũng là không ít lo ngại. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu Bộ Tài chính thanh, kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản.

Yêu cầu này được đưa ra ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 16, bắt đầu có hiệu lực từ 15/01/2022, nhằm siết chặt hoạt động mua/bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, sau sự kiện "bom nợ" Evergrande (Trung Quốc) và những cảnh báo rủi ro do sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức thì việc tăng cường quản lý khi các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản đã được một số chuyên gia đưa ra khuyến cáo.

Đầu tháng 12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các chỉ đạo đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát về phát hành TPDN để đảm bảo thị trường này trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

Tại Công điện số 8857 về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành TPDN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/12/2021.

Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Mới đây nhất, Bộ Tài chính cho biết để thị trường tiếp tục phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường công tác quản lý, giám sát, Bộ Tài chính đã tiến hành đánh giá tình hình thị trường thời gian qua để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Dự thảo Nghị định đang được gửi lấy ý kiến các chuyên gia tư vấn, các thành viên thị trường và lấy ý kiến rộng rãi công chúng trên website Chính phủ và website Bộ Tài chính từ ngày 09/12/2021.

Dự thảo Nghị định sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.

Cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường việc quản lý, giám sát, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, các tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm. 

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Lê Hải - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bình Dương: Bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Để đảm bảo đầy đủ, thường xuyên, tránh xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/diem-danh-nhung-doanh-nghiep-bat-dong-san-huy-dong-trai-phieu-nhieu-nhat-tu-dau-nam-d172454.html