Diễn biến mới trong nỗ lực luận tội Tổng thống Trump

16/11/2019 10:53

Kinhte&Xahoi Cuộc điều tra của phe Dân chủ ở Hạ viện Mỹ nhằm luận tội ông Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có thêm diễn biến mới, sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sử dụng từ “hối lộ” để mô tả chuyện ông giữ lại khoản viện trợ quân sự đáng kể của Mỹ cho Ukraine nhằm thúc ép Kiev điều tra đối thủ chính trị.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch chuẩn bị ra điều trần về ông Trump ảnh: AP

Dù bà Pelosi nói chưa có quyết định cuối cùng về việc có luận tội ông Trump hay không, nhưng diễn biến này cho thấy phe Dân chủ đang tiến tới việc khép ông Trump vào những cáo buộc cụ thể hơn để có thể dẫn đến việc luận tội. Nó cũng cho thấy phe Dân chủ đang nỗ lực đặt một cái tên đơn giản cho hành vi của tổng thống nhằm gây hiệu ứng lớn hơn đối với dư luận, theo báo New York Times.

Từ “trao đổi” thành “hối lộ”

“Những lời khai của nhân chứng chứng thực chuyện hối lộ được phát hiện trong cuộc điều tra, và rằng tổng thống đã lạm quyền cũng như vi phạm lời thề khi dọa sẽ giữ lại khoản viện trợ quân sự và một cuộc gặp ở Nhà Trắng để đổi lấy cuộc điều tra đối thủ chính trị của ông ấy - một nỗ lực rõ ràng của tổng thống nhằm tạo lợi thế trong cuộc bầu cử năm 2020”, bà Pelosi nói với báo giới tại cuộc họp báo hằng tuần ở đồi Capitol.

Cuối ngày 14/11, một quan chức cấp cao trở thành nhân chứng đầu tiên của Nhà Trắng hợp tác với cuộc điều tra Văn phòng quản lý và ngân sách của Nhà trắng - cơ quan đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp khoản hỗ trợ 391 triệu USD cho Ukaine. Ông Mark Sandy, luật sư của quan chức này, nói rằng ông sẽ xuất hiện để đưa ra lời khai chính thức vào ngày 16/11 nếu nhận được trát, bất chấp chuyện Nhà Trắng không đồng ý.

Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ còn mở cuộc điều trần khác vào ngày 15/11 để nghe bà Marie L. Yovanovitch, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine và là người bị ông Trump loại bỏ để chuẩn bị cho chiến dịch gây sức ép lên nhà lãnh đạo Ukraine.

Một nhân chứng mới xuất hiện hôm 14/11 là Suriya Jayanti, một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Kiev. Bà Jayanti kể về cuộc điện thoại mà bà nghe lén được giữa tổng thống và ông Gordon D. Sondland, đại sứ Mỹ tại EU. Trong cuộc nói chuyện đó, họ bàn về cuộc điều tra mà ông Trump đang mong muốn, và ông Sondland nói rằng người Ukraine đã chuẩn bị để làm như vậy.

Cuộc nói chuyện diễn ra chỉ 1 ngày sau cuộc điện đàm ngày 25/7 mà trong đó ông Trump nêu với tổng thống Ukraine chuyện điều tra bố con cựu phó tổng thống Joe Biden.

Ông Sondland dự kiến sẽ ra làm chứng công khai vào tuần sau. Ông là một trong số ít nhân chứng từng nói chuyện trực tiếp với ông Trump về vụ việc nên được xác định là một trong những người có vai trò quan trọng trong cuộc điều tra. Nhưng ông này từng một lần đảo ngược lời khai. Phe Cộng hòa tấn công vào sự bất nhất này để làm mất uy tín của ông Sondland, một doanh nhân giàu có trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn và là nhà tài trợ tranh cử cho ông Trump. Ông Sondland không có kinh nghiệm ngoại giao nào trước khi được tổng thống bổ nhiệm làm đại sứ.

Trong cuộc vận động cử tri tối 14/11 ở Louisiana, ông Trump có vẻ nỗ lực phủ nhận điều đó. “Các bạn tin được không? Rằng chúng tôi cần sự giúp đỡ mới đánh bại một con người buồn ngủ như Joe Biden ư?” - Reuters dẫn lời ông Trump.

Tăng hiệu ứng dư luận

Phe Dân chủ bắt đầu đề cập nhiều cụm từ “hối lộ” trong những ngày gần đây để nói về việc ông Trump có nỗ lực bất thường và không phù hợp nhằm có được lời hứa điều tra từ Ukraine.

Sử dụng cụm từ này, bà Pelosi có ý nhắc đến Điều 2 của Hiến pháp Mỹ, trong đó quy định rằng tổng thống và các quan chức khác “sẽ bị phế truất nếu phạm tội phản quốc, hối lộ hoặc các tội nghiêm trọng khác”.

Đối với phe Dân chủ, cụm từ này có thể giúp giải quyết thách thức về truyền thông. Sau nhiều tuần mô tả hành động của tổng thống là “trao đổi”, các nghị sĩ của đảng này muốn tìm ra cách đơn giản và dễ tiêu hóa hơn để gọi tên điều đã xảy ra với các cử tri Mỹ.

Khi được hỏi phe Dân chủ đã thành công trong việc huy động dư luận hay chưa, bà Pelosi thừa nhận rằng nước Mỹ đã bị chia rẽ quá sâu sắc so với thời điểm Tổng thống Richard Nixon phải từ chức năm 1974.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cẩn trọng khi mua tôm hùm 28.000 đồng/con

Trên thị trường, tôm hùm chỉ bán với giá 28.000 đồng/con đang hút khách, luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Vì sao chúng lại rẻ đến vậy, chất lượng có đảm bảo?

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/quoc-te/dien-bien-moi-trong-no-luc-luan-toi-tong-thong-trump-d111270.html