Đối phó với đại dịch chưa có trong tiền lệ phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm

09/11/2021 09:00

Kinhte&Xahoi Ngành y tế xin được chia sẻ với những mất mát, tổn thất nặng nề về con người tại TPHCM và các địa phương khác trong thời gian qua.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong 2 ngày 8-9/11, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội, thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác phòng chống dịch như công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn; việc chỉ đạo điều hành có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động; tổ chức thực hiện tại các địa phương thiếu nhất quán, nhất là việc đi lại của người dân; hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng khi đáp ứng với đại dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Để đối phó với đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đều phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; phải liên tục điều chỉnh các chính sách, chiến lược cho phù hợp.

Thực tế công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có một số kết quả, bài học bước đầu:

Thứ nhất, là sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng, Nhà nước; huy động toàn đảng, toàn dân, toàn quân tham gia công tác phòng chống dịch; đã phát huy được thế mạnh của hệ thống chính trị cơ sở, huy động mọi tầng lớp nhân dân; cả nước đồng lòng chống dịch với ưu tiên đặt sức khỏe, tính mạnh của người dân lên trên hết, trước hết;

Thứ hai, nhiều kinh nghiệm quý báu với các giải pháp chuyên môn phòng, chống dịch chưa có trong tiền lệ được áp dụng như cách ly, điều trị F0 tại nhà; xét nghiệm thần tốc, phân tầng điều trị, thiết lập trạm y tế lưu động, trung tâm hồi sức tích cực. Chiến lược phòng chống dịch luôn được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tiễn theo từng hoàn cảnh, diễn biến của dịch;

Thứ ba, huy động số lượng lớn các lực lượng y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác vào TPHCM và các tỉnh phía Nam. Trong đại dịch, chúng ta đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau vượt qua khó khăn.

Ngành y tế xin được chia sẻ với những mất mát, tổn thất nặng nề về con người tại TPHCM và các địa phương khác trong thời gian qua.

Về vấn đề vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai chiến lược vaccine rất hiệu quả, trên tất cả lĩnh vực từ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng...

Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Chúng ta đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Chiến dịch tiêm chủng vaccine cũng đang được triển khai rất thành công.

Tính đến hết ngày 07/11/2021, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vaccine. Số lượng vaccine hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.
 

Thiếu lao động nhưng không đến mức trầm trọng

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động, nhưng điều đáng mừng, hơn một tháng cả nước bước vào trạng thái bình thường mới vừa qua, tình hình đang có tiến triển rất khả quan.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Theo báo cáo tại các tỉnh phía Nam và kết quả kiểm tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, tỷ lệ phục hồi sản xuất trong các khu công nghiệp, chế xuất đạt từ 50 đến 80% và số lao động trở lại làm việc hiện nay đạt 70 đến 75%, cá biệt có địa phương tới 90%.

Như vậy, so với nhu cầu và yêu cầu đáp ứng đơn hàng cuối năm, các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn thiếu lực lượng lao động nhưng không đến mức trầm trọng. Đó là do chúng ta đã chủ động những giải pháp, do các địa phương đẩy mạnh hoạt động phục hồi sản xuất.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dự báo, hết quý I và đầu quý II/2022, nếu dịch bệnh không có diễn biến phức tạp hơn thì khả năng phục hồi trở lại thị trường lao động như bình thường nhiều khả năng đáp ứng được.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ và xây dựng chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động đi đôi với vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, chia làm hai giai đoạn: giai đoạn phục hồi và giai đoạn bứt phá với những cơ chế chính sách đề xuất đảm bảo đủ mạnh, đủ lớn chương trình này là một trong những nội dung của Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội.

 Quang Vũ - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt

Thời gian qua, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhằm nâng cao hiệu quả triển khai cuộc vận động, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26-10-2021 về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/doi-pho-voi-dai-dich-chua-co-trong-tien-le-phai-vua-lam-vua-rut-kinh-nghiem-d170345.html