Dư luận Australia: Trung Quốc “hung hăng, bành trướng” ở Biển Đông

23/04/2020 16:24

Kinhte&Xahoi “Trung Quốc coi đại dịch là cơ hội kiểm soát đơn phương các khu vực đang tranh chấp với các bên khác, cho thấy “sự hung hăng” và bản chất "bành trướng".

Báo điện tử The Sydney Morning Herald của Australia hôm nay (23/4) dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao nước này Marise Payne bày tỏ sự lo ngại về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây. Bộ trưởng Ngoại giao Australia khẳng định, các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế và đảm bảo sự tự do hàng hải, hàng không ở khu vực này.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne. Nguồn: DFAT

Báo điện tử The Sydney Morning Herald của Australia hôm nay cho biết trong tuyên bố đưa ra mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne bày tỏ sự lo ngại của Australia về “một số sự cố và hành động gần đây” ở Biển Đông trong đó bao gồm “những nỗ lực nhằm phá vỡ các hoạt động phát triển tài nguyên của các quốc gia khác, tuyên bố về cái gọi là các “quận hành chính” mới tại các thực  thể đang có tranh chấp và việc đánh chìm tàu cá Việt Nam”.

Bộ trưởng Marise Payne khẳng định, Australia không đứng về phía bên nào trong tranh chấp, song Australia “có mối quan tâm lớn tới sự ổn định của tuyến đường thủy quan trọng này và các quy tắc cũng như các luật lệ để điều chỉnh mối quan hệ ở khu vực này”.

Bộ trưởng Marrise Payne nhấn mạnh: “Australia kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển, đồng thời đảm bảo tự do hàng hải và hàng không”.

Bà Marise Payne cũng nhận định: “Điều quan trọng là tại thời điểm này, tất cả các bên cần kiềm chế các hoạt động gây mất ổn định và giảm bớt căng thẳng để cộng đồng quốc tế tập trung mọi nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19”.

Bình luận về tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne, Giám đốc chương trình quốc phòng của Viện chiến lược Australia Michael Shoebridge đánh giá, tuyên bố của Bộ trưởng Marise Payne cho thấy Trung Quốc “không phải là quốc gia duy nhất có thể xử lý đại dịch và khẳng định sự quan tâm chiến lược đối với vấn đề này”.

Ông Michael Shoebridge cũng nhận định: “Trung Quốc coi đại dịch toàn cầu là cơ hội để tiếp tục kiểm soát đơn phương các khu vực đang tranh chấp với những bên khác cho thấy sự "hung hăng" và bản chất “bành trướng”.

Ông Michael Shoebridge - Giám đốc chương trình quốc phòng của Viện chiến lược Australia. Nguồn: Viện chiến lược Australia.

Bên cạnh việc thông tin về tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne và bình luận của Giám đốc chương trình quốc phòng của Viện chiến lược Australia Michael Shoebridge, báo điện tử The Sydney Morning Herald cũng nhắc lại việc vào Chủ Nhật (19/4) vừa qua, Việt Nam đã phản đối tuyên bố của Trung Quốc về việc thành lập hai cái gọi là “quận hành chính” trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.

Báo này cho biết, động thái của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam phản đối việc tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm và làm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở ngoài khởi quần đảo Hoàng Sa, vùng biển đang bị tranh chấp. Báo này cũng nhắc lại việc tuần trước, một tàu khảo sát của chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu theo dõi một tàu khoan của Malaysia trong lúc đang tiến hành các hoạt động thăm dò ngoài khơi Malaysia.  

Báo điện tử The Sydney Morning Herald cũng thông tin, Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc đối đầu và cho biết, tàu khảo sát của họ có tên gọi là Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) đang tiến hành các hoạt động bình thường trong khu vực, đồng thời cho biết, một tàu khảo sát tương tự của Trung Quốc trước đây đã theo dõi các hoạt động khai thác dầu ngoài khơi Việt Nam.

Trước đó vào ngày hôm qua (22/4), báo chí Australia đã đưa tin về việc tàu khu trục HMAS Parramtta của nước này đã tiến hành tập trận chung với các tàu hải quân Mỹ trên Biển Đông “nhằm củng cố sự ổn định và an ninh trong khu vực”. Báo chí Australia khẳng định, bất chấp sự bùng phát của dịch Covid-19 từ tháng 1/2020, Australia vẫn theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, vùng biển chiến lược quan trọng đối với nước này./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chuyển đổi xu hướng tiêu dùng trong dịch Covid-19

Trong dịch Covid - 19, khi giá thịt lợn chưa có chiều hướng giảm, người tiêu dùng đang dần thay đổi cơ cấu bữa ăn, chuyển sang sử dụng thịt và trứng gia cầm thay cho thịt lợn. Đây chính là cách tiết kiệm chi tiêu, đồng thời chung tay hỗ trợ người chăn nuôi gia cầm tiêu thụ sản phẩm.

Theo VOV/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/quoc-te/du-luan-australia-trung-quoc-hung-hang-banh-truong-o-bien-dong-d122787.html