Dịp Tết Nguyên đán: Không xảy ra găm hàng, ép giá

23/01/2023 15:06

Kinhte&Xahoi Theo Bộ Công thương, trong 3 ngày Tết (từ ngày 30 đến ngày mùng 2 Tết), hàng hóa được bày bán đa dạng, phong phú, các mặt hàng đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Công thương, ngày mùng 2 Tết đã có thêm một số siêu thị mở cửa trở lại như Big C, Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market... Giá một số hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị ổn định. Tại các chợ dân sinh, một số hàng rau quả tươi sẽ bắt đầu mở bán từ chiều ngày mùng 2 Tết, số lượng ít nên giá có thể cao hơn so với ngày thường.

Trong ngày 30 Tết tại các chợ truyền thống, sức mua giảm dần, người dân hầu hết chỉ tập trung mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh và hoa, quả do các mặt hàng khác (đồ khô, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát…) đã được mua sắm từ những ngày trước.

Người dân mua sắm tại chợ, siêu thị tập trung đông vào buổi sáng 30 Tết. Các địa điểm bán hàng, cửa hàng tiện lợi vẫn mở đến chiều ngày 30 Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hóac tăng giá bất hợp lý đối với hầu hết các mặt hàng phục vụ Tết.

Riêng ngày mùng 1 Tết, hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa rất ít do phần lớn cơ sở kinh doanh nghỉ Tết, người dân chủ yếu chơi Tết và cúng lễ đầu năm. Giá cả hàng hóa thiết yếu ổn định.

Tại các thành phố lớn, một số trung tâm thương mại, siêu thị mở cửa trong ngày mùng 1 Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân; trong đó, thành phố Hà Nội có 1.223 địa điểm của các đơn vị phân phối đăng ký mở cửa bán hàng trở lại phục vụ nhân dân từ ngày mùng 1.

Ảnh minh họa

Một số doanh nghiệp phân phối mở cửa bán hàng trong ngày mùng 1 Tết như Trung tâm thương mại Aeon hay một số hệ thống cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu Circle K, 24h Cheers.

Ngày mùng 1 Tết, người dân thường đi lễ đầu năm nên các mặt hàng được tiểu thương bày bán và được tiêu thụ trong ngày chủ yếu là các mặt hàng như hoa, quả tươi, bánh kẹo phục vụ việc đi lễ. Đặc biệt, giá một số hàng hóa thiết yếu trong ngày mùng 1 Tết tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi có mở cửa xuyên Tết ổn định so với ngày hôm trước. Cụ thể, mặt hàng lương thực giá ổn định, giá các loại gạo tẻ thường từ 16.000-20.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao từ 25.000-42.000 đồng/kg.

Với mặt hàng thực phẩm, giá thịt lợn loại ngon (sườn non, ba chỉ, nạc vai đầu giòn, thăn) ở mức 150.000-220.000 đồng/kg; thịt loại 2 như sấn mông, sấn vai, dao động ở mức 130.000-150.000 đồng/kg; giá gà ta làm sẵn của CP dao động phổ biến từ 90.000-110.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp (làm sẵn) dao động khoảng 60.000-70.000 đồng/kg; thịt bò thăn dao động từ 315.000-350.000 đồng/kg.

Đối với thực phẩm chế biến, giá giò lụa phổ biến 150.000-220.000 đồng/kg; giò bò 250.000-280.000 đồng/kg; lạp xưởng Vissan: 180.000-230.000 đồng/kg tùy chủng loại.

Mặt hàng công nghệ thực phẩm nhu đường bán lẻ ở mức 26.000-30.000 đồng/kg; dầu ăn: 60.000-65.000đồng/lít, bia lon Tiger từ 360.000-370.000 đồng/thùng; Cocacola 180.000-190.000 đồng/thùng; bia lon Sài Gòn giá 280.000-350.000 đồng/thùng (tùy loại).

Hoa, quả các loại gồm táo nhập khẩu 70.000-200.000 đồng/kg (tùy loại), xoài cát chu: 50.000-60.000 đồng/kg, bưởi hồng da xanh 60.000-70.000 đồng/kg; cam canh 55.000- 70.000 đồng/kg.

Về trực Tết cũng được Tổng cục Quản lý thị trường triển khai đến các Cục Quản lý thị trường thực hiện nghiêm túc, nhằm đảm bảo không gián đoạn Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ảnh minh họa

Các đơn vị khối cơ quan Tổng cục và các Cục Quản lý thị trường đều bố trí lực lượng thường trực 24/24h trong những ngày nghỉ Tết để chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại tại thị trường nội địa và trên khâu lưu thông.

Ngoài ra, lực lượng cùng đã tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán như: bánh, kẹo, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm đóng gói sẵn, an toàn vệ sinh thực phẩm… đặc biệt kiểm tra các mặt hàng cấm như pháo các loại và đồ chơi nguy hiểm.

Thị trường ngày cuối năm diễn ra nhộn nhịp, hàng hóa được bày bán đa dạng, phong phú về chủng loại và số lượng, nhất là tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Do là ngày cuối cùng của năm nhu cầu mua sắm của nhân dân tăng lên, các mặt hàng đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Báo cáo nhanh của các đơn vị cho thấy hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước không phát sinh vụ việc vi phạm buôn lậu hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại; các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo nổ trái phép.

Ngoài ra, nhằm thực hiện việc kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu theo Công điện số 383/CĐ-BCT ngày 20/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; Công văn số 77/TCQLTT-CNV ngày 15/01/2023 của Tổng cục về việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, qua giám sát tất cả các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu trên địa cả nước, các cửa hàng xăng vẫn mở cửa kinh doanh bình thường đảm bảo xăng dầu được cung ứng liên tục ra thị trường, không phát hiện tình trạng đầu cơ găm hàng, chờ tăng giá.

 Đoàn Hương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở vi phạm điều kiện về an toàn thực phẩm

Gần Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, các đối tượng đã trà trộn, buôn bán các loại thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo yêu cầu về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ... Do đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dip-tet-nguyen-dan-khong-xay-ra-gam-hang-ep-gia-216107.html