Dự án The Pegasuite 2: Công ty Phú Gia huy động vốn trái luật?

19/11/2018 09:11

Kinhte&Xahoi Dù vẫn chưa hoàn thiện phần móng của dự án The PegaSuite 2, nhưng chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Gia đã cố tình “lách luật”, rầm rộ quảng cáo, thu tiền từ khách hàng.

Dự án The PegaSuite 2 (số 1079 đường Tạ Quang Bửu, phường 6, quận 8, TP.HCM) do Công ty CP Đầu tư & Kinh doanh Bất động sản Phương Việt (PV Invest) làm đơn vị phát triển và chủ đầu tư là Công ty Phú Gia.

Phối cảnh dự án The PegaSuite 2.

 

Dự án được giới thiệu có quy mô 3.919 m2, tổng diện tích sàn hơn 333 ngàn m2, có 361 căn hộ, dự kiến khởi công vào tháng 10/2018 và bàn giao vào cho khách hàng vào quý II/2019.

Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của PV, tại vị trí dự án, xung quanh là những banner quảng cáo, được quây kín bằng những tấm tôn lớn. Bên trong dự án vẫn còn ngổn ngang, ngập rác thải.


Trên thực tế, dự án này chưa có dấu hiệu của việc xây dựng.

Theo tìm hiểu của PV, với những tài liệu thu được, có thể khẳng định việc chủ đầu tư dự án là Công ty Phú Gia đã “lách luật” ký kết hợp đồng đặt cọc mua bán căn hộ và nhận tiền cọc với hàng chục khách hàng.

Nếu chiếu theo các quy định hiện hành về việc mở bán các dự án bất động sản hình thành trong tương lai thì việc huy động vốn bằng cách nhận đặt cọc giữ chỗ, hay các hợp đồng nguyên tắc do CĐT ký kết với khách hàng, trong đó có các điều khoản thanh toán theo các đợt cố định khi dự án chưa được khởi công hoặc chưa được nghiệm thu xong phần đế, móng thì được coi là một hành vi “lách luật”, không tuân thủ quy định của pháp luật.

Mặc dù biết quy định pháp luật là như vậy, nhưng vì nguồn lợi nhuận trước mắt, để có nguồn vốn xoay vòng hoặc để tiếp tục đầu tư dự án khác... mà không ít doanh nghiệp bất động sản “nhắm mắt làm ngơ” trước các quy định, cố tình “vượt rào” thu tiền từ khách hàng bằng nhiều cách khác nhau.

Tuy nhiên, cách làm này của các CĐT đã đẩy nhiều khách hàng rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi mà tiền thì vẫn phải đóng theo hợp đồng nguyên tắc, còn nhà thì chẳng thấy đâu.

Câu chuyện chung cư Gia Phú (quận Thủ Đức) là một ví dụ điển hình. Sau khi huy động vốn của người dân, đến nay dự án này vẫn chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn đem dự án thế chấp cho ngân hàng, đồng thời bán một căn hộ cho nhiều người. Sau đó, chủ đầu tư biến mất và ngân hàng siết nợ dự án đã đẩy người mua nhà vào cảnh lao đao.

Theo các chuyên gia bất động sản, hiện nay nhiều chủ đầu tư xé rào để bán dự án, bất chấp rủi ro cho khách hàng, trong đó phần lớn là vì lợi nhuận khổng lồ từ thị trường đang sôi động. Câu chuyện làm ăn với các doanh nghiệp bất động sản thì việc rủi ro là điều không thể thiếu. Việc khách hàng lựa chọn đơn vị để đặt niềm tin là điều cần phải suy tính bởi khi khách hàng gặp phải đơn vị yếu kém thì việc “ngậm đắng nuốt cay” là điều khó tránh khỏi.

 

Theo GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thuốc làm từ nhau thai người sẽ nguy hại ra sao?

Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh phối hợp với các cơ quan như hải quan, quản lý thị trường, công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện các sản phẩm làm từ nhau thai. Tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.