Doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm tiên phong trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

08/05/2020 17:30

Kinhte&Xahoi Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên các mặt kinh tế - xã hội là không thể phủ nhận. Cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, không ít ngành, lĩnh vực, DN, cửa hàng kinh doanh điêu đứng, thậm chí đóng cửa, phá sản. Tuy nhiên, cùng với Chính phủ, người dân đồng lòng chống dịch, thời gian qua cũng đã chứng kiến sự vào cuộc của không ít DN, doanh nhân thể hiện trách nhiệm của mình với những khó khăn chung của nền kinh tế, với cộng đồng.

Đại diện Tổng Công ty May 10 ủng hộ Chương trình “Cùng Kinh tế & Đô thị chung tay phòng, chống dịch Covid-19”

Chưa từng có tiền lệ trước đây để có thể chuẩn bị các giải pháp đối phó, với diễn biến trên diện rộng, trong một thời gian dài… hậu quả của dịch Covid-19 gây ra đối với cộng đồng DN không hề nhỏ. Những DN, tập đoàn lớn như Vietnam Airlines, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam… số lỗ đã lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Trong khi phần lớn DN nhỏ và vừa (chiếm tới hơn 90% số DN của cả nước) trong cuộc khảo sát mới đây nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy, với việc dịch bệnh kéo dài tỷ lệ DN có doanh thu giảm trên 50% chiếm hơn 60%; 74% số DN đứng trước nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác. Trong khi đó, đã có không ít cửa hàng của các hộ kinh doanh phải đóng cửa, trả lại mặt bằng.

Song không vì thế mà cộng đồng DN xem nhẹ trách nhiệm của mình trước cộng đồng, trước khó khăn chung của đại dịch. Giữa đại dịch nhưng vẫn có những chuyến bay dù biết vận hành sẽ lỗ nhưng vẫn có những chuyến bay vận chuyển trang thiết bị y tế để chống dịch, chở công dân Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới về nước bảo đảm cuộc sống tại khu cách ly. Cùng với đó là những đóng góp không nhỏ về vật chất, trang thiết bị y tế cùng chính phủ, người dân chống dịch. Trong số những đóng góp gửi đến Mặt trận Tổ quốc các cấp hay trực tiếp tại các tuyến đầu chống dịch luôn có sự đồng hành của không ít DN, doanh nhân.

Chương trình “Cùng Kinh tế & Đô thị chung tay phòng, chống dịch Covid-19”, đã chứng kiến không ít DN như: Tổng Công ty CP May 10; Công ty TNHH Sinh Việt; Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Happro thuộc Tập đoàn BRG); Công ty Thời trang M2; TNG Holding; FLY; City Land… mặc dù gặp không ít khó khăn trong sản xuất, thị trường đầu ra cho sản phẩm, nhiều đơn hàng buộc phải hủy bỏ, thậm chí phải tính đến việc chuyển đổi ngành hàng... nhưng đã tích cực đóng góp vào hiệu quả, sự lan tỏa của một chương trình thiết thực, ý nghĩa, mang tính nhân văn giữa trước những khó khăn chung của xã hội và người dân. Cũng trong thời gian qua, đã chứng kiến nhiều DN, tổ chức lặng thầm góp sức, mang đến những giá trị lớn lao cho cộng đồng.

Đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, một lần nữa đội ngũ DN, doanh nhân lại lãnh trách nhiệm tiên phong trên mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế. Cùng với việc nắm bắt thời cơ vàng khi mà nhiều nền kinh tế đang lo chống đỡ với dịch bệnh đây cũng là dịp để khơi dậy tinh thần, truyền đi thông điệp chung sức đồng lòng để vươn lên bứt phá. Tới đây, một hội nghị lớn, Hội nghị giữa Thủ tướng với các DN (dự kiến diễn ra vào ngày 9/5), với tinh thần chung không phải dịp “than nghèo, kể khổ” mà phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực khắc phục khó khăn, một quyết tâm tái cơ cấu để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng. Và trong cuộc chiến đó, luôn có sự đồng hành của Chính phủ, sự đồng lòng và mong mỏi của người dân để nền kinh tế có những chuyển biến mạnh mẽ. Trách nhiệm đó đang đặt lên vai cộng đồng DN và DN, doanh nhân phải là lực lượng tiên phong với tinh thần phụng sự quốc gia, dân tộc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương: Thúc đẩy tiêu dùng nội địa

Những năm gần đây, Hà Nội trở thành “điểm đến” của các loại hàng hóa - đặc biệt là nông sản của nhiều tỉnh, thành phố, nhờ hoạt động kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Để tiếp tục khơi thông giao thương hàng hóa, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, vẫn cần nâng cao hơn nữa chất lượng, tính an toàn, tiêu chuẩn đóng gói, bao bì…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hơn 10 triệu người trên địa bàn Thủ đô.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-the-hien-trach-nhiem-tien-phong-trong-cuoc-chien-chong-dich-covid-19-383634.html