Doanh nghiệp Trung Quốc muốn mua hàng trăm tấn thủy sản Việt Nam

11/08/2021 16:15

Kinhte&Xahoi Nhiều doanh nghiệp, thương nhân tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã kết nối giao dịch, bày tỏ nguyện vọng muốn mua số lượng lớn thủy sản của Việt Nam.

Theo Bộ Công thương, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, lây lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng như khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của Việt Nam thì việc doanh nghiệp Trung Quốc muốn mua hàng trăm tấn thủy sản của nước ta là một tín hiệu rất đáng mừng.

Số lượng đặt mua của các nhà nhập khẩu, thương nhân Quảng Châu khá lớn, lên đến hàng trăm tấn thủy sản từ Việt Nam. (Ảnh: MOIT)

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung và thị trường Quảng Châu (Trung Quốc) nói riêng gặp nhiều khó khăn, hầu hết hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống theo kế hoạch đã bị hủy hoặc hoãn.

Trước đó, tháng 11/2020, Trung Quốc đã siết chặt hoạt động kiểm soát hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu tại những thành phố đầu mối thương mại vì dịch Covid-19. Theo đó, tất cả sản phẩm thực phẩm đông lạnh khi sang nước này phải đáp ứng đầy đủ 4 loại giấy chứng nhận mới được đưa ra thị trường tiêu thụ.

Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã trao đổi với hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, cùng với các hiệp hội ngành hàng kết nối các doanh nghiệp cung ứng, xuất khẩu, các nhà cung cấp dịch vụ thương mại, xuất khấu.

Mới đây, tại buổi giao thương trực tuyến ngày 9/8, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam - Quảng Châu (Trung Quốc) đã bước vào phiên giao thương chính để tìm hiểu về tình hình thị trường cũng như nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các bên.

Trong phiên giao thương, các doanh nghiệp ở Quảng Châu đưa ra nhu cầu cần mua đa dạng các mặt hàng thủy sản từ Việt Nam như sản phẩm tôm (tôm hùm nhỏ, tôm hùm xanh nhỏ, tôm sú, nhân tôm sú, nhân tôm hùm, tôm thẻ chân trắng Nam Mỹ (chín/sống); nhân tôm thẻ chân trắng, đuôi tôm); các loại cá (cá basa, cá mực khô, cá ngừ Việt Nam); cua (cua xanh, cua gạch); mực; bạch tuộc; hải sâm.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, sau khi thương thảo, đàm phán với doanh nghiệp Việt Nam, số lượng đặt mua của các nhà nhập khẩu, thương nhân Quảng Châu khá lớn. Trung bình mỗi công ty cần mua từ 4-5 container thủy sản mỗi tuần để phân phối cho thị trường của họ và các nơi khác tại Trung Quốc.

Với nhu cầu lớn từ các nhà nhập khẩu Quảng Châu, bà Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định, phía Việt Nam có nhiều doanh nghiệp (gồm cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ như Công ty Vĩnh Hoàn, Anh Khoa, Mega A, Baria Group, Đại Thành, Godaco, Hùng Hậu, IDI, Lê Thành, Gò Đàng…) sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng của Trung Quốc.

Trong đó, riêng đối với mặt hàng cá basa, Thương hội Thủy sản Quảng Châu đề nghị các doanh nghiệp gom thành một đơn hàng lớn để đặt hàng với phía Việt Nam để được giá cạnh tranh do thị trường cá basa tại Trung Quốc có sự cạnh tranh rất lớn.

Ngoài phục vụ thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Quảng Châu còn có nhu cầu hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản. Một số doanh nghiệp Trung Quốc có yêu cầu chất lượng thủy sản cao cấp, đủ tiêu chuẩn vào EU và có doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng đáp ứng được.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội kích hoạt hàng loạt điểm bán hàng lưu động

Trong bối cảnh đã xuất hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng thời gian qua khiến cho nhiều chợ truyền thống, siêu thị, nhất là một số chợ đầu mối bị phong tỏa tạm thời hoặc dừng hoạt động, nhiều quận, huyện cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai các điểm bán hàng lưu động để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu của người dân Thủ đô.

Triển khai 2.500 điểm bán hàng lưu động nếu nhiều chợ, siêu thị ngừng kinh doanh

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 181/KH-UBND về bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-muon-mua-hang-tram-tan-thuy-san-viet-nam-173341.html