Doanh nghiệp lo ‘ế’ khẩu trang

18/03/2020 11:17

Kinhte&Xahoi Nhiều doanh nghiệp may mặc khẳng định năng lực sản xuất khẩu trang đủ đáp ứng nhu cầu thị trường song bày tỏ lo lắng đầu ra cho sản phẩm.

Chiều 17/3, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp phân phối để đánh giá năng lực sản xuất, cũng như khả năng cung ứng khẩu trang ra thị trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang nano. (Ảnh: TNG)

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, năng lực sản xuất khẩu trang của các doanh nghiệp dệt may hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Tuy vậy, theo ông Cẩm, doanh nghiệp sản xuất đang rất lo khâu đầu ra, nên cần sự vào cuộc của doanh nghiệp phân phối và các cơ quan quản lý nhà nước. “Doanh nghiệp luôn sẵn sàng chia sẻ cùng cộng đồng để chung tay phòng chống dịch. Tuy nhiên, nỗi lo về đầu ra cho sản phẩm khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn”, ông Cẩm nói.

Bên cạnh khó khăn về đầu ra, ông Cẩm chia sẻ thêm vướng mắc của doanh nghiệp sản xuất khẩu trang khi thiếu nguyên, phụ liệu và các thủ tục, chính sách...

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thời gian qua, Bộ Công Thương có nhiều hoạt động kết nối cung - cầu để đảm bảo các hệ thống phân phối lớn ổn định, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân trong mùa dịch.

Theo đó, Vụ Thị trường trong nước kết nối các hệ thống phân phối bán lẻ lớn như Vincommerce (chuỗi cửa hàng Vinmart, Vinmart+), Big C, MM Mega Market, AEON, BRG Retail với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải.

Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp phân phối nghiên cứu chủ động tăng đặt hàng khẩu trang vải trước diễn biến dịch bệnh, nhằm đáp ứng đủ nhu cẩu khẩu trang của người dân cho phòng chống dịch bệnh.

Theo số liệu tổng hợp từ Saigon Coopmart, Big C, Vincommerce (Vinmart, Vinmart+), BRG Retail, MM Mega Market, dự kiến khẩu trang cung ứng ra thị trường từ 15/3-31/3 là hơn 23 triệu chiếc, tăng 13 triệu chiếc. Kế hoạch từ 31/2 đến 15/4 sẽ cung ứng ra thị trường thêm gần 9 triệu chiếc nữa.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết các doanh nghiệp sản xuất cũng như phân phối khẩu trang đã góp phần đảm bảo khâu sản xuất, lưu thông, phân phối khẩu trang ra thị trường được thông suốt.

Hiện sản lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 đạt 630 triệu m2 vải dệt từ sợi tự nhiên, 1.200 m2 vải dệt từ sợi nhân tạo, tổng cả 2 loại vải đạt 5 triệu m2/ngày. Nếu tính trung bình 1m2 sản xuất được 20 khẩu trang, thì một ngày Việt Nam có thể sản xuất được lượng vải tương đương 100 triệu khẩu trang các loại (nếu tính giả định toàn bộ vải dùng để may khẩu trang).

Ngoài ra, dịch bệnh đã được kiểm soát tại Trung Quốc, nguồn vải từ Trung Quốc bắt đầu được nhập về Việt Nam.

“Do vậy hoàn toàn có thể tự tin khẳng định, với năng lực sẵn có, chúng ta có thể sản xuất đủ khẩu trang theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đáp ứng nhu cầu của người dân trong phòng chống dịch bệnh”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Thành lập Tổ công tác kết nối cung cầu Bộ Công Thương

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chỉ đạo Cục Công nghiệp và Vụ Thị trường trong nước thành lập Tổ công tác của Bộ Công Thương về kết nối cung cầu, khẩn trương làm việc với Bộ Y tế để xác định nhu cầu cần thiết sử dụng khẩu trang vải kháng giọt bắn và khẩu trang.

Tổ kết nối cung cầu có nhiệm vụ làm việc với Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các hiệp hội, doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực để đảm bảo nguồn nguyên liệu và sản xuất khẩu trang vải phục vụ nhu cầu của người dân phòng, chống dịch Covid-19.

Làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp phân phối lớn có hệ thống phân phối, siêu thị, bán lẻ trên địa bàn cả nước để tham gia vào chuỗi cung ứng khẩu trang phục vụ người dân phòng, chống dịch Covid-19.

Phối hợp làm việc với các địa phương để cập nhật thông tin, số liệu liên quan đến việc cung ứng khẩu trang, từ đó có phương án làm việc với Bộ Y tế để báo cáo và đề xuất với Chính phủ xem xét sử dụng ngân sách nhà nước hoặc ngân sách nhà nước đã được giao cho các địa phương quản lý để mua khẩu trang cung cấp miễn phí cho các đối tượng xã hội như người già, trẻ em và người có bệnh nền để phòng, chống dịch Covid-19.

Thống kê các ý kiến đóng góp, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải để làm việc với Bộ Y tế và Bộ Khoa học và công nghệ thống nhất quy trình hỗ trợ hợp chuẩn và hợp quy đối với mặt hàng khẩu trang vải theo cơ chế nhanh nhất, tập trung một đầu mối duy nhất để đảm bảo hiệu quả cho quá trình sản xuất; nghiên cứu và báo cáo Chính phủ xem xét phương án miễn/giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang vải trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp để đảm bảo nguồn cung ứng các sản phẩm cần thiết phục vụ người dân phòng, chống dịch.

Đồng thời, chủ động phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và phân phối khẩu trang vải giải quyết khó khăn, vướng mắt trong thời điểm hiện tại. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, tăng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu

UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Cục quản lý thị trường Thành phố chỉ đạo các đội quản lý thị trường thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm về đầu cơ, tăng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bán hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm trong chợ trên địa bàn từ nay cho đến khi Thành phố công bố hết dịch.

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Mặc dù các siêu thị, nhà sản xuất đã cam kết cung cấp đủ nguồn hàng và giữ ổn định giá cả, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn ùn ùn kéo nhau đi mua thực phẩm tích trữ. Khuyến nghị dành cho người dân lúc này là cần bình tĩnh, hãy là những người tiêu dùng thông thái, góp phần ổn định thị trường.

Theo VTC News/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/doanh-nghiep-lo-e-khau-trang-d119621.html