Đổi mới giáo dục gặp khó trong đại dịch

12/12/2021 08:33

Kinhte&Xahoi Sau gần hai năm đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến ngành Giáo dục, khiến quá trình đổi mới giáo dục gặp nhiều khó khăn, chất lượng nhân lực trong ngành cũng giảm sút.

Dịch bệnh đã khiến quá trình đổi mới giáo dục gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Ngổn ngang khó khăn

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến ngành Giáo dục. Trẻ em mầm non, học sinh (HS), sinh viên (SV) đã phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp. Nhiều giáo viên (GV), trẻ em, HS bị nhiễm COVID-19. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch và chất lượng như đã đề ra…

Dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Công tác tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương và chương trình đào tạo (đào tạo lại) GV phổ thông bị chậm tiến độ. Thời lượng học lý thuyết, học thực hành, học thực nghiệm, trải nghiệm thực tế, thí nghiệm chưa bảo đảm…

Cô Mai Hương (Thạch Thất, Hà Nội) cho rằng, khó khăn lớn nhất của cô trò là phải bắt đầu theo hình thức trực tuyến từ đầu năm học nên bất lợi trong việc tiếp cận chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 (bộ Kết nối tri thức - bắt đầu đưa vào giảng dạy từ năm học này - PV). “Chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 chú trọng vào tìm hiểu nội dung bài viết, luyện kỹ năng viết, kỹ năng nói. Trong khi đó, tại trường tôi đang công tác, có nhiều HS thuộc khu vực miền núi, kỹ năng đọc, nói tiếng Việt còn hạn chế. Cô nói qua zoom, đôi lúc học sinh không hình dung được và rất khó để theo kịp chương trình trên lớp. Để khắc phục, trước mỗi buổi học, tôi đều chụp phần nội dung bài đọc, gửi cho phụ huynh rèn các con luyện đọc nhiều lần ở nhà để khi lên lớp, các con bắt nhịp với chương trình dễ dàng hơn”, cô Mai Hương chia sẻ.

Thầy cô dạy lớp 6 cũng đánh giá việc dạy học chương trình mới trong điều kiện thầy trò tương tác qua môi trường Internet còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Với bộ môn Khoa học Tự nhiên lớp 6, cô Phương Lan, GV Hóa học tại quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, HS đã quen với nhịp độ học online và dần thích nghi với môn học mới. “Tuy nhiên, chương trình mới được thiết kế cho việc dạy học trực tiếp, yêu cầu GV và HS phải tương tác nhiều. Nên trong quá trình giảng dạy, tôi phải chủ động tìm mọi phương án để xây dựng bài giảng phù hợp với hình thức học online, giúp HS tiếp cận kiến thức theo định hướng mới, yêu cầu mới. Nếu không dạy học theo chương trình mới, việc dạy học online sẽ không hiệu quả, khiến HS bị áp lực bởi kiến thức nhiều. Vì vậy, GV cần nghiên cứu kỹ và xây dựng phương pháp dạy phù hợp” - cô Lan cho biết.

Nhiều GV nhận định chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 được thiết kế theo hướng vận dụng kỹ năng nhiều hơn thay vì nặng về lý thuyết. Do đó, bản thân GV phải làm quen rất nhiều trong cách tiếp cận, truyền đạt kiến thức đến học trò. Việc nỗ lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong năm học này thực hiện với lớp 2 và lớp 6 sẽ là bước khởi đầu quan trọng để hướng đến một nền giáo dục thực học, thực nghiệp.

Linh hoạt các hình thức học

Trên thực tế, khi trường học đóng cửa, học trực tuyến thông qua Internet là giải pháp hàng đầu được các nền giáo dục thực hiện. Tuy nhiên, trong báo cáo có nhan đề “Học tập từ xa và khả năng tiếp cận” được công bố năm 2020, UNICEF nhận định ít nhất 1/3 trẻ em trên thế giới (khoảng 463 triệu trẻ em) đã không thể học từ xa khi các trường học bị đóng cửa vì COVID-19.

Thông qua kết quả khảo sát, nghiên cứu tại hơn 100 quốc gia, báo cáo này chỉ ra những hạn chế của việc học từ xa (thông qua phát thanh truyền hình và Internet), cho thấy sự bất bình đẳng sâu sắc trong việc tiếp cận giáo dục. Mặc dù đã tập trung vào các nền tảng trực tuyến nhưng nhiều trường công lập không trang bị máy tính hoặc không có công nghệ và thiết bị để thực hiện việc giảng dạy…

Còn tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Thực tế, 1,8 triệu HS (không phải 1,5 triệu như thống kê hồi đầu năm học) hiện không có bất kỳ thiết bị nào để học trực tuyến. Trước khi quan tâm đến chất lượng, chúng ta cần quan tâm những cháu không có thiết bị trong tay, đang dần dần bỏ học, điều đó quan trọng nhất…”.

Theo các chuyên gia giáo dục, kinh nghiệm thế giới cho thấy việc kết hợp hài hòa giữa hai phương thức dạy học truyền thống và dạy học truyền hình/trực tuyến sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với việc dạy học chỉ theo từng phương thức riêng biệt. Đối với giáo dục phổ thông chỉ cho phép áp dụng đại trà dạy và học trực tuyến ở những cơ sở giáo dục phổ thông đã có phương thức dạy thực sự “trực tuyến” và phải bảo đảm cho 100% HS của những cơ sở đó có đủ điều kiện để học trực tuyến.

TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) kiến nghị: Nếu chỉ áp dụng hình thức trực tuyến thì sẽ khiến cho nhiều HS phải bỏ học vì không có tiền mua thiết bị học. Vì thế, chúng ta phải chấp nhận dạy học đan xen 3 hình thức: Truyền hình, trực tuyến, trực tiếp. Đồng thời, chương trình học cũng cần có sự tính toán lại, ví dụ, chỉ có 50% chương trình cốt lõi sẽ được dạy trực tiếp, còn 50% chương trình sẽ phải học từ xa. Với bậc đại học, SV có tính tự học cao nên cũng có thể giảm thời lượng lên lớp bằng cách phần lý thuyết có thể học từ xa, còn lại phần thực hành, phần thảo luận chuyên đề sẽ đến trường học trực tiếp.

 Uyên Na - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Siêu thị Hà Nội mở hàng loạt chương trình khuyến mãi

Hưởng ứng chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia 2023, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chuẩn bị hàng hóa với số lượng tăng 20%-30% so với tháng bình thường, đồng thời liên kết chặt chẽ với nhà cung cấp liên tục tổ chức nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn.

Bình Dương: Bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Để đảm bảo đầy đủ, thường xuyên, tránh xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới.

Nguồn: Pháp luật Plushttps://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/doi-moi-giao-duc-gap-kho-trong-dai-dich-d172571.html