Du lịch Hà Nội dần ''tỉnh giấc''...

06/02/2022 18:54

Kinhte&Xahoi “Cơn bão” Covid-19 kéo dài 2 năm, có lúc khiến cho hoạt động du lịch tê liệt, rơi vào trạng thái “hôn mê sâu”. Năm 2021, du lịch cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng đã nhìn thấy những tia sáng, khi những người làm du lịch không còn tâm lý “ngồi chờ” dịch qua đi, thay vào đó là những giải pháp thiết thực, thích ứng an toàn, linh hoạt để “sống chung” với dịch. Những mô hình du lịch trong điều kiện “bình thường mới” được hình thành, nhen lên nhiều hy vọng cho khả năng sớm “tỉnh giấc” và phục hồi của du lịch Thủ đô.

Ảnh: Trần Anh

Những “đốm lửa” thắp lên hy vọng

Ngày 20-11, thời tiết đầu đông ấm áp, nắng vàng rực rỡ. Với những người làm du lịch Thủ đô, đó như là dự cảm tốt lành bởi hôm ấy, Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen giới thiệu 18 sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng xe đạp (Viet Bike Tour) khám phá Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Đây là sản phẩm du lịch mới được câu lạc bộ ấp ủ từ cuối năm 2020, nhưng phải mất một năm mới có thể hoàn thành.

Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa, người trực tiếp xây dựng sản phẩm này chia sẻ: “Không thể hy vọng dịch hết hoàn toàn mà chúng ta phải “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”. Việc cơ cấu lại sản phẩm du lịch lúc này rất cần thiết vì xu hướng, thói quen của du khách đã thay đổi. Dòng sản phẩm du lịch bằng xe đạp không mới ở nước ngoài, nhưng sẽ là “món lạ” với khách nội địa”.

Quả nhiên, như dự đoán, sản phẩm trải nghiệm du lịch bằng xe đạp ngay lập tức tạo sức hút do đánh trúng tâm lý của du khách muốn được vận động và trải nghiệm sau thời gian dài giãn cách xã hội. Ngày đầu ra mắt, tour xe đạp “Tinh hoa Tràng An” khám phá phố cổ đã thu hút hơn 40 doanh nghiệp lữ hành và du khách tham gia. Tiếp đó, các tour xe đạp khám phá Cổ Loa (ngày 4-12), đạp xe về Hòa Bình (ngày 12-12), rong ruổi trải nghiệm làng cổ Đường Lâm (ngày 18-12)… liên tiếp tổ chức, mỗi lần thu hút gần 30 khách. Chị Nguyễn Thanh Nga, một người tham gia trải nghiệm bày tỏ: “Sau 2 năm du lịch gần như “đóng băng”, những dòng sản phẩm phù hợp với điều kiện “bình thường mới” không chỉ giúp du khách xóa bỏ tâm lý e dè, mà còn tạo động lực để các đơn vị du lịch kích hoạt lại dịch vụ”.

Bên cạnh sản phẩm du lịch bằng xe đạp, sản phẩm đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” của Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) kết hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia ra mắt vào cuối tháng 10-2021 cũng tạo hiệu ứng rõ nét. Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, sự liên kết giữa hai đơn vị giúp tăng số lượng khách đáng kể. Mỗi tuần, đơn vị đón khoảng 20 khách tham quan, trải nghiệm.

Ngoài những sản phẩm khám phá Hà Nội, các đơn vị lữ hành cũng mở rộng triển khai nhiều sản phẩm du lịch liên tỉnh theo mô hình “du lịch bong bóng”. Nếu như năm 2020, du lịch caravan (tự lái xe) mang tính thử nghiệm thì giờ đây, sản phẩm này trở thành chủ đạo, được các đơn vị khai thác sâu. Ngay khi “hành lang du lịch xanh” của các tỉnh, thành phố được khơi thông, liên tiếp các đơn vị du lịch, như: Pattours Travel, Fivestar Travel, Caravan Việt Nam… thực hiện các chuyến caravan khởi hành từ Hà Nội đi Hà Giang, Lai Châu, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hòa Bình…

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong năm 2021, ngành Du lịch Thủ đô còn gặp khó khăn hơn cả năm 2020, đặc biệt khi làn sóng dịch thứ tư kéo dài từ tháng 4 đến nay, vẫn đang diễn biến phức tạp. Tính đến hết tháng 11-2021, khách du lịch đến Hà Nội chủ yếu bao gồm khách nội địa là 3,22 triệu lượt, giảm 60,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, đây là năm khó khăn chưa từng có của du lịch nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng. Để vượt qua cuộc khủng hoảng này, các đơn vị buộc phải thay đổi cách làm du lịch, trước hết là đổi mới về sản phẩm. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan đánh giá, nỗ lực của các đơn vị lữ hành Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào việc phục hồi du lịch Thủ đô. Điều đáng nói, bên cạnh những sản phẩm “độc”, “lạ”, Hà Nội đã thành công khi làm mới những sản phẩm cũ. Trong bức tranh du lịch còn khá ảm đạm, thì đây là những “đốm lửa” thắp lên hy vọng cho du lịch Thủ đô.

 Ảnh: Lệ Quyên

Tăng liên kết để phục hồi

Dịch Covid-19 đã khiến cho 95% doanh nghiệp ngừng hoạt động, 90% nhân lực trong ngành không có việc làm hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, dịch Covid-19 như “phép thử” lớn với toàn ngành, mà để phục hồi, các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch cần tăng liên kết để biến “nguy” thành “cơ”. Điều này không chỉ thể hiện ở việc cơ cấu lại sản phẩm, thay đổi cách làm du lịch, mà còn buộc các đơn vị phải tính toán đến những phương án hỗ trợ cho du lịch.

Một hệ sinh thái mới của du lịch được hình thành, khi nhiều đơn vị lữ hành liên kết với các đơn vị cung ứng dịch vụ địa phương để xây dựng thêm sản phẩm bổ trợ cho hoạt động lữ hành. Các công ty du lịch: VietSense Travel, Tràng An Travel, Golden Tour, Spy Travel…, một mặt vẫn duy trì sản phẩm du lịch chờ phục hồi, mặt khác chuyển hướng kinh doanh lĩnh vực nông sản, quà tặng địa phương và nước ngoài.

Giám đốc Công ty Du lịch Golden Tour Phạm Tiến Dũng chia sẻ, do có nhiều năm kinh nghiệm du lịch ở thị trường Nhật Bản, nên công ty liên kết được các đơn vị cung ứng dịch vụ mở cửa hàng chuyên đồ Nhật để cung cấp, giới thiệu cho du khách trong thời gian chưa thể du lịch. Trong khi đó, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài cho biết, sau gần 17 năm xây dựng thị trường du lịch nội địa, đơn vị kết hợp mở siêu thị trực tuyến giới thiệu nông sản OCOP các địa phương cũng như giới thiệu quà tặng các làng nghề của Hà Nội trong các sản phẩm du lịch. “Du lịch nông nghiệp - nông thôn đang là xu hướng phát triển chung, cũng là thế mạnh của du lịch Hà Nội. Trước kia, việc liên kết du lịch với tiêu thụ nông sản khá yếu, thì nay hoạt động này không chỉ “cứu cánh” cho các đơn vị, mà còn tạo tiền đề xây dựng một hệ sinh thái du lịch khép kín, vừa trải nghiệm, vừa tiêu thụ sản vật địa phương”, ông Nguyễn Văn Tài bày tỏ.

Trong năm 2021, khá nhiều diễn đàn, hội nghị do Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cơ quan quản lý du lịch, các câu lạc bộ du lịch… tổ chức, trong đó đầu cầu Hà Nội đóng vai trò quan trọng, đều nhấn mạnh vai trò của liên kết du lịch. Tại hội nghị kết nối du lịch giữa Hà Nội và các địa phương du lịch diễn ra vào ngày 17-12-2021, liên kết du lịch được đẩy mạnh hơn khi 12 tỉnh, thành phố đã có những cam kết đồng thuận và hỗ trợ trong các chính sách đón khách, đẩy mạnh du lịch nội địa. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ, sự liên kết của các địa phương có ý nghĩa rất lớn để tạo nên “hành lang du lịch an toàn”, giúp ngành Du lịch có thể phục hồi trong trạng thái “bình thường mới”.

Nỗ lực trong việc cơ cấu lại sản phẩm, tăng tính liên kết hợp tác đã giúp du lịch Hà Nội có tín hiệu vui từ cuối năm 2021. Sau 3 tháng (7, 8, 9) gần như không có khách, từ cuối tháng 10-2021, lượng khách đến Hà Nội tăng dần. Du lịch Thủ đô đang tạo được đà phục hồi, hy vọng có thể khởi sắc vào năm 2022, như lời của Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh: “Du lịch Hà Nội khởi sắc, tạo thêm sức mạnh để toàn ngành Du lịch cùng phục hồi và phát triển”.

 Hoàng Lân - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Năm 2022, Hà Nội sẽ có diễn đàn quốc tế về sản phẩm OCOP

Đây là một trong những nội dung được Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí chia sẻ khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị về kế hoạch phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong năm 2022. TIN LIÊN QUAN

Bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Ðể bảo đảm cho người dân đón Tết vui tươi, nhất là an toàn về thực phẩm, các cơ quan chức năng tại các địa phương đang tập trung thanh tra, kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm trên địa bàn.

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/1023650/du-lich-ha-noi-dan-tinh-giac