Dự án Rose Town Ngọc Hồi đã mang thế chấp ngân hàng, khách hàng cần lưu ý điều gì?

25/11/2019 10:28

Kinhte&Xahoi Một phần dự án Rose Town Ngọc Hồi đã được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tây.

Mới đây, Văn phòng Đăng ký Đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa thông báo bổ sung danh sách chủ đầu tư đã thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai đó là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) và Công ty Cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu (PROMEXCO).

Cụ thể, một phần Dự án Khu văn phòng giao dịch, nhà ở, chung cư cao tầng, biệt thự, nhà vườn để bán và cho thuê (Dự án Rose Town Ngọc Hồi) nằm tại KM9 đường Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã được thế chấp Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tây.

Tiến độ Dự án Rose Town Ngọc Hồi.

Theo tìm hiểu, Dự án Rose Town Ngọc Hồi có tổng diện tích 4,124 ha; có diện tích xây dựng 11.204 m2; quy mô xây dựng gồm 5 tòa tháp chung cư và 1 tòa văn phòng dịch vụ hỗn hợp 

Dự án được khởi công xây dựng từ quý 4/2017 và dự kiến bàn giao nhà vào năm 2020. Theo khảo sát tại một số website môi giới bất động sản, mức giá bán của dự án Rose Town 79 Ngọc Hồi dao động trung bình từ 19 – 21 triệu đồng/m2.

Việc chủ đầu tư các dự án bất động sản mang dự án đi thế chấp ngân hàng để huy động nguồn tài chính thực hiện dự án không phải là chuyện hiếm.

Và thực tế từ nhiều năm nay Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cũng thường xuyên thông báo việc các chủ đầu tư thế chấp dự án trong đó cũng có những doanh nghiệp lớn.

Dự án Rose Town Ngọc Hồi  đã thế chấp tại ngân hàng BIDV.

Điều 147, Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7/2015 có quy định, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.

Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ rõ: Chủ đầu tư được thế chấp dự án hoặc nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất ở hợp pháp của mình được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở đó.

Với quy định trên,, trước khi bán căn hộ hình thành trong tương lai đã thế chấp ngân hàng, chủ đầu tư có trách nhiệm phải thực hiện giải chấp hoặc được ngân hàng có văn bản chấp thuận cho bán. Người mua nhà cần chú ý điểm này để tránh rủi ro khi mua các sản phẩm nhà ở, bất động sản.

Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi hiện nay đang tồn tại một thực tế là nhiều doanh nghiệp vô tư bán nhà đã thế chấp cho khách hàng mà không thực hiện giải chấp, dồn khách hàng vào cảnh dở khóc dở cười trước nỗi lo mất nhà.

Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo, trước khi xuống tiền, người mua cần tự tìm hiểu kỹ về dự án và thông tin liên quan đến tiến độ dự án.

Đồng thời, để hạn chế tối đa những rủi ro mà khách hàng phải gánh chịu, cần minh bạch, công khai thông tin những dự án đang bị thế chấp. Việc công khai phải rõ ràng,chi tiết và cập nhật thường xuyên để người dân nắm rõ chứ không phải công khai một cách chung chung, chỉ nêu mỗi tên dự án.

Về phía khách hàng, cần phải tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục thực hiện. Khi tiến hành Giao dịch bán tài sản đang thế chấp, cần phải có sự tham gia của phía ngân hàng và ngân hàng sẽ trực tiếp nhận tiền từ người mua.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giá tăng chưa từng có, Tết này lợn đông đá gói bánh chưng

Giá lợn hơi tiến sát mốc 80.000 đồng/kg, thịt lợn ngoài chợ tăng lên 150.000-200.000 đồng/kg. Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các bộ, ngành nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài để cân đối cung cầu, nhất là dịp Tết

Nguồn: Pháp luật Plus